Vì sao xuất khẩu rau quả còn bỏ ngỏ nhiều thị trường tiềm năng ở Châu Á?

Chưa có doanh nghiệp Việt nào khai thác thị trường Bangladesh dù quốc gia này mỗi năm có nhu cầu nhập rau quả với kim ngạch 900 triệu USD. Với những thị trường lớn như Ấn Độ hay Nhật Bản thì thị phần nhập khẩu rau quả của Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé. Việc bỏ ngỏ nhiều thị trường tiềm năng ở Châu Á đang đòi hỏi ngành rau quả Việt phải tiếp tục cải thiện những mặt hạn chế của mình.

Nói về “khoảng trống” trên thị trường xuất khẩu (XK) rau quả tại Châu Á hiện nay, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) đưa ra dẫn chứng như thị trường Bangladesh ở Nam Á mỗi năm nhập khẩu (NK) rau khoảng 200 triệu USD (chủ yếu là hành, tỏi, cà chua) và NK trái cây khoảng 700 triệu USD/năm (chủ yếu là táo, nho, lê, hạt điều). Trong khi đó, chưa có doanh nghiệp (DN) Việt Nam nào khai thác XK rau quả vào thị trường này.

Nhu cầu lớn, thị phần nhỏ

Hoặc như với Ấn Độ, theo ông Hưng, riêng sản phẩm rau mỗi năm kim ngạch NK khoảng 2 tỷ USD, còn NK trái cây là 2,4 tỷ USD/năm. Vậy mà, XK rau của Việt Nam vào thị trường này rất khiêm tốn với 7 triệu USD/năm, còn XK trái cây Việt gần đây cũng mới chỉ đạt vài triệu USD/năm.

Để tăng thị phần vào những thị trường tiềm năng ở Châu Á đòi hỏi ngành rau quả Việt phải tiếp tục cải thiện những mặt hạn chế của mình.

Để tăng thị phần vào những thị trường tiềm năng ở Châu Á đòi hỏi ngành rau quả Việt phải tiếp tục cải thiện những mặt hạn chế của mình.

Hay như với Nhật Bản - một trong những thị trường chính của XK rau quả ở Châu Á ngoài thị trường chủ lực Trung Quốc, ông Hưng cho biết đây là thị trường có quy mô dân số rất lớn với trên 120 triệu dân, có dung lượng NK rau quả hàng năm gần 20 tỷ USD. Đây cũng là thị trường mà các DN Việt cần đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới khi mà thị phần NK rau quả từ Việt Nam vào Nhật còn rất nhỏ, chỉ vào khoảng 3%.

Chẳng hạn, nhu cầu NK chuối tươi của Nhật Bản mỗi năm khoảng 64 tỷ yên Nhật, thế nhưng thị phần chuối của Việt Nam tại đây rất thấp, thị phần lớn thuộc về các quốc gia như Philippines, Ecuador, Mexico, Israel, Nam Phi. Hay như NK chanh ở thị trường này hàng năm là 9 tỷ yên, chủ yếu do Mỹ, Chi Lê, Nam Phi cung cấp.

“Các sản phẩm trái cây chính mà Nhật Bản có nhu cầu NK lớn như dứa, xoài, dưa hấu thì hiện nay đều do các quốc gia XK khác (như Philippines, Mỹ, Mexico…) chiếm phần lớn thị phần. Trong khi đó, Việt Nam lại có nhiều tiềm năng để xuất những trái cây như vậy”, ông Hưng lưu ý.

Ngoài ra, có thể kể đến rau tươi, riêng với bắp cải, súp lơ thì Nhật Bản NK khoảng 11 tỷ USD/năm với Mỹ là nhà cung cấp chính, Trung Quốc đứng thứ 2, Hàn Quốc đứng thứ 3.

Còn như hành lá, Nhật nhập khoảng 11 tỷ USD/năm thì Trung Quốc chiếm 58% thị phần, Mỹ chiếm 21%, New Zealand chiếm 4%, Thái Lan chiếm 4%...Với củ cà rốt, mỗi năm Nhật nhập 4 tỷ USD thì Trung Quốc chiếm đến 82% thị phần, con số NK từ Việt Nam rất nhỏ nên không được thống kê ở đây.

Chia sẻ tại hội nghị khởi động triển lãm Hortex Vietnam 2023 (chuyên ngành sản xuất và chế biến rau - hoa - quả tại Việt Nam) vào ngày 11/10 ở Tp.HCM, vị Phó vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi bày tỏ mối băn khoăn khi gần như tất cả các loại rau quả NK chính của Nhật Bản dù có nhu cầu rất lớn nhưng chúng ta có sự hạn chế về mặt cung cấp.

Nhìn thẳng hạn chế để cải thiện

Kể cả với mặt hàng hạt điều, mặc dù Việt Nam là nhà XK hàng đầu thế giới, thế nhưng với kim ngạch NK hạt điều của Nhật Bản khoảng 36 tỷ yên/năm thì 88% thị phần lại thuộc về Ấn Độ, trong khi Việt Nam chỉ chiếm 9,3%.

Có thể kể thêm quả dừa vốn là quả thế mạnh của Việt Nam, vậy nhưng Philippines lại chiếm đến 87% thị phần NK dừa vào Nhật, còn Thái Lan thì chiếm 9% thị phần, trong khi thị phần của Việt Nam là rất ít.

Trong khi đó, theo giới chuyên gia, thời gian tới các DN Việt Nam có nhiều thuận lợi để gia tăng XK rau quả khi mà chúng ta có ưu đãi thuế từ 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là thuế NK về rau quả đối với Việt Nam. Đây là lợi thế rất lớn mà không phải quốc gia XK rau quả nào cũng có thể có được. Không những vậy, Việt Nam có ưu thế về diện tích trồng trọt và sự đa dạng trong sản phẩm rau quả.

Tuy nhiên, hạn chế trong XK rau quả của Việt Nam đang nằm ở việc tỷ trọng XK trong tổng kim ngạch XK còn thấp, tỷ trọng rau quả chế biến cũng rất thấp. Và điều đáng nói là cơ cấu thị trường chưa đa dạng, quá phụ thuộc vào một vài thị trường chủ lực.

“Một trong những hạn chế của XK rau quả là chưa đa dạng hóa thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào những thị trường lớn. Và khi thị trường lớn gặp vấn đề, dù cho DN Việt có sự chủ động, có sự chuyển hướng sang thị trường khác, thế nhưng sự chuyển hướng này chưa kịp để đủ bù đắp thiếu hụt ở thị trường lớn”, ông Hưng nói.

Cho nên, để có thể tăng thị phần rau quả ở những thị trường tiềm năng tại Châu Á đang đòi hỏi khâu phổ biến thông tin thị trường cần được đẩy mạnh hơn nữa đến các nhà XK.

Mặt khác, ở góc độ DN, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, lưu ý đa phần các DN Việt là DN vừa và nhỏ, chưa đủ những DN tạo ảnh hưởng lớn để có thể quy hoạch vùng trồng lớn nhằm cạnh tranh trên thị trường XK.

Ngoài ra, theo ông Tùng, khi Việt Nam đàm phán để XK chính ngạch một loại quả vào thị trường lớn nào đó, phải lưu ý là loại quả đó có đủ sản lượng xuất hay không, vùng trồng có được quanh năm hay không và công nghệ bảo quản hiện nay khi xuất đến nơi có đảm bảo được độ dài ngày (khoảng 40 - 50 ngày) hay không.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/vi-sao-xuat-khau-rau-qua-con-bo-ngo-nhieu-thi-truong-tiem-nang-o-chau-a-1088554.html