Vì sao xuất hiện nhiều câu quote giả danh người nổi tiếng?
Ngày nay, bên cạnh thông tin giả, người ta còn thấy những câu quote giả danh người nổi tiếng xuất hiện tràn lan trên mạng.
Quote có thể hiểu đơn giản là những câu trích dẫn của những người nổi tiếng hoặc có ảnh hưởng nhất định đến xã hội. Ngày nay, trên mạng Internet xuất hiện rất nhiều câu quote giả danh nổi tiếng.
Họ thường sử dụng ảnh chân dung của một nhân vật nổi tiếng ghép cùng một câu nói thoạt nhìn có vẻ có chiều sâu để tạo ra những quote giả mạo. Chúng ta có thể bắt gặp "công thức" này nhiều lần, ở nhiều nơi khác nhau, đặc biệt trên Twitter hoặc Facebook.
Hiện tượng đặc biệt trong thời đại của chúng ta
"Khi mặt trời của nền văn hóa xuống thấp, ngay cả những ngôi sao lùn cũng đổ bóng dài", đây là một trong những câu nói nổi tiếng được cho là của nhà văn người Áo Karl Kraus.
Nhưng theo tờ DW, học giả văn học, nhà nghiên cứu trích dẫn Gerald Krieghofer không đồng ý với điều đó: "Câu nói thực sự được nói ra bởi nhân viên của Kraus".
Krieghofer cho đến nay đã thu thập hơn 500 câu trích dẫn sai, giả danh các nhân vật nổi tiếng để xác minh nguồn gốc của chúng. Krieghofer nói rằng Lincoln, Mark Twain và Albert Einstein là một vài trong số những người nổi tiếng thường bị trích dẫn sai (một cách vô tình hay cố ý).
Trong cộng đồng những người nói tiếng Đức, "vinh dự" này thuộc về các nhà văn như Bertolt Brecht, Kurt Tucholsky, Karl Kraus...
Krieghofer đã dành nhiều năm nghiên cứu về Karl Kraus cho Viện Hàn lâm Khoa học Áo và thu thập hơn 50 câu trích dẫn sai bị gán cho Kraus. Kể từ đó, ông đã mở rộng bộ sưu tập của mình với nhiều nhân vật nổi tiếng, thuộc các lĩnh vực khác.
"Những câu trích dẫn sai luôn tồn tại và mọi người luôn khó chịu về chúng", Krieghofer nói.
Tác giả người Đức, Georg Büchmann, là người từng rất nổi tiếng với cuốn sách được xuất bản năm 1864 Geflügelte Worte, Der Zitatenschatz des Deutschen Volkes, tạm dịch là Những lời có cánh, một kho tàng trích dẫn tiếng Đức.
Cuốn sách truy tìm nguồn gốc của những câu nói và trích dẫn văn học đã trở thành một phần của lối nói thông thường. Kể từ đó, nó đã trải qua nhiều lần sửa đổi và cập nhật, và thậm chí đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau.
Krieghofer nói: "Trong thời đại ngày nay, cứ có gì mới là lại xuất hiện những bức ảnh quote trên Internet. Và tôi cá với bạn rằng một nửa trong số đó là do sai sự thật".
Tại sao mọi người lại thích quote đến thế?
Krieghofer đã tìm thấy những lời trích dẫn sai ở khắp mọi nơi; không chỉ trên các phương tiện truyền thông mà còn trong cả những bài giới thiệu luận văn hoặc các bài phát biểu chính thống.
Có vẻ như mọi người bị thu hút bởi việc sử dụng các trích dẫn nước ngoài để thể hiện một ẩn ý nào đó hoặc đơn giản hơn là để chúng có vẻ sâu sắc hơn. Krieghofer nói thêm rằng trong cộng đồng những người nói tiếng Đức, các câu quote hài hước thường được gán cho nhà báo, nhà văn trào phúng người Đức Kurt Tucholsky hoặc tác giả người Mỹ Mark Twain.
Việc các câu quote xuất hiện ngày một nhiều là bởi những người nổi tiếng đều rất thu hút và có sức ảnh hưởng nhất định lên cộng đồng. Vì vậy, có những kẻ cố tình làm ra quote sai để trục lợi về danh tiếng, sức lan tỏa. Tuy nhiên, phần đông là những người thường sử dụng quote mà chỉ dành chút thời gian tìm kiếm trên mạng chứ không xác minh một cách rõ ràng.
Tất nhiên, cũng có những trường hợp không thể xác minh. Ví dụ như trường hợp của Franz Kafka và Gustav Janouch, những người đã xuất bản cuốn sách Trò chuyện với Kafka vào năm 1951.
Krieghofer nói: “Nhiều câu danh ngôn nổi tiếng của Kafka xuất phát từ cuốn sách này nhưng Janouch không bao giờ ghi nhật ký về những cuộc trò chuyện đó. Điều này khiến các nhà nghiên cứu buộc phải đặt câu hỏi về tính hợp lệ của chúng".
Nói chung, Krieghofer được ca ngợi vì sự nhiệt tình của ông trong việc đưa ra các trích dẫn và nguồn của chúng một cách chính xác. Tuy nhiên ông lại thường gặp phải những ý kiến trái chiều ở trên mạng xã hội Twitter. May mắn là điều đó không khiến nhà nghiên cứu này nản lòng.