Vị thế của trà

“Mỗi khi khách đến chơi nhà

“Mỗi khi khách đến chơi nhà

Đốt than quạt nước pha trà người xơi”

(Quan họ Bắc Ninh)

“Chén trà là đầu câu chuyện”, cho ta thấy việc đề cao vai trò của trà trong giao tiếp và thật kém lịch sự khi khách đến chơi mà không pha trà đãi khách.

Trên vùng cao, người Mông bao đời vẫn duy trì tục xát lá chè vào bàn chân trẻ con khi mới sinh để cầu mong chúng lớn lên sẽ có đôi bàn chân khỏe mạnh đi rừng lội suối tìm những gốc cây chè cổ thụ được ví như vàng xanh của rừng.

Trà cũng xuất hiện trong hôn nhân. Buổi đầu khi nhà trai qua nhà gái thưa chuyện làm quen bao giờ cũng cơi trầu, gói trà làm lễ. Nhà gái đón tiếp nhà trai cũng bằng chén trà thơm. Tiếp sau đó là lễ ăn hỏi, nhà trai mang lễ sang nhà gái cũng không thể thiếu trà và bánh. Trà và bánh của nhà trai đem đến, nhà gái sẽ chia ra và đem biếu nội tộc trong gia đình và người thân quen để báo tin con gái sắp lấy chồng.

Và cũng như thế, trong lễ cưới trà là sản vật không thể thiếu được. Bàn thờ gia tiên nhà trai và nhà gái đều chọn cặp nến và cặp trà ngon phủ giấy điều để dâng cúng tổ tiên. Khi rước dâu, nhà trai mang lễ vật đựng trong mâm son gồm trầu cau, trà, bánh, xôi gà, trái cây, tài vật và tùy hoàn cảnh mà lễ vật có thể nhiều hơn… cùng một khay rượu phủ vải điều do các chàng trai chưa vợ thanh tú, khỏe mạnh mặc lễ phục bê ngang trước ngực dẫn đầu họ nhà trai đến xin rước dâu.

Tục cô dâu và chú rể dâng trà mời cha mẹ hai bên trong ngày cưới ngày nay còn xuất hiện rất ít trong lễ đón dâu tại gia của một số gia đình mà thay vào đó chúng ta chỉ thấy lễ dâng rượu của cô dâu và chú rể với cha mẹ hai bên trong các buổi đãi tiệc ngày cưới.

Ca dao, tục ngữ phản ánh nếp sống, lối suy nghĩ bản sắc của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Tìm trong ca dao, tục ngữ chúng ta thấy nhiều câu ca nói về cây chè, vùng đất có danh trà như:

“Ai lên “Tuyên Hóa quê miềng*,
Chè xanh mật ngọt thắm tình nước non”;

Hay:

“Thuốc An Lương hương thơm, khói nhẹ
Chè Hòa Hội nước đậm, mùi thơm”;

“Ai về Hà Tĩnh thì về
Mặc áo lụa Hạ, uống chè Hương Sơn”

Trong Việt Nam phong tục - một biên khảo về các tập tục cũ của nước Viêt, học giả Phan Kế Bính có ghi Lệ Khách điếu - một cách giao thiệp trong xã hội như sau:

“Lệ Mừng: Trong làng có ai đăng khoa, hoặc bổ quan, hoặc thượng thọ, có mở tiệc mời dân làng uống rượu, thì dân làng phải có đồ mừng.

Đồ mừng hoặc dùng chè, cau, pháo câu đối, hoặc dùng tiền bạc, hoặc dùng trâu, bò, lợn gạo tùy sự vui mừng to nhỏ mà xử cách hậu bạc khác nhau.

Mừng phúng riêng: Hễ người hội nào có việc mừng hoặc có việc tang, thì cả hội phải mừng phúng. Đồ phúng đại để cũng dùng các thứ như chè, cau, trầu, rượu, vàng, hương, câu đối tùy theo bậc người cao - thấp mà xử phân biệt đôi chút. Lệ mùng phúng nào thì chủ nhà cũng phải khoản đãi lại, hoặc rượu chè, hoặc trầu nước”.

Trong đời sống, trà còn là vật phẩm để làm quà tặng, phần thưởng.

Khi các làng mở hội, thường có bày trò “Tuyên lời khánh chúc” có treo giải thưởng cho người đọc hay, truyền cảm… “Giải đầu độ dăm đồng bạc, bốn bao trà tàu,hoặc một vuông nhiễu điều, giải nhì độ hai bao trà, cái quạt tàu, hoặc một vuông nhiễu điều” - theo Việt Nam phong tục”.

“Những người làm quan, có khách đến thăm thì mời rượu chè, khoản đãi. Khách ra về lại tặng, đãi ít tiền ăn đường, hoặc kiếm thứ gì như chè thuốc, lụa nhiễu, hay đồ sản vật để làm quà” - theo Việt Nam phong tục.

Vào triều Lý, các nhà sư đã biết canh tác, trồng chè phục vụ sinh hoạt trong giới tu hành. Thiền sư Viên Chiếu (999 – 1090) là một trong 7 vị thiền sư thuộc dòng Vô Ngôn Thông thuộc Thiền tông đã có bài thơ:

Tặng quân thiên lý viễn

Tiến ngã nhất bình trà

Được người xưa dịch:

“Tiễn chân ai bước đường xa

Miệng cười đưa một bình trà tặng nhau”.

Trà có tính thanh cao thuần khiết, uống trà thanh lọc cơ thể, tạo sự tĩnh tâm nên nó gắn liền với đời sống Phật giáo, các hình thức trà thiền ngày nay được nhiều hòa thượng tổ chức và hướng dẫn cho các phật tử trong các buổi sinh hoạt Phật pháp. Các buổi trà thiền của thiền sư Nhất Hạnh đều thu hút giới trẻ tham gia.

Từ khi con người được sinh ra và sống trong đời sống thì trà luôn là một món quà quý đến với mỗi người. Và khi xa rời thế giới này trà cũng vẫn ở bên chúng ta. Tục của người Việt dùng trà khô để ướp xác đã có từ lâu đời. Trong tang lễ trà được dùng nhiều để tiếp khách và việc phúng điếu đến nay vẫn dùng phần nhiều là trà, hoa quả và hương đèn.

Ở Việt Nam trà có vị thế riêng rất đáng trân trọng nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người Việt. Nào, hãy khởi đầu chào đón năm mới bằng chén trà thơm trong thân tâm thư thái:

“Bốn phương sum họp một nhà

Miếng trầu lịch sự, chén trà trao duyên”

NGUYỄN NGỌC TUẤN - Trình bày: HỮU VI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vi-the-cua-tra-712188.html