Vì sự phát triển toàn diện của trẻ
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ trong những năm tháng đầu đời. Dinh dưỡng tạo nền tảng cho sự tăng trưởng, phát triển trí não và sức khỏe trong suốt cuộc đời của trẻ. Chính vì vậy, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần có những kiến thức nhất định để thực hành chăm sóc đúng, tạo sự phát triển vững chắc từ bên trong cho trẻ.
Bác sĩ Hứa Thành Xây, Trưởng Trạm Y tế xã Thới Bình, huyện Thới Bình, cho biết: Việc cung cấp đầy đủ các yếu tố dinh dưỡng cho cơ thể trẻ phụ thuộc vào 2 vấn đề: kiến thức hiểu biết của các bậc cha mẹ, những người làm công tác nuôi dạy trẻ về nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em, nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung hợp lý. Thức ăn cho trẻ em bao gồm số lượng, chất lượng để đáp ứng nhu cầu cơ bản về dinh dưỡng cho trẻ trong những năm đầu đời.
Theo tài liệu “Hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc phát triển trẻ toàn diện trong 5 năm đầu đời” của Bộ Y tế ban hành năm 2023, giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng chính là thực hiện quyền trẻ em và đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển thành công của trẻ trong tương lai. Các bằng chứng khoa học về thúc đẩy sự phát triển của trẻ đặc biệt nhấn mạnh những lợi ích sâu sắc của việc đầu tư vào giai đoạn đầu đời và hiệu quả học tập, năng suất, sức khỏe và sự gắn kết xã hội trong cuộc sống sau này của trẻ.
Những năm đầu đời của trẻ đặc biệt quan trọng, đây là thời điểm não bộ phát triển nhanh chóng và cũng là giai đoạn trẻ nhạy cảm nhất với các can thiệp. 5 chỉ số phát triển toàn diện của trẻ gồm: nhận thức trí tuệ, cảm xúc xã hội, vận động thể chất, vận động tinh tế và ngôn ngữ. Cha mẹ và những người chăm sóc chính cần có kiến thức, kỹ năng, thời gian và nguồn lực vật chất chăm sóc trẻ phù hợp để phát huy tốt các chỉ số phát triển toàn diện của trẻ.
Nhận thức trí tuệ hay nhận thức tư duy là khả năng trẻ có thể học tập và giải quyết vấn đề. Trẻ hiểu được sự việc đang xảy ra, thể hiện khả năng quan sát ghi nhớ, tập trung chú ý vào việc đang làm; khả năng giải quyết vấn đề từ đơn giản đến phức tạp; biết làm mọi việc tự phục vụ bản thân...
Cảm xúc xã hội hay còn gọi là kỹ năng giao tiếp xã hội hoặc cảm xúc tương tác là khả năng trẻ tương tác với mọi người và kiềm chế cảm xúc bản thân. Trẻ biết bày tỏ các trạng thái cảm xúc vui buồn, giận dỗi, khóc cười và biết kiểm soát cảm xúc cho phù hợp trong các tình huống cụ thể.
Vận động thể chất, còn gọi là vận động thô, là khả năng vận động của các nhóm cơ lớn để lẫy, ngồi, đi đứng, chạy nhảy, leo trèo. Trẻ phát triển bình thường sẽ có sự vận động cân đối, đồng đều ở cả bên phải và bên trái của cơ thể. Trẻ bình thường sẽ học tập cách phối hợp để vận động nhịp nhàng.
Vận động tinh tế hay vận động tinh là khả năng phối hợp của tay, mắt và sự chỉ đạo của não bộ, thể hiện qua khả năng cầm nắm, lấy được các đồ vật một cách có chủ ý; khả năng chủ động làm gì đó với các đồ vật mình đang có trong tay như xoay trở, vặn xoắn... Đây là chỉ số đòi hỏi trẻ phải có khả năng cảm nhận được đồ vật trong không gian và sự phối hợp các vận động của các ngón tay và mắt. Các vận động tinh phát triển từ việc cầm nắm đồ chơi, đập vào nhau đến các các vận động cầm bút viết, vẽ, làm thủ công sau này.
Ngôn ngữ là khả năng trẻ hiểu người khác nói (ngôn ngữ tiếp nhận) và khả năng diễn đạt được suy nghĩ mong muốn bằng lời nói, bằng ngôn ngữ cơ thể (ngôn ngữ diễn đạt).
Ngôn ngữ tiếp nhận khi trẻ còn nhỏ là khả năng làm theo hiệu lệnh. Đến khi lớn hơn, ngôn ngữ tiếp nhận của trẻ là khả năng hiểu những cuộc nói chuyện, kể chuyện, hiểu các phân tích của người lớn và tuân theo cam kết trẻ đã hứa với cha mẹ. Ngôn ngữ diễn đạt được thể hiện ngay từ lúc trẻ chào đời thông qua diễn đạt nhu cầu cơ bản như khóc khi đói, khi ướt tã, khi muốn bế... Dần dần trẻ biết yêu cầu, đòi, hỏi những gì mình muốn, biết nói câu đúng ngữ pháp, biết đặt câu hỏi, biết hội thoại, biết kể chuyện, biết kết bạn, biết viết văn sau này.
Do đó, các gia đình cần dành cho trẻ sự chăm sóc đặc biệt, bằng cách vui chơi và giao tiếp với trẻ, gia đình sẽ giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh hơn và phát triển mạnh mẽ hơn, rèn kỹ năng để giải quyết vấn đề và giúp đỡ người khác. Ngoài nhu cầu cơ bản về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, an toàn thì trẻ rất cần tình yêu thương và tương tác sớm để phát triển toàn diện, bác sĩ Xây khuyến cáo thêm./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/vi-su-phat-trien-toan-dien-cua-tre-a32460.html