Vì sao Zoom đơn giản, dễ dùng nhưng bị tẩy chay khắp nơi?
Zoom nổi lên như một phần mềm họp trực tuyến hàng đầu trong mùa dịch, nhưng đi kèm với đó là những lo ngại về tính bảo mật và quyền riêng tư.
Theo các thống kê mới đây, mỗi ngày có tới 190 triệu người sử dụng phần mềm Zoom, con số mà các nhà phát triển ứng dụng này không thể ngờ tới khi nó ra mắt cách đây 9 năm.
Song song với sự phát triển vượt bậc này, Zoom hứng chịu hàng loạt các chỉ trích từ các công ty, chính trị gia và từ chính cổ đông của mình.
Lỗ hổng khắp nơi
Để tham gia vào một cuộc họp sử dụng phần mềm Zoom, người dùng chỉ cần đăng nhập mã cuộc họp gồm 9 chữ số. Nếu mã này bị công khai hoặc bị ai đó đoán được, họ dễ dàng tham gia vào cuộc họp mà không cần thêm bất cứ thao tác nào.
Theo thống kê, ít nhất 15.000 video cuộc họp từ Zoom bị tin tặc đánh cắp và phát tán trên mạng.
Các chuyên gia cảnh báo tin tặc có thể chiếm quyền kiểm soát webcam nếu người dùng đăng nhập Zoom từ Macbook. Thậm chí kể cả khi đã gỡ cài đặt trình duyệt này, hacker vẫn có thể kích hoạt được.
Trong khi đó, ứng dụng Zoom Cloud Meetings trên iOS sẽ gửi thông tin về kiểu máy, múi giờ, địa danh, nhà mạng... tới Facebook. Điều này khiến người dùng bị lộ thông tin mà không hề hay biết.
Zoom trước đó khẳng định dịch vụ của họ hỗ trợ tính năng mã hòa đầu cuối cho các cuộc họp, tức là bản thân Zoom không thể truy cập vào cuộc họp này. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Zoom mới đây thừa nhận hiện tại đội ngũ của họ không thể kích hoạt tính năng mã hóa đầu cuối này.
Trong đơn kiện đệ trình lên Tòa án liên bang San Francisco (Mỹ) mới đây, cổ đông Michael Drieu của Zoom cáo buộc công ty che giấu các lỗ hổng trong khâu bảo mật với ứng dụng họp trực tuyến khiến thông tin của người dùng có nguy cơ bị chia sẻ cho bên thứ 3.
Ngoài các lổ hổng bảo mật, Zoom còn vướng lùm xùm gửi dữ liệu về Trung Quốc. Đích thân CEO của Zoom đã thừa nhận vấn đề này.
"Trước sự gia tăng đột biến của nhu cầu người dùng trong thời gian gần đây, công ty có triển khai thêm các máy chủ mới, chủ yếu ở Trung Quốc, nơi đại dịch bùng phát. Vì thời gian quá cấp bách, một số quyền riêng tư thông tin theo khu vực chưa được đảm bảo. Do đó, một số cuộc gọi sẽ gửi dữ liệu về Trung Quốc, nơi đáng ra chúng tôi không được phép làm như vậy", Yuan nói, nhưng không tiết lộ số lượng dùng bị ảnh hưởng vì sai lầm này.
Điều đáng lưu tâm là Trung Quốc từ lâu không quá chú trọng tới việc thực thi quyền bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt. Thậm chí cơ quan chức năng có quyền yêu cầu Zoom giải mã dữ liệu người dùng.
Trong cuộc phỏng vấn tuần trước với Wall Street Journal, Yuan cho biết đội ngũ của ông sẽ ngừng phát triển các tính năng mới của Zoom để tập trung khắc phục lỗi và lỗ hổng bảo mật trong 90 ngày tới.
CEO thừa nhận các lãnh đạo của công ty chưa tính tới viễn cảnh Zoom phát triển nhảy vọt như hiện nay nên tồn tại các vấn đề liên quan tới quyền riêng tư và bảo mật.
Bị khước từ ở khắp nơi
Không rõ hơn 80 ngày tới có đủ để Zoom vực lại niềm tin của người dùng hay không, nhưng hiện tại phần mềm này đã bị mất đi một số lượng lớn người sử dụng.
Một số trường học ở Mỹ gần đây cấm sử dụng ứng dụng này với lý do lo ngại về an ninh. Sở Giáo dục thành phố New York khuyến cáo các giáo viên không sử dụng Zoom để dạy học trực tuyến.
SpaceX, công ty tên lửa của tỷ phú Elon Musk cũng cấm nhân viên sử dụng Zoom vì lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin riêng tư. NASA cũng có động thái tương tự.
Ban lãnh đạo Google trong tuyên bố đưa ra mới đây kêu gọi toàn bộ nhân viên ngừng sử dụng ứng dụng này qua laptop.
Đài Loan hôm 7/4 yêu cầu các cơ quan cơ quan, tổ chức ngừng sử dụng ứng dụng này.
Bộ Ngoại giao Đức hôm 8/4 ra thông báo hạn chế sử dụng Zoom do lo ngại vấn đề bảo mật
Do lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu, Thượng viện Mỹ cũng đề nghị các nghị sĩ không sử dụng ứng dụng họp trực tuyến Zoom.