Vì sao xe đưa đón học sinh chưa được sơn màu vàng đậm?
Theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, từ 1/1/2025, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm. Gần nửa tháng luật có hiệu lực nhưng hầu hết các trường mầm non, tiểu học và liên cấp có dịch vụ xe đưa đón trẻ em, học sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa vẫn chưa được thực hiện đổi màu sơn theo quy định.
Quy định mới nhưng chưa được thực hiện
Điều 30 Nghị định số 151/2024/NĐ-CP ngày 15/11/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TTATGT đường bộ: Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 Luật TTATGT đường bộ phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe; mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.
Quy định này góp phần chuẩn hóa dịch vụ xe đưa đón học sinh, ngăn ngừa tai nạn giao thông và các sự cố đáng tiếc trên xe đưa đón. Quy định mới được ban hành đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ các bậc phụ huynh và dư luận xã hội. Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn quy định sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.
Chị Tăng Thị T. ở phường Đông Sơn, có 2 con nhỏ đang theo học tại các trường mầm non tư thục thuộc địa bàn TP Thanh Hóa, cho rằng: “Xe đưa đón học sinh là một dịch vụ cần thiết, giúp các gia đình tiện lợi hơn trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh còn lo ngại vì đã có tiền lệ một số vụ việc mất an toàn liên quan đến xe đưa đón trẻ em, học sinh từng xảy ra. Khi Luật TTATGT đường bộ ra đời và nghị định hướng dẫn được ban hành với nhiều quy định mới, phụ huynh chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn khi đăng ký dịch vụ xe đưa đón con với các nhà trường. Bởi vì, khi các quy định được áp dụng trong thực tiễn cuộc sống sẽ góp phần chuẩn hóa dịch vụ hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng ô tô, không còn tình trạng mỗi trường làm một kiểu như lâu nay”.
Luật TTATGT đường bộ đã có quy định cụ thể về thời gian thực hiện từ 1/1/2025, song ghi nhận thực tế tại một số cổng trường học có dịch vụ xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa chúng tôi nhận thấy, hầu hết các xe đưa đón vẫn chưa được sơn màu vàng theo quy định.
Tình cờ bắt gặp xe đưa đón trẻ em mầm non của Trường Mầm non Bình Minh lưu thông trên Đại lộ Lê Lợi vào khoảng 7 giờ 22 phút sáng ngày 10/1/2025, chúng tôi nhận thấy, xe vẫn chưa được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài. Di chuyển đến ngôi trường này, chỉ ít phút sau, chúng tôi thấy có 2 xe ô tô đón trẻ em lần lượt vào cổng. Hai bên và phía sau xe có ghi dòng chữ Trường Mầm non Bình Minh - xe đưa đón học sinh.
Có mặt tại Trường Liên cấp Newton Thanh Hóa ở phường Quảng Thành vào buổi chiều cùng ngày, chúng tôi nhận thấy có 4 xe ô tô lần lượt chở học sinh về nhà sau giờ tan trường. Cả 4 chiếc xe đều hiện sơn màu trắng, mặt trước và mặt sau xe đã đánh số thứ thự và dòng chữ thể hiện là Trường Liên cấp Newton Thanh Hóa, xe đưa đón học sinh.
Tương tự, xe đưa đón trẻ em mầm non của Trường Mầm non Mia Montessori Preschool tại Chung cư ATHOME và Khu đô thị Bình Minh vẫn chưa được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe theo quy định. Mặt sau và hai cạnh bên xe có dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em của Trường Mầm non Mia Montessori Preschool.
Chờ hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan chức năng?
Số lượng xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tập trung chủ yếu trên địa bàn TP Thanh Hóa. Hầu hết xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh là của các trường tư thục. Bên cạnh các xe nội bộ của nhà trường, nhiều trường tư thục còn ký hợp đồng dịch vụ xe đưa đón trẻ em mầm non và học sinh với một số đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê của Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông - Vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 3.500 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, có 680 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, với hơn 1.800 phương tiện. Tuy nhiên, số lượng xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của các trường thì chưa có thống kê danh sách cụ thể.
Theo ý kiến của một số nhà trường, đơn vị kinh doanh vận tải, Nghị định số 151/2024/NĐ-CP ngày 15/11/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TTATGT đường bộ đã có hiệu lực nhưng hiện chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể. Điều này khiến các sở, ngành liên quan và nhiều trường mầm non, tiểu học và liên cấp có dịch vụ đưa đón trẻ em, học sinh lúng túng trong thực hiện. Hơn nữa, việc sơn lại màu xe, lắp các thiết bị ghi nhận hình ảnh, thiết bị cảnh báo sẽ tốn nhiều chi phí. Đồng thời, quá trình làm thủ tục đề nghị cấp đổi màu xe, đăng ký không phải là chuyện có thể thực hiện được trong ngày một, ngày hai mà cần có phải thời gian.
Trao đổi về việc triển khai các quy định mới đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh, Thượng tá Trang Công Đông, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết: “Phòng CSGT sẽ tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh và UBND tỉnh quy trình thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các trường học có phương tiện liên quan đến đưa đón trẻ em mầm non, học sinh. Qua công tác điều tra cơ bản, Phòng CSGT Công an tỉnh sẽ yêu cầu tất cả những trường học, cơ sở đào tạo phải báo cáo các phương tiện, người điều khiển phương tiện liên quan đến việc đưa đón trẻ em mầm non, học sinh. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, phòng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức cho các trường học, cơ sở đào tạo có phương tiện đưa đón trẻ em mầm non, học sinh ký cam kết thực hiện các quy định mới”.
Để bảo đảm TTATGT đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh, Điều 46 Luật TTATGT đường bộ nêu rõ:
1. Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ;
b) Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.
2. Xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 10, khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe đáp ứng yêu cầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
3. Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 01 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
4. Người lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
5. Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó.
6. Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.