Vì thế hệ tương lai khỏe mạnh

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Long An nói chung và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi nói riêng được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi giảm đáng kể.

Dinh dưỡng là yếu tố chính trong phát triển trẻ em, thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ tác động lâu dài, rất xấu đến sự phát triển toàn diện của trẻ

Dinh dưỡng là yếu tố chính trong phát triển trẻ em, thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ tác động lâu dài, rất xấu đến sự phát triển toàn diện của trẻ

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng

Trẻ em là nguồn nhân lực tương lai của đất nước, hạnh phúc của mỗi gia đình. Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi. Bởi, dinh dưỡng là yếu tố chính trong phát triển trẻ em, thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ tác động lâu dài, rất xấu đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu chung của Chiến lược đến năm 2020 là tiếp tục giảm tỷ lệ SDD thể nhẹ cân và thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi; bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh; giảm tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở những nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ em dưới 5 tuổi) góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam; kiểm soát hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì, góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Tại Long An, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện. Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tích cực triển khai nhiều hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Trong đó, có Chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi và cân, đo trẻ từ 0-60 tháng trên toàn tỉnh được triển khai 2 lần/năm; Hội thảo hưởng ứng Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ; các lớp tập huấn, hội thi về kiến thức thực hành nuôi con;… Bên cạnh đó, mạng lưới cán bộ chuyên trách dinh dưỡng, vitamin A tuyến tỉnh, huyện, xã và cộng tác viên Dân số, Gia đình và Trẻ em được đào tạo, cập nhật kiến thức thường xuyên. Tỉnh đầu tư đầy đủ các trang thiết bị như cân, thước đo chiều cao đứng, mô hình 4 nhóm thức ăn, dụng cụ nấu ăn trình diễn,… cho các tuyến.

Một trong những hoạt động quan trọng nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em đó là bổ sung vi chất dinh dưỡng

Một trong những hoạt động quan trọng nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em đó là bổ sung vi chất dinh dưỡng

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Thạc sĩ Võ Thị Định cho biết: “Nhờ những giải pháp, hoạt động thiết thực, sau 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng (giai đoạn 2011-2020), tỉnh đạt nhiều thành tựu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng trong cộng đồng. SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 22,8% năm 2011 giảm còn 18,2% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 đạt kế hoạch đề ra là 18,1%. SDD thể nhẹ cân từ 12% năm 2011 giảm còn 7,9% năm 2018, đạt kế hoạch đến năm 2020 là 8,5% và đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 là giảm SDD trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 10%. Kiến thức của người dân về dinh dưỡng hợp lý được nâng lên rõ rệt, bữa ăn của người dân phong phú hơn về số lượng và chất lượng. Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu năm 2015 là 26,3%, đến nay tăng 28,9%, tỉnh tiếp tục phấn đấu để đạt kế hoạch năm 2020 là 35%”.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, năm 2020, ngành Y tế tỉnh tiếp tục triển khai chiến dịch nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng; Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ; Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển; truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống SDD thể thấp còi; truyền thông nhóm và thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, nuôi con nhỏ;… Theo Thạc sĩ Võ Thị Định, một trong những nguyên nhân gây SDD cho trẻ em là việc nuôi con bằng sữa mẹ chưa đúng cách. Bởi, sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ mà không gì có thể thay thế được.

Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ - Vì một trái đất khỏe mạnh hơn” nhằm kêu gọi cộng đồng, các ngành liên quan giúp đỡ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời của trẻ. Việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết, bảo vệ trẻ thoát khỏi các căn bệnh nguy hiểm. Tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ sau 6 tháng đầu cho đến khi trẻ được 2 tuổi hoặc lâu hơn nữa kết hợp với việc cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, an toàn là phương thức nuôi trẻ tốt nhất. Chị Nguyễn Thị Diễm (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Trong những lần khám thai định kỳ tại địa phương, tôi được hướng dẫn cách nuôi con bằng sữa mẹ và tham gia những buổi thực hành dinh dưỡng. Qua đó, tôi biết được những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và cách chế biến các món ăn, thường xuyên thay đổi khẩu phần ăn để bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng cho bé”.

Tại huyện Thạnh Hóa, công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ hoặc ăn dặm, ăn bổ sung dinh dưỡng cho hợp lý đến các bà mẹ và những người nuôi con nhỏ được thực hiện thường xuyên. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa - Lê Văn Thanh thông tin: “Nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em - vì thế hệ tương lai khỏe mạnh, ngành Y tế huyện phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và cộng tác viên dinh dưỡng thường xuyên đến tận hộ gia đình cân đo, khám cho trẻ để phát hiện trẻ SDD; chú trọng việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời, bảo đảm đủ dinh dưỡng cho học sinh mẫu giáo, tiểu học và dinh dưỡng bữa ăn gia đình. Ngoài ra, chúng tôi còn đẩy mạnh xã hội hóa, phối hợp liên ngành nhằm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, góp phần thực hiện các mục tiêu dinh dưỡng tại địa phương”.

Tư vấn cho thai phụ về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

Tư vấn cho thai phụ về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

Một trong những hoạt động quan trọng nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em đó là bổ sung vi chất dinh dưỡng. Trong 2 đợt Chiến dịch bổ sung vi chất dinh dưỡng được tổ chức hàng năm, toàn tỉnh có trên 98% trẻ trong độ tuổi được uống bổ sung vitamin A và cân, đo để theo dõi tình trạng dinh dưỡng. Tổ trưởng Tổ Y tế thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành - Trần Thị Thu Lan cho biết: “Để chiến dịch được triển khai hiệu quả, ngoài chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị, dụng cụ, chúng tôi còn tăng cường công tác tuyên truyền. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống thiếu vitamin A, thiếu máu, thiếu iốt; phòng, chống SDD trẻ em; khuyến khích cải thiện bữa ăn gia đình, nhất là đối với thai phụ và trẻ em”.

Tình trạng SDD ở trẻ em ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng toàn diện của trẻ. Vì vậy, ngoài những giải pháp của các cấp, các ngành, rất cần sự chung tay của các bậc phụ huynh và cả cộng đồng nhằm bảo đảm cho mọi trẻ em có khởi đầu tốt nhất trong đời. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác dân số, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong thời kỳ mới./.

Thùy Minh

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/vi-the-he-tuong-lai-khoe-manh-a100367.html