Vì sự tiến bộ của phụ nữ: Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị 'Tổng kết công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2020 và Phương hướng, nhiệm vụ năm 2021'. Theo đó, ý kiến từ nhiều đại biểu cho rằng, để tạo sự bình đẳng phát triển cho nữ giới, phải thay đổi nhận thức, có hành động cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở tuyên truyền.

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN), Phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, Ban VSTBPN ngành Giáo dục hoạt động trong bối cảnh chung của ngành, được lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo sâu sát nhằm đổi mới hiệu quả. Ban đã ban hành hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới năm 2020 với chủ trương, mọi hoạt động phải cụ thể, thực tế, phù hợp với đặc thù của ngành.

Công tác tập huấn bình đẳng giới và VSTBPN là hoạt động thường xuyên của Ban VSTBPN. Nhiều kiến thức mới về bình đẳng giới được gợi mở, thống nhất. Nhiều vấn đề về bình đẳng giới được làm rõ và định hướng để hiểu đúng. Qua đó, những vấn đề như nhận thức của lãnh đạo, nhân sự kiêm nhiệm, kiểm tra giám sát, … cũng được đặt ra. Những khó khăn này góp phần dẫn tới một số hoạt động chưa rõ nét, chưa thực chất.

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Chủ tịch Công đoàn, Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ chia sẻ, nhờ chú trọng công tác phối hợp, tham mưu, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai. Ban đã tham mưu HĐND, UBND, hỗ trợ kinh phí cho giáo viên nữ bậc mầm non; vận động tài trợ quỹ áo dài cho nữ sinh Cần Thơ; phối hợp với Sở Tư pháp để tuyên truyền, tổ chức hội thi tìm hiểu bình đẳng giới toàn Cần Thơ, giúp cán bộ, giáo viên toàn ngành cũng như người dân thành phố hiểu rõ hơn về quy định bình đẳng giới; phối hợp với ngành Y tế chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ.

Phân công lao động cho cán bộ nữ phải phù hợp hoàn cảnh, chuyên môn (Ảnh minh họa)

Phân công lao động cho cán bộ nữ phải phù hợp hoàn cảnh, chuyên môn (Ảnh minh họa)

Ông Trần Viết Khanh, Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban VSTBPN của ĐH Thái Nguyên nhấn mạnh đến yếu tố định kiến và cho rằng, ngay trong gia đình, chính phụ nữ cũng tự gán định kiến vào mình. Để có thể bình đẳng, cần nhìn nhận và thay đổi những vấn đề gốc rễ như vậy. Trong đề xuất, ông Khanh nêu, cần chú ý bố trí, phân công lao động cho cán bộ nữ phải phù hợp hoàn cảnh, chuyên môn; cần có tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác VSTBPN.

Cũng đề cao tầm quan trọng của nhận thức, Phó Giám đốc ĐH Huế Đỗ Thị Xuân Dung cho rằng, để thay đổi nhận thức cho cả nam và nữ về bình đẳng giới, cần những chính sách và cơ chế cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở tuyên truyền.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Quản lý giáo dục chia sẻ, Học viện có tới nữ cán bộ, giảng viên chiếm 71%, tỷ lệ nữ cán bộ tham gia lãnh đạo là 67,9%. “Để làm tốt công tác phát triển nữ cán bộ, cần nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt phải kể đến sự quan tâm của cấp ủy”, bà Hằng nhấn mạnh.

Đối với hoạt động thời gian tới, bà Đỗ Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng khẳng định, cần có những việc làm cụ thể, thiết thực, thực sự động viên phụ nữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Đồng thời, cần bổ sung tiêu chí hướng dẫn cụ thể cho công tác VSTBPN để thêm căn cứ chỉ đạo, đánh giá, thực hiện.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Trưởng Ban VSTBPN của Bộ GD&ĐT yêu cầu phải cố gắng khắc phục bệnh thành tích, đổi mới từ tổ chức hội nghị, hội thảo.

“Chúng ta đã nhận thức tầm quan trọng của VSTBPN và thấy cần có quan tâm đúng mức hơn tới hoạt động này. Để tiến tới bình đẳng giới, cần triển khai thực hiện hiệu quả hơn”, Thứ trưởng nói.

Năm 2021, phương hướng của Ban VSTBPN chỉ rõ, sẽ tập trung 09 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch bình đẳng giới kèm theo Quyết định 4996/QĐ-BGDĐT ngày 28-10-2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và xây dựng kế hoạch giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn, khảo sát, kiểm tra; công tác tập huấn thực hiện bằng nhiều cách thức, để cán bộ VSTBPN hiểu việc, hiểu nhiệm vụ, chức năng của mình. Khuyến khích mời những chuyên gia giỏi, đa dạng kênh cung cấp thông tin kịp thời như tờ rơi, sổ tay,… Khởi động và triển khai công tác thi đua khen thưởng thường xuyên. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, lồng ghép trong những chương trình khác.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-su-tien-bo-cua-phu-nu-khong-chi-dung-lai-o-tuyen-truyen-221936.html