Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 23/2 đăng tải đoạn video ghi lại cảnh siêu tăng Abrams của Lữ đoàn cơ giới số 47 di chuyển trên địa hình đầy tuyết.
Qua video cho thấy xe tăng M1 Abrams của lực lượng này di chuyển gần đô thị Avdeevka ở tỉnh Donetsk.
Sau đó, xe tăng này khai hỏa vào các vị trí của Nga, đánh dấu lần đầu siêu tăng Mỹ viện trợ tham chiến ở Ukraine kể từ khi chúng được chuyển cho Kiev vào mùa thu năm ngoái.
Tuy vậy, chỉ hai ngày sau, hình ảnh chiến trường cho thấy một chiếc M1A1SA Abrams của Ukraine bốc cháy gần thành phố Avdeevka, trở thành chiếc xe tăng Mỹ chuyển giao đầu tiên bị phá hủy tại Ukraine.
"Một huyền thoại nữa về tính bất khả xâm phạm của xe tăng Abrams đã bị phá vỡ, điều kỳ diệu đã không xảy ra", ông Sergey Chemezov, Tổng Giám đốc Tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga, ngày 26/2 bình luận.
Phóng viên Nga Vladimir Soloviev cho hay, lính Nga đã sử dụng drone góc nhìn thứ nhất (FPV) để tập kích chiếc xe tăng, sau đó kết liễu nó bằng một quả đạn chống tăng RPG.
"Ưu thế tuyệt đối của công nghệ quân sự phương Tây chỉ là chuyện hoang đường. Họ mạnh ở một số khía cạnh nào đó, nhưng chúng tôi cũng không kém cạnh", Tổng Giám đốc Tập đoàn quốc phòng Rostec nói.
"Hãy xem bao nhiêu chiếc Leopard, Challenger, Bradley và các phương tiện phương Tây khác nằm rỉ sét trên chiến trường. Đây là minh chứng cho năng lực của chúng tôi", ông Chemezov nói thêm.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, chiến trường Ukraine khá khốc liệt với mọi loại xe tăng, ngay cả với dòng T90M mạnh nhất trong biên chế chiến đấu của Nga.
Chỉ riêng biến thể T-90M này, tính tới thời điểm hiện tại, Nga đã mất ít nhất 50 chiếc. Chúng bị phá hủy bởi tên lửa chống tăng hiện đại phương Tây, UAV tự sát cùng một số loại vũ khí khác.
Thậm chí có trường hợp xe tăng hạng nặng T-90M hiện đại bị xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley loại khỏi vòng chiến đấu chỉ bằng pháo 25mm.
Tại chiến trường Ukraine, chưa có loại xe tăng nào đủ tốt để đứng vững mà không bị phá hủy, ngay cả dòng xe tăng "nồi đồng cối đá" Challenger 2 của Anh cấp cho Ukraine cũng đã bị Nga phá hủy.
Vũ khí đáng sợ nhất hiện nay của mọi xe tăng chủ lực chính là UAV tự sát, giới phân tích cho rằng các xe tăng ngay cả hiện đại nhất hiện nay vẫn chưa có biện pháp khắc chế hiệu quả.
Vì vậy xe tăng T-90M, Leopard 2A6, M1A1 Abrams hay bất kỳ loại tăng hiện đại nào khác, nếu xung trận gặp phải UAV tự sát thì nguy cơ bị tiêu diệt cũng sẽ rất cao.
Chiến trường Ukraine cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa ghi nhận, hoặc ít nhất chưa có bằng chứng xác thực, về sự đối đầu trực tiếp giữa xe tăng chủ lực hiện đại do phương Tây sản xuất và xe tăng Nga.
Đã từng xuất hiện nhiều trận đấu tăng trực tiếp giữa Nga và Ukraine, tuy nhiên các loại xe tăng hai bên sử dụng đều có nguồn gốc Liên Xô, vì thế sự chiến thắng sẽ đến phần nhiều từ kíp vận hành thay vì ưu thế của vũ khí.
