Vì sao xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản lao dốc?

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 theo chiều hướng đi xuống, ước tính giảm 13,3% so với cùng kỳ 2022. Các nước nhập khẩu yêu cầu khắt khe hơn về an toàn thực phẩm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 4/2023, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản ước tính giảm 8,1% so với cùng kỳ 2022. Giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 ước tính giảm 13,3% so với cùng kỳ 2022

Thặng dư thương mại tháng 4 năm 2023 đạt 754 triệu USD, giảm 40,1% so với cùng kỳ năm 2022. Thặng dư thương mại 4 tháng đầu năm 2023 đạt 2.436 triệu USD giảm 41,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, uất khẩu gỗ, thủy sản và cao su giảm mạnh nhất trong 4 tháng 2023 do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh tại các thị trường lớn như Mỹ, EU. Xuất khẩu rau quả, gạo và chăn nuôi tăng trong tháng 4 tháng 2023, do xuất khẩu sang Trung Quốc, ASEAN tăng.

Xuất siêu nông lâm thủy sản trong 4 tháng 2023 giảm 41,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Mỹ trường xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ lực của Việt Nam, chiếm lần lượt 21% và 19% tổng giá trị xuất khẩu trong 4 tháng 2023.

Xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giảm mạnh và nhiều thách thức.

Xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giảm mạnh và nhiều thách thức.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, điểm sáng cho hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản chính là mặt hàng rau quả.

Xuất khẩu rau quả tăng nhờ thuận lợi từ thị trường Trung Quốc. Trong tháng 4 nhiều cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng giờ hoạt động đến 22 giờ mỗi ngày để tiếp nhận xe hàng. Điều này cho thấy sức hút từ thị trường Trung Quốc đang rất lớn sau 3 năm suy giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong 3 tháng đầu năm, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ nên xuất khẩu chỉ mang tính cầm chừng. Bước sang tháng 4 và tháng 5, nguồn cung sầu riêng bắt đầu lớn nên dự kiến xuất khẩu mặt hàng này sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Việt Nam đã chính thức xuất khẩu khoai lang chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cuối tháng 4 đã phê duyệt, cấp mã số cho 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

Trung Quốc đang siết dần nhập khẩu tiểu ngạch và chuyển qua chính ngạch, chất lượng rau quả nhập khẩu đòi hỏi ngày càng cao. Doanh nghiệp và nhà vườn phải tuân thủ, kiểm soát chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Ngoài ra, điểm sáng khi rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan... đang có xu hướng tăng.

Đối với mặt hàng sắn, nguồn cung nguyên liệu tinh bột sắn tại Thái Lan và Việt Nam tiếp tục giảm do hiện đã bước vào cuối vụ. Nhu cầu về sắn tại Trung Quốc vẫn tăng khiến giá sắn sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Sắn của Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc được hưởng thuế suất 0% trong khi sắn của Việt Nam phải chịu thuế suất 13%. Hơn nữa, việc hạ giá đồng bath càng khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh về giá với tại thị trường Trung Quốc.

Theo Hiệp hội sắn, hiện hầu hết các nhà máy khu vực phía Bắc đã dừng chạy máy, kết thúc niên vụ sản xuất 2022/23. Lượng hàng tồn kho của các nhà máy không nhiều, nên các nhà máy có nguồn tài chính sẵn có sẽ duy trì lượng hàng bán ra đều đều cho tới vụ mới (tháng 8/2023).

Về mặt hàng hồ tiêu, Hiệp hội hồ tiêu quốc tế dự báo giá hạt tiêu thế giới sẽ không có sự biến động mạnh. Nguồn cung hạt tiêu dồi dào, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và một số thị trường khác tăng bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Mỹ và EU.

Các thị trường nhập khẩu hồ tiêu liên tục có những cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như gia tăng tần suất kiểm soát.

Xuất khẩu điều Việt Nam hiện đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất châu Phi tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, Trung Quốc nhập khẩu hạt điều chế biến từ Việt Nam, trong khi đó nhập khẩu hạt điều thô hoặc sơ chế từ các nước châu Phi.

Lạm phát ở Mỹ tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ nội thất, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, có thể kéo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ tiếp tục giảm sâu trong ngắn hạn.

Đặc biệt, Liên minh Châu Âu (EC) vừa đưa ra Dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng. Theo đó, ngành gỗ sẽ bị tác động lớn bởi quy định này. Dự luật này sẽ có hiệu lực thi hành vào khoảng tháng 12/2024 hoặc chậm nhất tháng 1/2025.

“Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế có thể đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nội thất gỗ trong năm 2023. Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Các công ty ngành gỗ và sản phẩm gỗ có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao sẽ gặp khó khăn trong nửa cuối năm 2023”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cảnh báo.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/vi-sao-xuat-nhap-khau-nong-lam-thuy-san-lao-doc/20230518103031293