Vị thế nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latin

Mexico được OECD đánh giá là quốc gia dẫn đầu tổ chức này trong nỗ lực giảm tỷ lệ nghèo tương đối trong giai đoạn 2012-2021. Với việc chính quyền nước này công bố thành lập 15 'Trung tâm phát triển kinh tế bền vững' đã mở ra cơ hội mới thu hút dòng vốn đầu tư chiến lược trong giai đoạn chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại lộ Reforma ở thủ đô của Mexico. (Ảnh: XINHUA)

Đại lộ Reforma ở thủ đô của Mexico. (Ảnh: XINHUA)

Báo cáo mang tên “Chính phủ trong tầm nhìn” được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố cho biết, trong khi tỷ lệ nghèo tương đối gần như không thay đổi tại phần lớn các nước thành viên, thì tại Mexico, tỷ lệ này giảm 3,9%, mức giảm cao nhất trong 38 quốc gia OECD.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra, Mexico là quốc gia thành viên OECD có tỷ lệ người dân tin tưởng vào khả năng của chính phủ trong việc cân bằng lợi ích giữa các tầng lớp xã hội cao nhất, với 63% dân số, vượt xa mức trung bình 37% của các quốc gia OECD. Đó là những bước tiến được ghi nhận của Mexico trong nỗ lực thu hẹp .

Nền kinh tế Mexico ghi nhận một số tín hiệu tích cực như tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát có xu hướng giảm, những yếu tố được cho là hỗ trợ tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, theo đánh giá của OECD, dự báo Mexico trong năm 2025 có thể chỉ đạt 0,4% - mức thấp nhất khu vực Mỹ Latin do bị ảnh hưởng từ thay đổi về chính sách thương mại của quốc gia láng giềng, đặc biệt liên quan đến năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu cũng như dòng vốn đầu tư.

Việc thắt chặt quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), cùng các biện pháp mới của Mỹ làm tăng chi phí xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng chủ lực của Mexico như ô-tô, linh kiện, thiết bị máy móc và hàng gia dụng.

Trong khi đó, tiêu dùng và đầu tư công của Mexico có dấu hiệu chững lại do chính sách thắt chặt tài khóa. Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ Mexico đã tuyên bố thành lập 15 “Trung tâm phát triển kinh tế bền vững” tại nhiều địa phương nhằm thu hút vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm đi đôi với công tác kiểm soát quá trình đô thị hóa, cũng như phát triển mô hình sản xuất công nghiệp thân thiện với môi trường.

Đây là sáng kiến do Tổng thống Claudia Sheinbaum khởi xướng nhằm giải quyết tình trạng phát triển đô thị thiếu quy hoạch đồng bộ diễn ra trong nhiều năm qua, trong đó bao gồm việc phân bổ thiếu khoa học giữa không gian địa lý khu công nghiệp và khu vực đô thị. Trung tâm này sẽ được tích hợp một cách đồng bộ giữa khu công nghiệp với hạ tầng nhà ở, giáo dục và y tế nhằm hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững tại các địa phương.

Theo lãnh đạo Mexico, các “Trung tâm phát triển kinh tế bền vững” sẽ tập trung vào việc thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, năng lượng và hạ tầng.

Nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các trung tâm này sẽ được hưởng một loạt ưu đãi thuế chưa từng có tiền lệ, trong đó 11 ngành chiến lược gồm: công nghiệp chế biến nông sản, hàng không vũ trụ, công nghiệp ô-tô, hàng tiêu dùng, dược phẩm và thiết bị y tế, điện tử-chất bán dẫn, năng lượng, hóa chất-hóa dầu, dệt may-giày dép và kinh tế tuần hoàn được hưởng các chính sách ưu đãi.

Tổng thống Claudia Sheinbaum đã công bố Luật quốc gia xóa bỏ các thủ tục quan liêu và tham nhũng nhằm giảm vấn nạn này và tạo cơ chế “một cửa” kỹ thuật số duy nhất, qua đó mang lại lợi ích cho người dân, khuyến khích hoạt động kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, Chính phủ Mexico cũng quan tâm tới lĩnh vực y tế cộng đồng.

Tổng thống Claudia Sheinbaum vừa ký sắc lệnh hợp nhất mô hình chăm sóc sức khỏe toàn dân IMSS-COPLAMAR vào hệ thống bảo hiểm xã hội quốc gia, qua đó mở rộng quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe cho hơn 8,4 triệu người dân chưa có bảo hiểm xã hội. Đây được coi là một trong những bước đi đầu tiên trong nỗ lực cải cách toàn diện hệ thống y tế Mexico, hướng tới mục tiêu bao phủ y tế toàn dân, bình đẳng và có tính đến đặc thù văn hóa-xã hội của các cộng đồng thiểu số.

Với việc tập trung vào các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và giữ ổn định kinh tế, chính quyền của bà Claudia Sheinbaum, nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mexico, đang thực hiện các cam kết nhằm củng cố vị thế của nền kinh tế số 2 khu vực Mỹ Latin và tiếp tục là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư quốc tế.

ANH THƯ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vi-the-nen-kinh-te-lon-thu-hai-my-latin-post891289.html