Vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế ngày càng được nâng cao

Vai trò, vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế được nâng cao. Ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh, là một trong những kết quả nổi bật đối với công tác bình đẳng giới tại Việt Nam...

Lễ Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024. Ảnh: MOLISA.

Lễ Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024. Ảnh: MOLISA.

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an, và Cơ quan của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã chính thức được phát động ngày 15/11.

Tháng hành động năm nay với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.

Phát biểu phát động tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cho biết với sự chung tay, phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, công tác bình đẳng giới trong thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng. Có 59% các Bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ. 74,6% chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực. Khoảng cách giới trong tất cả các cấp giáo dục được thu hẹp; hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng và nâng cao chất lượng.

Vai trò, vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế được nâng cao. Ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh.

Nhiều nữ sỹ quan đã tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, đã chứng tỏ năng lực tiềm tàng của phụ nữ và khi phụ nữ được phát huy vai trò, họ có thể đáp ứng được bất kỳ nhiệm vụ nào.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại chương trình.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại chương trình.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2024 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.

Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bình đẳng giới vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Đơn cử, những định kiến giới trong xã hội vẫn là một trở ngại lớn của công tác bình đẳng giới; tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh còn ở mức cao; tình trạng tảo hôn và có con sớm vẫn khá phổ biến ở vùng dân tộc thiểu số.

Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn tồn tại. Phụ nữ vẫn phải đảm nhận nhiều hơn công việc nội trợ và chăm sóc gia đình so với nam giới; già hóa dân số và các vấn đề mới như biến đổi khí hậu, thiên tai đã ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân,... trong đó, phụ nữ, trẻ em là đối tượng chịu nhiều tác động hơn.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị và mong muốn các Bộ, ngành, cơ quan, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, các cơ quan truyền thông và mỗi người dân cùng cam kết, tham gia và có các hành động cụ thể thiết thực, hiệu quả đối với công tác bình đẳng giới, vì sự phát triển phồn vinh, hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Quan trọng hơn, bản thân phụ nữ và trẻ em cũng phải chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại đồng thời cần phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại.

Tại chương trình, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong những năm qua, Bộ Công an luôn quan tâm, chỉ đạo lực lượng Công an các cấp chủ động phối hợp với các đơn vị, Bộ ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan phát hiện sớm, can thiệp và xử lý kịp thời các vụ bạo lực trên cơ sở giới, môi giới hôn nhân bất hợp pháp và bảo vệ nạn nhân.

Đồng thời phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người; phối hợp tổ chức ký kết và thực hiện các Quy chế phối hợp liên ngành liên quan đến công tác phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Những nhiệm vụ này sẽ tiếp tục được triển khai trong lực lượng Công an nhân dân trong thời gian tới.

Về phía các tổ chức quốc tế, bà Paulines Tamasis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho biết Liên Hợp Quốc đang hỗ trợ nâng cao năng lực của lực lượng công an nhân dân Việt Nam trong việc xử lý các vụ việc hiệu quả, đảm bảo quy trình điều tra thân thiện với trẻ em, với nạn nhân, nhạy cảm với giới và đáp ứng giới.

Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024. Ảnh: MOLISA.

Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024. Ảnh: MOLISA.

Bà khẳng định Liên Hợp Quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các thách thức. Đồng thời, khuyến nghị thực hiện những nội dung như: Vận động tăng cường phân bổ nguồn lực cần thiết để thực hiện quy định và chính sách sách liên quan đến bình đẳng giới; huy động toàn xã hội cùng chung tay chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình và nạn buôn bán người. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực thu nhập, phân tích và xử lý dữ liệu phân tách theo giới. .

Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm.

Điểm nhấn của Lễ phát động năm nay chính là sự chung tay, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân thông qua việc phối hợp tổ chức Lễ phát động và cam kết thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Lễ phát động Tháng hành động là sự kiện mở đầu cho chiến dịch truyền thông cao điểm về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vi-the-cua-phu-nu-trong-linh-vuc-kinh-te-ngay-cang-duoc-nang-cao.htm