Vị thế mới của nữ vận động viên
Với những đóng góp quan trọng cho nền thể thao nước nhà, các nữ vận động viên (VĐV) ngày càng được xã hội quan tâm, coi trọng. Và trường hợp hai VĐV bóng chuyền nữ vừa được tặng căn hộ, hai cầu thủ bóng đá nữ nhận tiền 'lót tay' là một bước ngoặt.
Vai trò không thể phủ nhận
Trong tổng số 205 huy chương vàng (HCV) mà đoàn thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 31 thì các nữ VĐV đóng góp hơn một nửa. Trong đó, nhiều "bóng hồng" đạt thành tích đặc biệt như: Nguyễn Thị Oanh (3 HCV môn điền kinh), Nguyễn Thị Hương (4 HCV môn canoeing), Dương Thúy Vi (2 HCV môn wushu), đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam bảo vệ thành công HCV SEA Games...
Để giành được những tấm huy chương cao quý, các VĐV phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt, tuổi thanh xuân. Câu chuyện về các nữ VĐV khổ luyện nâng cao thể lực, nén nỗi đau mất người thân, nỗ lực hồi phục sức khỏe để thi đấu SEA Games 31 sau sinh đã khiến đông đảo người hâm mộ và nhân dân vô cùng cảm phục.
VĐV Đặng Thu Hương (khiêu vũ thể thao) cho biết: "Sau sinh mổ hai tháng, tôi trở lại tập luyện và cảm nhận rõ những cơn đau. Sau đó, tôi phải xa con nhỏ để tập trung thi đấu. Nhưng niềm tự hào dân tộc chính là động lực, là tiếng gọi lớn nhất để tôi nỗ lực vượt khó vươn lên. Khi đã bước lên sàn thi đấu, tôi luôn khát khao giành được vinh quang cho Tổ quốc". Là VĐV giành HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 nhưng tiếc rằng ngay sau đó, võ sĩ kurash Tô Thị Trang phải đón nhận nỗi đau mất cha. Cô bày tỏ: "Trước khi thi đấu, tôi cùng các VĐV khác được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác phải nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên để giành chiến thắng, giành vinh quang cho bản thân và nước nhà".
Đánh giá cao sự hy sinh của các nữ VĐV thể thao, bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội khẳng định: "Đằng sau những tấm huy chương, những thành tích cao là sự hy sinh của các nữ VĐV trong cuộc sống gia đình, khi tạm gác lại vai trò làm vợ, làm mẹ, thậm chí không được ở bên người thân trong giây phút sinh ly tử biệt để hoàn thành nghĩa vụ thi đấu, mang vinh quang cho đất nước. Những thành tích mà các nữ VĐV đạt được còn có ý nghĩa cổ vũ, lan tỏa tinh thần yêu thể thao, rèn luyện sức khỏe trong cán bộ, hội viên, phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực thể thao”.
Sự ghi nhận xứng đáng
Lâu nay, những nữ VĐV có đóng góp quan trọng không thua kém các đồng nghiệp nam, nhưng xã hội vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức với họ. Bởi vậy mới đây, người hâm mộ thể thao cả nước rất phấn khởi khi hai nữ VĐV bóng chuyền Trần Thị Bích Thủy và Lê Thị Thanh Liên được Câu lạc bộ Hóa chất Đức Giang Hà Nội tặng thưởng mỗi người một căn hộ sau SEA Games 31. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, VĐV Lê Thị Thanh Liên phấn khởi cho biết: “Trước khi theo nghiệp thể thao, tôi chưa bao giờ dám nghĩ có một ngày bản thân được tặng căn hộ. Món quà vô cùng giá trị trên giúp tôi có thêm động lực để phấn đấu đạt thành tích cao cùng câu lạc bộ và đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia”.
Sau bao năm vất vả, thiệt thòi, mới đây, các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam đã tìm thấy hy vọng cải thiện đời sống từ sau hai bản hợp đồng lịch sử của Nguyễn Thị Mỹ Anh và Lê Hoài Lương. Theo đó, hai cầu thủ này trở thành những người đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam nhận "lót tay" (tiền hỗ trợ hợp đồng) khi đầu quân cho Câu lạc bộ Thái Nguyên T&T. Mỹ Anh nhận 500 triệu đồng/hai năm, còn Hoài Lương nhận 400 triệu đồng/hai năm. Trong khi đó, sau chiến tích giành vé dự World Cup nữ 2023 và bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games, các thành viên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã nhận được nhiều khoản thưởng xứng đáng từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nguồn lực xã hội. Đời sống các cầu thủ nữ từng bước được cải thiện, một số tiến tới việc kiếm thêm thu nhập từ những hợp đồng tài trợ, quảng cáo.
Bên cạnh những niềm vui trên, hiện vẫn còn nhiều trường hợp các nữ VĐV vẫn đang phải chịu thiệt thòi khi mức thu nhập chưa đủ lo toan cuộc sống hay trắng tay sau khi giải nghệ. Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Chúng tôi đang tìm cách thúc đẩy xã hội hóa thể thao, truyền thông tốt, ủng hộ hơn với nữ giới, mang lại sự công bằng về chính sách cho thể thao nữ; giúp các nữ VĐV bảo đảm cuộc sống, yên tâm cống hiến cho thể thao nước nhà. Mặc dù hiện nay đã có những mô hình liên kết với các doanh nghiệp trong việc bảo đảm công việc đầu ra cho các nữ VĐV sau khi nghỉ thi đấu đỉnh cao, song các mô hình này vẫn chỉ mang tính thời điểm, cá biệt, theo xu hướng chứ chưa mang tính chiến lược, bài bản”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/vi-the-moi-cua-nu-van-dong-vien-696617