Vì sức khỏe người dân
Những năm qua, hệ thống y tế cơ sở (YTCS) được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị; đồng thời, trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên y tế không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc cải thiện các chỉ số sức khỏe, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là người dân nông thôn, người nghèo tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng với chi phí hợp lý.
Tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng
YTCS là đơn vị y tế trực tiếp chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu cho người dân. Hiện số lượng bệnh nhân (BN) đến khám, chữa bệnh (KCB) tại tuyến xã chiếm 55-60% tổng số khám bệnh chung của toàn tỉnh. Tỉnh Long An hiện có 174 trạm y tế (TYT) tuyến xã, trên 90,8% xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.
Hiện tất cả TYT xã đều có bác sĩ phục vụ. Cán bộ, y, bác sĩ tuyến YTCS không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Các TYT được đầu tư xây dựng khang trang, có nhiều trang thiết bị thực hiện tốt nhiệm vụ CSSK ban đầu. Năng lực hoạt động của TYT ngày càng được nâng cao nên người dân tin tưởng.
Là một trong những đơn vị tuyến đầu, những năm qua, TYT xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ luôn làm tốt vai trò CSSK ban đầu cho nhân dân. Mỗi ngày, trạm có 20-30 BN đến khám và điều trị bệnh. Bà Phan Thị Nguyệt (ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây) bày tỏ: “TYT xã khang trang, sạch đẹp, có y, bác sĩ trực 24/24 và có máy đo điện tim, máy thử đường huyết nên người dân an tâm mỗi khi đến và điều trị bệnh với chi phí thấp”.
Ngoài ra, trạm còn làm tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe. Góp phần vào sự thành công của công tác truyền thông phải kể đến đội ngũ nhân viên CSSK cộng đồng tại các ấp. Lực lượng này luôn bám sát địa bàn, vận động người dân đến điều trị bệnh tại tuyến YTCS, cung cấp những kiến thức cơ bản trong CSSK và vệ sinh phòng, chống
dịch bệnh.
Chị Phạm Thị Màu - nhân viên CSSK cộng đồng xã Mỹ Thạnh Tây, chia sẻ: “Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chúng tôi “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động. Vì vậy, người dân trên địa bàn đều được trang bị kiến thức trong việc thực hiện các biện pháp để nâng cao sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh”.
Thời gian tới, trạm tiếp tục nâng cao chất lượng KCB, nâng cao y đức và chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe. “Sự hài lòng, tin yêu của người dân chính là nguồn động viên để những y, bác sĩ khắc phục khó khăn, tiếp tục gắn bó, bám trụ vùng biên giới thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, CSSK ban đầu cho người dân ngày càng tốt hơn” - Trưởng TYT xã Mỹ Thạnh Tây - Lương Kim Thắm cho biết.
Hướng đến sự hài lòng
Thực hiện lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, đội ngũ y, bác sĩ TYT xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa triển khai hiệu quả công tác KCB ban đầu cho nhân dân và công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trạm được xây dựng mới với 13 phòng chức năng đưa vào hoạt động từ năm 2015; đồng thời, được trang bị các trang thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, máy đo điện tim, máy thử đường huyết. Trung bình mỗi tháng, trạm có 200-300 BN đến khám và điều trị bệnh chủ yếu bằng bảo hiểm y tế (BHYT). Người dân đến khám và điều trị tại trạm đều cảm thấy thoải mái và an tâm với tinh thần phục vụ chu đáo, tận tình của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thuận (ấp Cả Đá, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa) chia sẻ: “TYT xã gần nhà nên tôi thuận tiện trong việc đi KCB ban đầu. Y, bác sĩ ở đây đều vui vẻ, nhiệt tình, quan tâm BN như người thân”.
Với quan điểm dự phòng tích cực và chủ động, ngay từ đầu năm, trạm tham mưu UBND xã xây dựng các kế hoạch và phương án phòng, chống dịch theo mùa, đặc biệt là cúm A(H5N1), A(H1N1), sốt xuất huyết, tay - chân - miệng,… Hiện công tác phòng, chống Covid-19 cũng được chú trọng.
Trạm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thông qua lực lượng nhân viên CSSK cộng đồng; đồng thời, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Góc giáo dục sức khỏe cũng được bố trí nơi dễ nhìn thấy nhằm cung cấp kiến thức cho người dân. Đội ngũ y, bác sĩ còn tư vấn trực tiếp về CSSK sinh sản, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh.
Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai hiệu quả. Theo đó, trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 7,01%. Hàng năm, trẻ trong độ tuổi được tiêm đủ vắc-xin phòng bệnh đạt trên 95%; trên 97% trẻ từ 6-36 tháng tuổi được uống bổ sung vitamin A.
TYT phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền lợi ích của việc dùng thẻ BHYT khi khám bệnh; chú trọng rà soát đối tượng thuộc diện hộ nghèo, người già neo đơn nhằm giúp họ được hưởng lợi từ BHYT. Hiện xã có 94,5% người dân tham gia BHYT.
Trưởng TYT xã Tân Thành - Trần Ngọc Lĩnh thông tin: “Công tác theo dõi, quản lý, CSSK định kỳ cho người cao tuổi được quan tâm thực hiện. Để làm tốt công tác này, cán bộ, nhân viên y tế xã thường xuyên đến nhà thăm hỏi tình trạng sức khỏe người cao tuổi; đồng thời, chia sẻ thêm nhiều thông tin về bệnh tuổi già và chế độ ăn uống thích hợp để có sức khỏe tốt”.
Đầu tư cho y tế tuyến cơ sở, nhất là vùng biên giới, vùng sâu là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành y tế tỉnh hướng đến nhằm CSSK người dân theo hướng “toàn diện, liên tục”. Theo đó, người dân sẽ được KCB và dự phòng các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm ngay tại các TYT. Đây sẽ là bước tiến mới trong lĩnh vực CSSK ban đầu, tạo điều kiện cho người dân hưởng các dịch vụ chất lượng với chi phí thấp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/vi-suc-khoe-nguoi-dan-a91100.html