Vì sao xe máy khan hàng, tăng giá?
Nhiều hãng xe máy đang rơi vào tình trạng thiếu linh kiện để sản xuất khiến nguồn cung bị hạn chế dẫn đến khan hàng và tăng giá bán.
Không chỉ ô tô, nhiều hãng xe máy tại Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu linh kiện để sản xuất khiến nguồn cung bị hạn chế. Hiện nhiều người muốn mua phải đặt hàng, chịu chênh giá bán rất lớn.
Rơi vào cảnh khan hàng, nhiều mẫu xe Honda tăng giá cao, thậm chí không có xe để bán. Ảnh: Bá Nam
Xe máy khan hàng, đội giá
Chị Ngân Thị Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có ý định sắm một chiếc xe tay ga có giá bán không quá cao. Tuy nhiên, chị không ngờ mua được chiếc xe máy ở thời điểm này lại khó như vậy.
“Lúc đầu tôi tính mua chiếc Honda Vision khi thấy giá bán đề xuất chỉ hơn 30 triệu đồng, nhưng hỏi nhiều đại lý đều được trả lời không có xe ngay. Hơn nữa giá bán tại đại lý chênh tới 14 triệu đồng, màu sắc cũng không đầy đủ.
Thấy khó khăn nên em đã chuyển sang tìm mua xe Yamaha. Tuy nhiên khi tới đại lý, xe Yamaha Janus tuy không tăng giá nhưng cũng đang “cháy hàng””, chị than thở.
Xe máy khan hàng đang là tình trạng chung do thiếu nguồn cung linh kiện. Trao đổi với PV Báo Giao thông, nhân viên Yamaha Town Cầu Giấy (98 Xuân Thủy, Hà Nội) cho hay, Yamaha Janus đang thiếu hàng, rất nhiều khách hỏi mua nhưng đến xe trưng bày cũng không còn: “Nếu khách hỏi mua, cửa hàng phải điện về kho xem còn hàng theo đúng yêu cầu hay không mới dám hứa”.
Tại Yamaha Dương Tiến Phát (72 Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm Hà Nội), trong vai người mua xe, PV nhận được thông tin, chỉ còn một chiếc Grande bản giới hạn duy nhất.
Các mẫu xe khác như Janus hay Latte đều “cháy hàng” từ giữa tháng 5. Nhân viên tại đây cũng cho biết, rất nhiều khách tới hỏi xe nhưng đại lý không có xe để bán.
Theo khảo sát, các đại lý chính hãng Yamaha Town dù khan xe nhưng vẫn bán đúng giá. Các đại lý Yamaha khác, giá có tăng hơn so với đề xuất song cũng chỉ vài trăm nghìn đồng. Hiện hai mẫu Janus và Latte đang khan hàng nhất.
Tại các HEAD (Cửa hàng Honda ủy nhiệm), tình trạng khan hàng ở hàng loạt mẫu xe tay ga cũng đang diễn ra. Xe số với xe côn tay thì không gặp phải tình trạng này (ngoại trừ Honda Wave Alpha).
Tại HEAD Kường Ngân (50A Trần Nhân Tông, Hà Nội), Honda SH đã hết sạch hàng. Không chỉ riêng cửa hàng này mà toàn bộ hệ thống của Kường Ngân đều đã hết xe từ giữa tháng 4.
Nhân viên tại đây cho biết, hiện tại có rất nhiều khách hỏi về mẫu xe này nhưng cửa hàng không có xe để bán.
“Nhiều mẫu xe ga đã có sẵn trong nhà máy nhưng chỉ thiếu một vài linh kiện nên không thể xuất xưởng”, nhân viên này nói thêm.
Bên cạnh Honda SH, SH Mode cũng đang trong tình trạng khan hàng tương tự. Nhân viên HEAD VAC (171 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) còn cho biết, thậm chí không dám nhận đặt cọc SH Mode dù rất nhiều khách hỏi về mẫu xe này.
Lý do bởi chính nhân viên và đại lý cũng không biết thời gian xe về chính xác khi nào, sợ khách hàng đặt cọc mà phải chờ lâu.
Bớt khan hơn, Honda Vision cũng còn xe tại một số đại lý, tuy nhiên không đầy đủ phiên bản. Tại các đại lý còn xe, giá bán Honda Vision thực tế hiện từ 44 – 53 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất khoảng 14 – 18 triệu đồng.
Còn Honda SH Mode nếu tại đại lý có xe thì giá bán cũng tăng cao, chênh từ 12 – 16 triệu đồng so với giá đề xuất. Tăng cao nhất là Honda SH 150, chênh khoảng 20 triệu đồng.
Hãng xe nói gì?
Các mẫu xe máy Yamaha đang trong tình trạng khan hàng do thiếu linh kiện. Ảnh: Bá Nam
Trao đổi với PV, ông Trịnh Mai Lâm, Trưởng phòng Marketing, Yamaha Motors Việt Nam thừa nhận tình trạng khan hàng.
Trong đó, một số mẫu xe tay ga như Janus hay Latte lượng sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tình trạng xe máy khan hàng diễn ra từ đầu năm 2022.
Tính từ đầu năm, sản lượng xe máy sản xuất của Yamaha đã sụt giảm khoảng 15% do thiếu linh kiện để lắp ráp.
Khi được hỏi về giải pháp, ông Lâm cho biết, đang cố gắng làm việc với các đối tác để tăng lượng linh kiện cung cấp, từ đó tăng sản lượng xe.
Tuy nhiên, hãng sẽ không tìm kiếm đối tác cung ứng linh kiện mới bởi việc này sẽ mất rất nhiều thời gian.
Trả lời báo chí về câu chuyện bán chênh hàng chục triệu đồng so với giá niêm yết ở một số mẫu xe, Honda Việt Nam (HVN) cho biết, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tình trạng mất cân bằng cung cầu và chi phí đầu vào cũng như những khó khăn về nguồn cung chip bán dẫn.
Nguyên nhân là do bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới không ổn định, bao gồm các chính sách kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt tại các thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn.
Để hạn chế hơn nữa việc các HEAD bán xe với giá thực tế chênh nhiều so với giá bán lẻ đề xuất, HVN đang nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải thiện tình hình, theo sát diễn biến thị trường, tối ưu hóa kế hoạch sản xuất, tiếp tục tìm kiếm nhà cung cấp thay thế và đa dạng hóa đối tác vận chuyển để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Ngoài ra hãng cũng cố gắng cân bằng cung cầu của các dòng xe trong khả năng tối đa, nhất là khi nhu cầu tăng cao của các mẫu xe sau khi tình hình Covid-19 được kiểm soát, có sự chênh lệch cung cầu ở một số địa phương”, đại diện HVN cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hiện nguồn cung đang không đủ đáp ứng nhu cầu nên việc giá xe tăng cũng là điều bình thường, thể hiện quan hệ cung cầu của thị trường. “Còn về việc giá hóa đơn thấp hơn giá bán, thực chất đây là hành vi trốn thuế. Muốn kiểm tra xem có việc này hay không, cơ quan thuế hoàn toàn làm được”, ông Long nói.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 8/6 về vấn đề xe máy “2 giá”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định cơ quan thuế phải thanh tra các đại lý. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ quan tâm đặc biệt đối với đại lý bán giá khác, ghi hóa đơn giá khác, có bằng chứng là các đại lý dính tội trốn thuế. Tuy nhiên, việc này phải điều tra, thu thập chứng cứ.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng xe máy của các hãng đạt 1,386 triệu chiếc trong khi cùng kỳ năm 2021, con số này là 1,323 triệu xe.