Vì sự phát triển chung

Phát biểu tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra ngày 12-2 tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đã yêu cầu Bộ Khoa học - Công nghệ bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho thành phố Hà Nội quản lý trong quý I-2023. Yêu cầu này là sự cụ thể hóa chủ trương tăng cường phân cấp, ủy quyền, tạo sự chủ động gắn với trách nhiệm cho các địa phương; qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Đối với lĩnh vực khoa học - công nghệ, điều này cũng phù hợp vì cả nước hiện có 4 khu công nghệ cao, thì Khu công nghệ cao Hòa Lạc là đơn vị duy nhất chưa được phân cấp cho địa phương quản lý. Việc bàn giao nhiệm vụ quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho Hà Nội cũng là dịp giúp Bộ Khoa học - Công nghệ tập trung làm công tác chuyên môn mà trọng tâm là “sản sinh ra nhiều khu công nghệ cao ở nhiều địa phương khác nhau, hoạt động thật hiệu quả”, như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị nêu trên.

Trong khi đó, quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng chính là đề xuất của thành phố Hà Nội với Chính phủ và Bộ Khoa học - Công nghệ. Điều này trước hết thể hiện rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền Thủ đô đối với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước đang đặt ra. Bởi quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc là nhiệm vụ nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế, gần 25 năm kể từ ngày có quyết định thành lập, sự phát triển của khu công nghệ cao có diện tích lớn nhất cả nước này chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ dự án lấp đầy đến nay mới chỉ đạt khoảng 1/4 diện tích, hàng chục héc ta đất còn bị bỏ hoang trong khi nhiều phần đất chưa được giải phóng mặt bằng theo quy hoạch... Mong ước về một hình mẫu kinh tế thu nhỏ của Việt Nam trong tương lai, một thành phố khoa học - công nghệ có hệ sinh thái thông minh đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau gần 1/4 thế kỷ, vẫn dang dở... Cho nên, khi đề xuất này được thực hiện, cũng đồng nghĩa, Hà Nội sẽ gánh thêm một trách nhiệm nặng nề.

Nhưng đây là trách nhiệm cần thiết, bởi được quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ giúp Hà Nội có sự chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Trung ương giao phó. Đó là việc cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, có hai nội dung rất quan trọng liên quan đến vùng Hòa Lạc, mà Khu công nghệ cao Hòa Lạc chiếm vai trò hạt nhân.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu “xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học...”; “xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai)”. Đây đều là những nhiệm vụ mà Hà Nội đang quyết tâm bắt tay vào thực hiện ngay trong năm 2023.

Với tất cả những lý do trên, việc chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho thành phố Hà Nội là việc làm cần thiết, vì sự phát triển chung, qua đó tạo sức bật mới cho “thành phố khoa học” này nói riêng và “thành phố thông minh” Hà Nội nói chung.

Hiền Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1055449/vi-su-phat-trien-chung