Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Ông quê ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, lập được nhiều công trạng. Ông phụng sự trong 3 triều vua Lê (Lê Thế Tông, Lê Kính Tông và Lê Thần Tông) và 2 đời chúa là Trịnh Tùng, Trịnh Tráng.

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

A: Lê Khôi

B: Bùi Cầm Hổ

C: Nguyễn Huy Oánh

D: Nguyễn Văn Giai

Giải thích

Theo Lý lịch Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Văn Giai do Bảo tàng Hà Tĩnh cung cấp, ông Nguyễn Văn Giai sinh năm Giáp Dần (1554) tại xã Mỹ Tường, tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trong một gia đình nhà nho nghèo. Thuở nhỏ, ông Nguyễn Văn Giai đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. 5 tuổi đã biết chữ nghĩa, 9 tuổi biết làm văn, 17 tuổi đã nổi tiếng là hay chữ trong vùng. Năm 1580, khoa thi Canh Thìn đời vua Lê Thế Tông, ông Nguyễn Văn Giai đi thi đỗ Hội nguyên, rồi vào thi Đình đỗ Đình nguyên Nhị giáp Tiến sĩ. Ông từng giữ chức Tể tướng trong triều đình nhà Lê, được phong là khai quốc công thần thời Lê Trung Hưng. Ông mất năm 1628, thọ 75 tuổi. Trong 48 năm (1580-1628), ông Nguyễn Văn Giai làm quan trải qua 3 triều vua Lê và 2 đời chúa Trịnh, với những công lao to lớn đối với đất nước. Cụ thể, ông làm quan phụng sự vua Lê Thế Tông (trị vì 1573-1599), Lê Kính Tông (1599-1619) và Lê Thần Tông (1619-1643 và 1649-1662) và 2 đời chúa là Trịnh Tùng (1570-1623) và Trịnh Tráng (1623-1657). Ông là một nhà quân sự, một danh tướng tài ba đồng thời là một nhà ngoại giao sắc sảo, một công thần có danh tiếng thời Lê - Trịnh. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ khẳng khái, ghét bạo ngược, bất công, luôn hướng về đạo lý, nhân nghĩa cho người dân lao động. Trên mộ ông Nguyễn Văn Giai tại quê nhà khắc câu đối do vua Lê Kính Tông tặng: "Trải qua ba triều thuộc hàng danh tướng trụ cột của nước nhà/ Vạn năm sau là bậc phúc thần nơi sông núi quê hương".

Vị Tể tướng này nổi tiếng với giai thoại từ bỏ món ăn yêu thích để chống tham nhũng. Đó là món ăn gì?

A: Nem công chả phượng

B: Gà luộc chấm muối

C: Thịt lợn luộc chấm mắm

D: Cá trắm kho

Giải thích

Theo sách Tang thương ngẫu lục của tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, khi ông Nguyễn Văn Giai còn làm Chưởng quản lục bộ, các bậc thân tín của vua chúa đều phải kiêng nể. Gia phả dòng họ còn ghi lại lời ông răn bảo triều thần: “Ta giữ việc triều chính cốt cho liêm chính, không nhận hối lộ của bất kỳ ai. Người có tài đức thì phải biết trọng dụng; ai có lỗi lầm phải biết lựa lời can ngăn; ai oan uổng phải biết cứu xét phân minh cẩn trọng và bênh vực; kẻ nghèo khó phải ra tay giúp đỡ. Không nên làm những điều bất chính để tích trữ vàng ngọc làm giàu; phải biết tu nhân tích đức cho đời sau con cháu vậy”. Có một giai thoại kể về sự liêm chính của ông như sau: Một lần, có người con rể của chúa ra trận thấy giặc mạnh sợ hãi nên bỏ chạy. Theo luật pháp đương thời phải khép vào tội chết. Ông Nguyễn Văn Giai phụ trách việc xét xử và định tội quận mã đúng luật. Chúa gợi ý cho ông giảm án, nhưng ông đã viện lí rằng, đối với kẻ trên phải xử nghiêm minh để làm gương cho kẻ dưới, có thế mới giữ vững được cơ đồ nên chúa cũng không dám quyết. Quận chúa - vợ quận mã bèn đem vàng bạc đến nhờ bà vợ ba của ông Nguyễn Văn Giai nói giúp, vì bà này rất được ông yêu quý. Song bà ba đã từ chối và phân trần với quận chúa: Tướng công là người thanh liêm, xưa nay vốn rất ghét của đút lót. Vả lại, đây là việc hệ trọng trong triều, tôi đâu dám can dự. Tuy vậy, quận chúa cứ van xin mãi, khiến bà động lòng, nghĩ bụng cũng là đàn bà với nhau cả, không nỡ để quận chúa chịu cảnh góa bụa. Bà ba nói: Thế thì sáng mai, sau khi tướng công vào triều, quận chúa hãy cho mang đến đây một mâm xôi nếp cái, một con lợn nhỏ luộc chín, một con dao sắc và các thứ gia vị, rồi tôi nói giúp. Quận chúa mừng rỡ, về sắm sanh đúng như lời dặn. Sáng hôm sau, bà ba cố tình nấu bữa sáng chậm hơn thường ngày, ông Nguyễn Văn Giai đành phải nhịn ăn, lên xe vào triều cho kịp buổi chầu. Đến trưa, tan chầu về, bụng đang đói, lại thấy mâm xôi, thịt hợp khẩu vị bày sẵn trên bàn, ông Nguyễn Văn Giai tưởng người nhà cất phần cho mình nên ngồi vào ăn uống no say bình thường. Xong bữa, ông hỏi sao lại có nhiều xôi, thịt như vậy. Bấy giờ bà ba mới thú thật là của quận chúa. Ông giận lắm, tự trách mình có lỗi chỉ vì một miếng ăn mà không giữ đúng phép nước. Sau ông thầm nghĩ cũng may án này có mấy chỗ có thể khoan giảm, bèn sai đánh xe vào hầu chúa, xin tha chết cho kẻ phạm tội. Chúa mừng lắm và chuẩn y ngay. Từ đó trở đi, ông Nguyễn Văn Giai luôn tự vấn lương tâm và từ bỏ hẳn sở thích ăn xôi với món thịt lợn luộc chấm mắm. Hễ ngồi vào mâm thấy món nào lạ, ông lại hỏi cặn kẽ nguồn gốc rồi mới ăn.

