Vì sao xét xử kín vụ cháu bé 8 tuổi bị 'dì ghẻ' bạo hành dẫn đến tử vong?
Ngày 21/7 tới, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi) về tội Giết người và Hành hạ người khác. Tuy nhiên, phiên tòa này sẽ được xử kín.
Ngày 21/7, tại TAND TP.HCM sẽ diễn ra phiên tòa sơ thẩm vụ án bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" bạo hành dẫn đến tử vong. Theo dự kiến, phiên tòa này sẽ được xét xử kín. Bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, ngụ Gia Lai) bị truy tố về tội Giết người và Hành hạ người khác.
Bên cạnh đó, bị can Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ TP.HCM), là cha ruột của bé V.A (8 tuổi, nạn nhân) bị truy tố về tội Hành hạ người khác và Che giấu tội phạm. Theo quy định pháp luật, trong vụ án này, người bị hại là bé V.A, nạn nhân dưới 18 tuổi có yếu tố bị bạo hành.
Vì thế, căn cứ theo thông tư 02/2018/TT-TANDTC của TAND Tối cao, việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi để đưa ra quyết định xét xử kín.
Trao đổi PV, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người khác, tước đoạt đi tính mạng của một đứa trẻ chỉ mới 8 tuổi.
Nếu gia đình nạn nhân có yêu cầu xử kín thì Tòa án nên xem xét để đưa ra quyết định phù hợp. Luật sư cho biết, Điều 103 Hiến pháp 2013 đã quy định về hoạt động tố tụng của Tòa án là xét xử công khai, tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Bên cạnh đó, điểm d khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định về việc xét xử kín vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi.
Theo đó, những trường hợp xét xử kín thông thường là những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán, hay những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi.
Có thể thấy, mục đích của việc xét xử kín là nhằm đảm bảo bí mật thông tin của người bị hại, tránh gây sốc tâm lý và tránh gây ảnh hưởng đến tương lai sau này cho người chưa thành niên. Tuy nhiên, nạn nhân đã tử vong nên nếu như gia đình bé V.A không có yêu cầu xét xử kín thì vụ việc này có thể được tiến hành xét xử công khai.
Luật sư chia sẻ thêm, hành vi của hai bị cáo đã thể hiện sự vô nhân tính, coi thường pháp luật, không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục. Rõ ràng là bậc làm cha làm mẹ, đáng lẽ hai bị cáo đặc biệt là bị cáo Thái, cha đẻ của nạn nhân phải quan tâm, yêu thương, chăm sóc con mình nhưng chỉ vì sự ích kỷ của bản thân mà bỏ mặc làm ngơ để người tình có những hành vi hành hạ cháu A., tước đoạt mạng sống của cháu.
Đối với bị cáo Trang, dù không phải là máu mủ ruột thịt với cháu A., nhưng khi đã quyết định chung sống cùng cháu A. thì không được có những hành vi ngược đãi, hành hạ dã man, thậm chí dẫn đến việc cháu A. tử vong.