Vị thế khoa học và công nghệ
Xuân 2022 - Trong những ngày cuối năm 2021, dù bộn bề công việc nhưng Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phan Đăng Đông vẫn dành thời gian chia sẻ với chúng tôi về một năm đầy gian khó do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, nhưng ngành KH&CN vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện các nhiệm vụ. Điều này khẳng định sự quan tâm của tỉnh và những nỗ lực, cố gắng của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành KH&CN. Giám đốc Phan Đăng Đông chia sẻ: Đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025. Nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2021 và cả nhiệm kỳ, ngành KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và triển khai 4 kế hoạch: Đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025; đăng ký và phát triển quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025; triển khai Đề án “tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế đến năm 2025. Đồng thời tham mưu ban hành Đề án khung nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen cấp tỉnh; chương trình chuyển giao tiến bộ KH&CN tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết quy định nội dung và mức chi thực hiện chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 tại tỉnh.
Dù là một tỉnh biên giới, miền núi, cực Bắc Tổ quốc, cơ sở hạ tầng và các điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, thiếu thốn, nguồn lực đầu tư hạn chế, nhưng lĩnh vực KH&CN nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, có tác động tích cực và đóng góp đáng kể vào công tác lãnh đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực đời sống xã hội. Riêng năm 2021, ngành KH&CN tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt 8 Đề tài dự án (ĐTDA), đặt hàng 3 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi thực hiện từ năm 2022 và 1 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Thực hiện quản lý 47 ĐTDA, trong đó 45 ĐTDA cấp tỉnh, 2 ĐTDA cấp bộ và phối hợp quản lý 13 nhiệm vụ cấp bộ khác. Tổ chức thẩm định 10 ĐTDA; nghiệm thu cấp tỉnh 14 ĐTDA; kiểm tra tiến độ 8 ĐTDA. Ngoài ra, Sở KH&CN đã tham gia ý kiến thẩm định 28 dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường 24 dự án; cấp 2 Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Giá trị những ĐTDA KH&CN không chỉ được đánh giá bằng công sức, trí tuệ nghiên cứu của các chuyên gia mà còn được đong đếm bằng việc ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn. Vì vậy công tác chuyển giao tiếp tục được duy trì và quan tâm. Năm qua công tác chuyển giao công nghệ tập trung vào các nhiệm vụ: Nghiên cứu hệ thống thông tin KHCN phục vụ phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống và phát triển cây Sâm cau trên địa bàn tỉnh; triển khai hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc gà xương đen trong nhiệm vụ “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà xương đen” tại xã Tả Lủng (Đồng Văn); duy trì các mô hình ứng dụng nông nghiệp trong sản xuất rau, bảo tồn dược liệu tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến…
Để đưa các mô hình, ĐTDA ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào thực tiễn, đơn giản hóa các quy trình vận hành, quản lý, thực hiện nhiệm vụ và nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, công tác thông tin tuyên truyền có vai trò quan trọng và được đặc biệt quan tâm. Năm 2021, Sở KH&CN phối hợp với Báo Hà Giang và Đài PT-TH tỉnh thực hiện được 6 phóng sự, 12 chuyên mục và hàng trăm thông tin về các hoạt động KH&CN nổi bật; Trang thông tin điện tử của sở đăng tải trên 300 tin, bài, ảnh về các hoạt động KH&CN và công bố thông tin 10 ĐTDA đã nghiệm thu. Đặc biệt, Thư viện điện tử KH&CN của tỉnh tiếp tục cập nhật lên hệ thống dữ liệu 2.357 trang tài liệu, nâng tổng số tài liệu về KH&CN đã số hóa trong thư viện lên trên 17.000 trang, gồm: 9.350 trang nghiên cứu ứng dụng KHKT; 1.1220 trang về lĩnh vực giáo dục; 1.141 trang về y học; 2.080 trang ứng dụng tiến bộ KHKT; 3.209 trang sản xuất nông nghiệp. Đây là nguồn thông tin vô cùng quý giá, hữu ích cho cán bộ và nhân dân tham khảo, nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn.
Điểm nhấn lớn nhất trong năm 2021 là BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 18 về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là “kim chỉ nam” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ ở các lĩnh vực, trong đó có ngành KH&CN để hướng tới mục tiêu cao nhất: Tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển KT-XH, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của tỉnh… góp phần sớm thực hiện 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Khó có thể đong đếm giá trị và lợi ích của KH&CN đóng góp trong công tác quản lý, điều hành của nhà nước; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX hay các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhưng trong cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, vị thế, vai trò tiên phong đổi mới, sáng tạo của KH&CN đã và đang được khẳng định, trân trọng.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202202/vi-the-khoa-hoc-va-cong-nghe-fcd3843/