Vì sự tiến bộ phụ nữ
Huyện Lộc Ninh hiện có hơn 118.000 người, trong đó gần 21% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng số công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị nhà nước là 2.413 người; trong đó tỷ lệ nữ ở các cơ quan cấp huyện đạt 49%; cấp xã 38% và đơn vị sự nghiệp giáo dục 65%. Những năm qua, huyện Lộc Ninh đã triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, cùng các chương trình, đề án liên quan phù hợp đặc điểm, tình hình thực tế địa phương.
Nâng cao nhận thức
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới huyện Lộc Ninh đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của cơ quan mình tham mưu các giải pháp về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Các chương trình, dự án khi triển khai phải lồng ghép với việc thực hiện bình đẳng đối với phụ nữ trên các lĩnh vực về lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ... Phụ nữ được tăng cường tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng trong gia đình, xã hội.
Hiện nay, số cán bộ nữ tham gia cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ và đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội giữ chức vụ chủ chốt cấp huyện đạt 31%; cấp xã đạt 28%. Nữ tham gia đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2021-2026 là 13/33 người, đạt 39%; cấp xã 103/398 người, đạt 26%. Năm 2022, huyện Lộc Ninh đã bổ nhiệm 5 nữ/11 cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo thuộc các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, đạt trên 44%; tổ chức kết nạp Đảng cho 33 nữ/80 đảng viên.
Nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới huyện thường xuyên tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức; lồng ghép các hoạt động, thông tin tuyên truyền về bình đẳng giới tại các buổi tọa đàm, tập huấn, hội thảo, hội nghị, tổ chức “Tháng hành động phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”…
Phát huy tiềm năng, trí tuệ của phụ nữ
Thực hiện Quyết định số 938/QĐ-TTg về Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và Quyết định số 939/QĐ-TTg về Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, huyện đã tập trung quan tâm công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho ban lãnh đạo hợp tác xã, tổ hợp tác; đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn cho phụ nữ khởi nghiệp.
Việc thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn Lộc Ninh đã tạo điều kiện phát huy tiềm năng, trí tuệ của phụ nữ. Trong ảnh: Phụ nữ huyện Lộc Ninh chụp hình lưu niệm tại buổi họp mặt kỷ niệm 113 năm Ngày quốc tế phụ nữ 8-3
Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lộc Ninh ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho 3.619 hộ vay vốn với số tiền hơn 138 tỷ đồng. Trong năm 2022, các cấp hội đã vận động trao tặng 10 phương tiện sinh kế cho 10 chị là thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi dê Lộc An, Lộc Thành; trao vốn khởi nghiệp cho 36 hội viên phụ nữ; hỗ trợ con giống và phương tiện cho 31 chị buôn bán nhỏ. Tổng kinh phí thực hiện 1 tỷ 197 triệu đồng.
Cùng với đó, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới huyện còn đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin thông qua các hoạt động bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên, viên chức là nữ. Các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe giới nữ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng trong việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng được quan tâm đúng mức…
Đặc biệt, huyện chú trọng bình đẳng giới trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em gái được quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn huyện triển khai và thành lập 135 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; duy trì hoạt động Câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”; 5 mô hình “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”… Từ đó đã tác động tích cực đến ý thức của người dân, do vậy tình hình bạo lực gia đình có xu hướng giảm. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp bạo lực gia đình đến mức phải xử lý.
Việc thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn huyện Lộc Ninh không chỉ tạo điều kiện phát huy tiềm năng, trí tuệ của phụ nữ mà còn đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội tại địa phương. Từ đó giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/142146/vi-su-tien-bo-phu-nu