Vì sự bình yên của người dân
Thượng tá Hồ Thanh Tùng là một trong những người gắn bó với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở huyện miền núi Đakrông ngay từ những ngày đầu thành lập huyện vào năm 1997. Là người bản địa, lại được đào tạo bài bản về nghiệp vụ an ninh ở Trường Cao đẳng An ninh I từ những năm 80 của thế kỉ XX, ông Tùng đã góp phần không nhỏ vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm trên địa bàn huyện.
Từ một cán bộ điều tra của Đội Cảnh sát điều tra, Công huyện Đakrông những ngày đầu thành lập huyện, đến nay ông Tùng đã trải qua nhiều cương vị công tác như phó đội trưởng, đội trưởng các Đội Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra về kinh tế, chức vụ, ma túy… Đến năm 2012, ông Hồ Thanh Tùng được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Công an huyện Đakrông. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn tận tâm, nhiệt tình với công tác; chủ động nắm chắc tình hình, nhạy bén đề xuất kế hoạch, biện pháp phù hợp với từng loại đối tượng, từng vụ việc liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự. Từ khi còn là cán bộ Đội Cảnh sát điều tra, ông Tùng đã cùng đồng đội đấu tranh thành công nhiều chuyên án về phòng chống buôn lậu trên tuyến Quốc lộ 9; truy quét nhiều đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản, khai thác khoáng sản trái phép. Nhờ thường xuyên về cơ sở nắm tình hình, đồng thời là người bản địa nên ông Tùng hiểu rất rõ phong tục, tập quán của người dân vùng cao, vì vậy ông được người dân trên địa bàn tin tưởng, cung cấp những nguồn tin kịp thời về các loại tội phạm. Điển hình như từ một vụ bắt xe vận chuyển gỗ trái phép trên đường từ xã Húc Nghì về đến cầu treo Đakrông để đưa về xuôi tiêu thụ, ông Tùng đã có được nhiều nguồn tin quý giá từ cơ sở để mở rộng điều tra và phá thành công chuyên án khai thác rừng trái phép, qua đó phát hiện hành vi tiếp tay khai thác gỗ trái phép của một số cán bộ kiểm lâm trên địa bàn để xử lí triệt để vụ việc ngay từ gốc, lấy lại niềm tin cho nhân dân.
Trước năm 2016, huyện Đakrông là điểm nóng về tình hình khai thác vàng trái phép, tập trung nhiều ở những xã vùng biên giới như A Vao, Tà Rụt, Tà Long… Đặc điểm khu vực khai thác vàng trái phép chủ yếu thuộc địa bàn giáp ranh nên việc phát hiện, xử lí của địa phương gặp nhiều khó khăn. Khi thấy lực lượng chức năng, các đối tượng cất giấu phương tiện, di chuyển sang những địa bàn lân cận. Khi lực lượng chức năng rút, họ quay trở lại tiếp tục khai thác vàng trái phép. Trước thực trạng trên, ông Tùng cùng lực lượng Công an huyện Đakrông đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lấy cơ sở làm nòng cốt để tuyên truyền, phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn. Theo ông Tùng, do địa điểm các mỏ vàng đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại rất khó khăn nên để “chặt đứt” đường sống của loại tội phạm này cần dựa vào dân. Trước hết tuyên truyền, vận động để người dân trên địa bàn không tiếp tay cho loại tội phạm này đó là không gùi, cõng lương thực, hàng hóa nhu yếu phẩm sinh hoạt hằng ngày vào các mỏ vàng; không làm nhân công khai thác vàng và đặc biệt là cung cấp những thông tin liên quan về các đối tượng tại mỏ vàng để phục vụ công tác điều tra.
Ông Tùng hiểu rõ, việc khai thác vàng trái phép xảy ra rất nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản, các loại tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc… Để lập lại trật tự trên địa bàn, cần tập trung truy quét tận gốc các hang ổ khai thác vàng trái phép đóng trên địa bàn huyện. Muốn làm được điều này, phải xâm nhập thực tế, đến từng vùng để nắm bắt hoạt động của “vàng tặc” đề xuất xác lập các chuyên án đấu tranh. Ông Tùng không quản ngại ngày đêm “ăn dầm, ở dề” giữa rừng thiêng nước độc để thu thập các thông tin điều tra. Ông nhớ mãi chuyên án triệt phá một nhóm khai thác vàng trái phép do “Hùng quèo”, người miền Bắc vào làm đầu nậu. Qua trinh sát nắm tình hình, ông Tùng cùng đồng đội ập vào hiện trường bắt giữ được một số tang chứng, vật chứng liên quan tại mỏ vàng trong đó có một số tiền mặt. Do lúc này các đối tượng chưa thực hiện hành vi khai thác vàng nên Hùng “quèo” lợi dụng tình tiết này, ngoan cố không nhận tội và kiện ngược lại lực lượng công an thu giữ trái phép tiền của cá nhân mình. Tuy nhiên, quá trình thu thập tài liệu chứng cứ điều tra rõ ràng, trong đó có những tài liệu bằng giấy có chữ viết của Hùng “quèo” để giám định nên cuối cùng Hùng và đồng bọn phải rút đơn kiện.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=143520