Vì sự hài lòng của người bệnh
Bệnh viện K cần lấy hiệu quả điều trị, sự hài lòng của người bệnh là thước đo giá trị
(HNM) - Từ năm 2018, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện 2 hình thức tham khảo ý kiến người bệnh là Khảo sát ý kiến không hài lòng của người khám bệnh (25 nội dung) và Phiếu khảo sát trải nghiệm của bệnh nhân điều trị nội trú (7 nội dung lớn, 34 tiểu mục) để nhận được phản ánh về những vấn đề còn tồn tại trong các bệnh viện, từ đó có hướng giải quyết, khắc phục thiếu sót.
Khảo sát trải nghiệm của bệnh nhân
Sau khi thực hiện chủ trương trên, sự thay đổi điển hình, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh là giờ khám bệnh ở các bệnh viện được tiến hành sớm hơn, từ 6h30 lên 5h30 hằng ngày. Là một trong những người được khám lượt đầu tiên tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, lúc 5h30 sáng 8-8, chị Trần Thị Kim Anh (45 tuổi ở tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: Chị bị bệnh liên quan đến phế quản. Dù đến sớm để lấy số hẹn khám, nhưng chị không thấy phiền, bởi được gặp bác sĩ sớm, tăng thời gian trao đổi và khám bệnh.
Trao đổi về việc này, Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ, trong mùa cao điểm dịch bệnh, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hơn 6.000 trẻ đến khám, chữa bệnh; gần 70% trong số đó là từ các tỉnh, thành phố khác. Việc tổ chức khám bệnh từ 5h30 hằng ngày không chỉ giúp người bệnh được khám sớm mà còn giúp bệnh viện phục vụ được nhiều người bệnh hơn trong một ngày làm việc.
Còn theo Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, việc khảo sát mức độ không hài lòng của người khám bệnh đã làm thay đổi tư duy của những người đứng đầu bệnh viện theo hướng “quản lý chất lượng bệnh viện hãy bắt đầu từ những than phiền của bệnh nhân”, bởi biết cần làm gì để tốt hơn.
Kết quả đánh giá việc này của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 7-2019 cho thấy, có tổng cộng 3.693 lượt phàn nàn khi đến các bệnh viện khám bệnh, giảm nhiều so với 4.842 lượt phàn nàn cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nếu như tháng 7-2018, có 536 lượt ý kiến không hài lòng về khâu làm thủ tục đăng ký khám thì tháng 7-2019 chỉ còn 383 lượt phàn nàn về nội dung này. Tương tự, với thời gian chờ xét nghiệm, siêu âm, chụp phim, có 414 lượt ý kiến không hài lòng trong tháng 7-2018 thì tháng 7-2019 chỉ còn 285 lượt.
Về Phiếu khảo sát trải nghiệm bệnh nhân điều trị nội trú tại 93 bệnh viện trong thành phố, số liệu từ Sở Y tế cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2019, có 4.960 lượt phản hồi, với nhiều nội dung tích cực như: 81,3% số ý kiến hài lòng về thái độ phục vụ của y bác sĩ; 94,9% đánh giá tốt về việc công khai các khoản thu viện phí...
Để tiếp tục cải tiến phương thức đăng ký khám bệnh, nhiều bệnh viện đã triển khai phần mềm đăng ký khám online (trực tuyến). Với tiện ích này, người bệnh chỉ cần ngồi nhà, truy cập mạng là có thể chủ động đăng ký ngày khám, giờ khám trước từ 1 đến 30 ngày. Đơn cử như tiện ích Medpro được áp dụng tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh như Bệnh viện Đại học Y dược, hay Bệnh viện Nhi Đồng 1...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Y tế thành phố sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng các hình thức khảo sát ý kiến người bệnh để đổi mới hơn nữa công tác khám, chữa bệnh, phục vụ người dân tốt hơn; góp phần đưa chất lượng dịch vụ y tế thành phố trở thành một trong các thế mạnh cạnh tranh ở trong nước và khu vực.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/942884/vi-su-hai-long-cua-nguoi-benh