Đền thờ ông tại xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm nào?

A: 1995

B: 1996

C: 1997

D: 1998

Giải thích

Để tưởng nhớ công lao của ông Nguyễn Văn Giai, Nhân dân địa phương đã lập đền thờ ông ngay tại chính quê hương xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1995, Đền thờ danh nhân Nguyễn Văn Giai được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Di tích Đền thờ danh nhân Nguyễn Văn Giai có tuổi đời khoảng 400 năm, đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, gần nhất khởi công vào năm 2018, hoàn thành vào năm 2022. Ở Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cũng có con đường mang tên danh nhân Nguyễn Văn Giai.

Dòng họ Nguyễn Văn ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh đang lưu giữ một trong những sắc phong gấm dài nhất Việt Nam. Đây là sắc phong thuộc triều vua nào?

A: Lê Anh Tông

B: Lê Thế Tông

C: Lê Kính Tông

D: Lê Thần Tông

Giải thích

Theo Lý lịch Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Văn Giai do Bảo tàng Hà Tĩnh cung cấp, với những công lao to lớn mà ông Nguyễn Văn Giai đã đóng góp cho đất nước, các triều đại phong kiến kế tiếp sau từ đời Lê đến thời Nguyễn đều có sắc phong ghi danh công trạng, địa vị của ông với đất nước. Theo kết quả khảo cứu vào năm 2009 của Sở VH-TT&DL và Bảo tàng Hà Tĩnh, dòng họ Nguyễn Văn ở huyện Lộc Hà đang lưu giữ một sắc phong bằng chất liệu lụa gấm. Đây là đạo sắc quý, hiếm, dài 4,5m, rộng 0,5m, màu trắng đục, không có hoa văn, gồm 318 chữ, bố cục theo 63 hàng cột dọc, 5 hàng ngang. Đây cũng là một trong những sắc phong gấm dài nhất Việt Nam. Kết quả khảo cứu cho thấy, sắc phong có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11, triều vua Lê Kính Tông, nội dung của đạo sắc phong công cho ông Nguyễn Văn Giai. Ngoài sắc lụa gấm đặc biệt đó, dòng họ Nguyễn Văn ở huyện Lộc Hà còn bảo lưu trên 20 đạo sắc, trong đó một số đạo sắc quý, hiếm có niên đại khá sớm.

Lễ rước sắc phong ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà được tổ chức vào tháng nào trong năm?

A: Tháng Chạp

B: Tháng Giêng

C: Tháng Hai

D: Tháng Bảy

Giải thích

Hằng năm, vào ngày giỗ Tể tướng Nguyễn Văn Giai (13 tháng Giêng), con cháu dòng họ Nguyễn Văn và dân làng đều tổ chức rước sắc phong bằng kiệu, người khiêng là những thanh niên trai tráng trong làng với trang phục đẹp, chỉnh tề. Kiệu dẫn đoàn khiêng sắc phong, tiếp theo là bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đi từ đền thờ dòng họ ra mộ ngài Tể tướng và cuối cùng đặt tại đền thờ Quan đại thần Nguyễn Văn Giai. Lễ rước sắc phong là nét văn hóa đặc sắc của xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.

Kết quả

Bạn hãy chăm chỉ hơn nhé!

Điểm

Phương Đặng

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/vi-te-tuong-nao-que-ha-tinh-tung-phung-su-3-trieu-vua-le-post269187.html