Quay trở lại việc xe tăng M1A1 SA Abrams Mỹ viện trợ cho Ukraine bị phá hủy trên chiến trường Ukraine. Washington đã chuyển giao tổng cộng 31 chiếc M1A1SA cho Kiev, đủ trang bị cho một tiểu đoàn thiết giáp.
Trong nhiều tháng trước đó, mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực này đã không tham gia bất cứ trận đánh nào, dù chúng đã được chuyển đủ cho Ukraine ngay trong năm 2023.
Theo Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc, các đơn vị Ukraine ở Avdeevka buộc phải tung M1A1 SA Abrams ra tiền tuyến do "cạn kiệt xe tăng" sau các đợt giao tranh với lực lượng Nga.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, "biến thể M1A1 SA Abrams mà lực lượng Ukraine sử dụng đã bị Mỹ lược bớt giáp uranium nghèo", theo lời ông Murakhovsky cho biết.
Việc loại bỏ giáp uranium nghèo siêu cứng - vốn là bí mật quân sự của Mỹ- cộng với việc không hề có giáp nóc hay bất cứ bộ phận nào để chống UAV tự sát, đã khiến cho M1A1 SA của Ukraine trở thành mục tiêu dễ dàng của Nga.
Không những vậy, theo ông Murakhovsky, hệ thống liên lạc và phòng vệ hiện đại vốn được trang bị trên xe tăng M1A1 SA Abrams dành cho lục quân Mỹ cũng đã bị lược bỏ trước khi chuyển giao cho Ukraine. Điều này cũng là dễ hiểu khi Washington lo ngại chúng có thể rơi vào tay Nga.
Được biết, biến thể M1A1 SA Abrams là phiên bản nâng cấp từ dòng chiến xa chủ lực M1 Abrams do hãng General Dynamics của Mỹ phát triển vào đầu thập niên 1980.
Việc sản xuất biến thể này cũng đã bị dừng lại hơn 30 năm trước, cụ thể năm 1992 Mỹ đã không còn sản xuất M1A1 SA để tập trung cho phiên bản M1A2 vốn hiện đại hơn.
Rõ ràng, ngoài việc là biến thể cũ thì việc lược bỏ một số thành tố chính làm nên tên tuổi của xe tăng Abrams trước khi chuyển giao cho Ukraine, đã khiến cho M1A1 SA nhanh chóng bị quân Nga vô hiệu hóa.
Đây cũng không phải lần đầu tiên xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất bị phá hủy trên chiến trường.
Tại Trung Đông, xe tăng M1A1 Abrams trong trang bị của quân đội Iraq đã nhiều lần bị đối phương bắn cháy.
Mặc khác, việc huấn luyện tốt cho binh sĩ điều khiển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ưu thế và sự sống còn của xe tăng M1A1 Abrams trên chiến trường.
Bằng chứng là xe tăng M1A1 Abrams trong tay lính Mỹ với tỷ lệ bị đối phương tiêu diệt sẽ ít hơn rất nhiều so với lính Iraq.
4 điểm mấu chốt để đánh giá một chiếc xe tăng mạnh là động cơ khỏe, hỏa lực mạnh mẽ chính xác, hệ thống phòng vệ chủ động tốt và cuối cùng là hệ thống giáp tốt để chống lại hỏa lực chống tăng.
Xe tăng Abrams đặc biệt là phiên bản M1A1 và M1A2 có đấy đủ những tiêu chí này khi chúng có động cơ 1.500 mã lực, hỏa lực mạnh với pháo 120mm điều khiển số hóa, hệ thống phòng thủ chủ động (APS) Trophy-A và giáp Uranium nghèo siêu cứng.
Tuy vậy khi bán hoặc viện trợ cho đối tác thì giáp Uranium nghèo đã bị lược bỏ, hệ thống phòng vệ chủ động cũng không có và ngay cả hệ thống điện tử số hóa hiện đại cũng bị tháo dỡ.
Điều này giải thích vì sao xe tăng Abrams trong tay quân Mỹ thì mạnh, nhưng khi vào tay các lực lượng khác, chúng lại dễ bị tổn thương trên chiến trường.