Vị thế của sự tôn nghiêm!
Trong đời sống xã hội cũng như trong chính trị, sự tôn nghiêm có sức mạnh thu phục lòng người. Sự tôn nghiêm của Đảng đến từ tính đúng đắn, khoa học trong đường lối, đề ra quyết sách và quan trọng, đến từ phẩm chất trong sáng của đội ngũ cán bộ.
Thế nhưng, từng có không ít cán bộ, đảng viên coi thường kỷ cương, phép nước làm cho uy tín và thanh danh của một Đảng chân chính cầm quyền bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tính chính đáng của Đảng ta là không phải bàn cãi, đã được lịch sử chứng minh và Nhân dân ta lựa chọn, thừa nhận.
Bởi vậy, suốt nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã đấu tranh không khoan nhượng với các luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc về cơ chế một đảng lãnh đạo: chúng phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng (Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh) cho rằng nền tảng ấy không còn phù hợp với thời đại; chúng cũng phủ nhận thành quả cách mạng do Đảng ta lãnh đạo trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 (chúng cho rằng: “Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cú ăn may lịch sử”) và thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ cứu nước (chúng cho rằng đó là cuộc nội chiến) (1).
Nhưng, mọi nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng toàn dân có thời điểm đã bị tổn thương bởi những cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng đi ngược lại lợi ích của Nhân dân, không còn coi mục tiêu, lý tưởng của Đảng là cao quý, thiêng liêng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội. Rất dễ để liệt kê nhiều tên tuổi từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố sai phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của Điều lệ Đảng, của Hiến pháp, pháp luật, tổn thương đến danh dự của vị trí mà họ đảm nhiệm. Trong số đó, có những vị trí, thật khó tin khi mới hôm qua, chính họ phát lệnh đấu tranh phòng chống tội phạm thì nay lại bị khởi tố về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” (như trường hợp Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng).
Bởi sự nhức nhối của những ung nhọt ấy nên công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta tập trung mạnh mẽ trong hơn 10 năm qua đã được Nhân dân vô cùng ủng hộ. Nhân dân lại càng đặt niềm tin vào những cán bộ được “chọn mặt gửi vàng” giữ các trọng trách quan trọng trong bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Phát biểu sau lễ nhậm chức ngày 2/3, tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: “(…) lấy lợi ích hợp pháp và chính đáng của Nhân dân là điểm xuất phát, là mục tiêu quan trọng của các quyết sách, “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững; xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh”.
Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, nội dung phát biểu của Chủ tịch nước thêm một lần nữa nhấn mạnh về bản chất của Nhà nước ta là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” đã được ghi tại Điều 2 của Hiến pháp. Phát biểu đó cũng khẳng định vai trò quan trọng của phẩm chất cán bộ trong bộ máy công quyền, khẳng định trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - người sáng lập, rèn luyện Đảng ta và là vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Ngẫm cho cùng, điều này có muôn vàn liên tưởng, bởi ở các cấp, đã từng có lúc, có nơi để cơ chế trở thành cơ hội. Đã có lúc, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam phải xót xa đặt những câu hỏi về phẩm chất của một số cán bộ, đảng viên. Ngay tại buổi họp báo sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tinh thần chống tham nhũng là “Không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm”.
Không một ai có lương tri lại chấp nhận những cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng lại “nói một đằng, làm một nẻo”, suy thoái về đạo đức, tư tưởng. Xuất phát từ cuộc chiến vì lẽ phải và công bằng, vì sự tôn nghiêm của Đảng, Nhà nước, tiếng nói của người đứng đầu Đảng ta đã trở thành ngọn cờ và thực sự “nhất hô, bá ứng” trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn hiện nay.
Biết rằng, thành quả nào cũng phải chấp nhận đánh đổi, thậm chí phải chịu tổn thương. Nhưng, Đảng ta đã xác định phải mạnh dạn cắt bỏ những “cành sâu” để cứu lấy cái cây như Bác Hồ từng dạy. Công cuộc phòng chống cán bộ, đảng viên suy thoái, hư hỏng dù có thời điểm ảnh hưởng tới tổ chức và chừng mực ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, nhưng, ngẫm từ cổ chí kim, muôn sự thuận theo ý dân thì vững vàng. Dân an thì nước mới thịnh.
Trong bối cảnh hiện nay, toàn cầu đang chịu bức bách về kinh tế do các cuộc khủng hoảng và xung đột, nhiều nước lớn đang toan tính mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến các quốc gia, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão làm suy giảm tính uy nghiêm của quyền lực nhà nước, các thế lực thù địch công khai chống phá quyết liệt con đường đi lên CNXH của Việt Nam…, hơn lúc nào hết, Đảng cần siết chặt tính nghiêm minh, tôn thêm sự uy nghiêm vốn có của tổ chức, đồng thời xây dựng cho được một thể chế đủ mạnh để “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.
Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” vừa xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực” (2).
Bác Hồ từng dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội chỉ phát triển bền vững khi có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ đức, đủ tài, thực sự liêm chính, tạo được chính danh. Danh chính thì ngôn mới thuận, lời nói của người cán bộ mới được Nhân dân tin tưởng, ủng hộ và thực hiện theo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào ngày 15/9/2021: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Trong thời gian gần đây, Nhân dân rất trông đợi vào công tác cán bộ của Đảng, vào sự sắp xếp, kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Được thúc đẩy từ niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Nhân dân đang rất kỳ vọng “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con” như thuyết chính danh của người xưa; kỳ vọng những tệ nạn ở đâu đó trong hệ thống công quyền sẽ được loại bỏ; kỳ vọng hệ thống pháp luật vận hành đồng bộ, trôi chảy, hạn chế đến mức thấp nhất các chồng chéo. Đó chính là nền tảng cốt lõi để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, hướng tới xây dựng đất nước đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
-------
1. Đình Tăng, Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng (bài 3), Dangcongsan.vn.
2. Nguyễn Phú Trọng, "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2023, tr.11.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/xay-dung-dang/vi-the-cua-su-ton-nghiem/245249.htm