Vì sao xuất khẩu cá tra năm nay giảm mạnh?

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra tại Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 15/12 tại An Giang.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, năm nay dưới tác động của lạm phát và bất ổn chính trị, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn. Tính đến 15/11, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỷ USD, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2022.

Các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm nay có xu hướng giảm như Trung Quốc giảm gần 22%, Hoa Kỳ giảm hơn 53%, EU giảm hơn 17%. Riêng thị trường Đức, Anh, Brazil, Saudi Arabia tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây lại là những thị trường chiếm tỷ trọng nhỏ.

Ước cả năm diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700 ha (bằng 98% năm 2022); sản lượng khoảng 1,61 triệu tấn (tương đương cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, chỉ bằng 75% so năm 2022.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NC.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NC.

Nhiều nguyên nhân được hội nghị chỉ ra như: Do tình hình bất ổn và lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm các tra có xu hướng giảm, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như một số quốc gia láng giềng đã phát triển sản xuất cá tra; trong khi sản phẩm cá tra của Việt Nam còn đơn điệu, sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa tạo ra sự cạnh tranh và giá trị thương mại lớn; thức ăn chiếm tỷ trọng lớn (70-80%) trong giá thành sản xuất.

Đáng chú ý, một số cơ sở sản xuất giống chưa quan tâm đến việc kiểm soát chặt chẽ đàn cá bố mẹ trong quá trình sản xuất giống, chưa tuân thủ đúng thời hạn sử dụng cá bố mẹ, tỷ lệ sống giai đoạn ương dưỡng còn thấp; một số địa phương chưa thực hiện cấp giấy xác nhận nuôi cho các cơ sở nuôi nhỏ lẻ theo quy định…

Đại diện Cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT cho biết, theo thông tin đơn vị nhận được, Indonesia đã nuôi và thu hoạch 0,6 triệu tấn/năm và đã xuất khẩu sang Trung Đông, Nhật Bản, Myanmar… Bên cạnh đó, Trung Quốc và Bangladesh cũng đã nuôi cá tra ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu và tăng sự cạnh tranh của cá tra của Việt Nam...

Nâng cao chất lượng giống

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với dấu hiệu phục hồi, dự báo sản lượng cá tra năm 2024 tăng 2,8% so năm nay; sản lượng thu hoạch trong hai quý đầu năm vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: CK.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: CK.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để đạt được mục tiêu sản lượng cá tra nuôi thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2024, các địa phương vùng ĐBSCL, nhất là tỉnh An Giang và Đồng Tháp cùng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần tập trung nâng cao chất lượng cá tra giống; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng theo nhu cầu thị trường; áp dụng công nghệ vắc xin phòng bệnh, di truyền phân tử… để nâng cao chất lượng giống cá tra.

Cùng với đó, khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung ứng giống, nuôi cá tra thương phẩm đến chế biến, xuất khẩu; cắt giảm chi phí sản xuất. Các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm theo các phân khúc thị trường khác nhau.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và các hiệp hội ngành hàng cần chủ động, kịp thời phối hợp với cơ quan thẩm quyền các quốc gia nhập khẩu và các đơn vị liên quan để xử lý các rào cản kỹ thuật; tiếp tục quan tâm, kết nối, phát triển thị trường cho sản phẩm cá tra, nhất là khối thị trường hồi giáo và thị trường Trung Quốc...

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-xuat-khau-ca-tra-nam-nay-giam-manh-post1596155.tpo