Vị thế Saudi Arabia trong thế giới hậu dầu mỏ
Hội nghị COP26 vừa qua, lãnh đạo các nước đều hiểu rằng thế giới không thể tiếp tục phụ thuộc vào dầu mỏ được nữa. Lượng khí phát thải nhà kính sản sinh từ các hoạt động tiêu thụ dầu mỏ đã lên đến mức báo động, và muốn làm giảm lượng khí này thì chỉ có cách chuyển đổi sang các dạng năng lượng khác.
Saudi Arabia, quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu của thế giới, cũng hiểu điều này. Nhưng liệu họ có chịu chấp nhận một tương lai với vị thế của Saudi Arabia suy giảm vì không ai dùng dầu nữa?
Quyền lực suy giảm
Dầu mỏ không chỉ đem lại sự phồn vinh cho Saudi Arabia, nó còn đem lại cả vị thế nữa. Với tư cách lãnh đạo không chính thức của OPEC, Saudi Arabia nắm trong tay quyền thao túng cả nền kinh tế thế giới.
Bên trong nhà máy lọc dầu Ras-Tanura lớn nhất Saudi Arabia.
Lấy câu chuyện hiện tại giữa Mỹ và Saudi Arabia là một ví dụ. Ngay từ trước khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giữ thái độ “lạnh nhạt” với nước này vì Saudi Arabia trực tiếp can thiệp vào nội chiến Yemen và vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa hết, thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman còn tìm mọi cơ hội để lấy lòng nguyên Tổng thống Donald Trump. Ba điều này khiến cho ông Biden khi trở thành tổng thống đã điều chỉnh chính sách ngoại giao, khiến cho Mỹ xa rời nước đồng minh truyền thống của mình.
Về phần mình, thái tử Mohammed bin Salman cũng không chịu nhường một bước. Vị thái tử đã sử dụng ảnh hưởng của mình để buộc các nước thành viên OPEC khác không tăng sản lượng khai thác dầu theo yêu cầu của Mỹ. Động thái này đánh vào đúng lúc nền kinh tế Mỹ đang mở cửa trở lại và rất cần dầu. Tổng thống Biden không hề tỏ ra nao núng trước quyền lực của Saudi Arabia, ông tuyên bố trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng 10: “Nếu các bạn muốn đổ lỗi cho ai về việc giá xăng tăng thì hãy đổ lỗi cho OPEC. Có rất nhiều nhân vật quan trọng ở Trung Đông muốn thương lượng với tôi. Tôi không muốn ngồi cùng bàn với họ. Cho dù có là đồng minh đi nữa nước Mỹ cũng sẽ không chấp nhận một hành vi lạm quyền trong thương mại như vậy”.
Thái tử Mohammed bin Salman và Saudi Arabia đang phô trương sức mạnh của mình cho thế giới, nhưng thực chất họ đang rất cần đồng minh. Chuyên gia phân tích chính trị Trung Đông Jon Hoffman (Mỹ) viết trên tờ The Diplomat: “Nền kinh tế Saudi Arabia vẫn còn phải chịu những vết thương từ việc giá dầu sụt giảm xuống số 0 năm ngoái. Trái với mọi dự đoán, việc phục hồi kinh tế đang diễn ra ở tốc độ chậm chạp… Mặt khác, các dự án nhằm “xoay trục nền kinh tế” của thái tử Mohammed bin Salman như việc xây dựng thành phố Neom cần rất nhiều vốn. Chính phủ Saudi Arabia đang bị đặt vào thế khó: họ có thể cho dừng lại tạm thời một số dự án để tổ chức lại cơ cấu vốn, nhưng làm vậy sẽ hỏng hết kế hoạch “Tầm nhìn 2030” của thái tử”.
Trong một thế giới không dầu mỏ
Riyadh hiểu rằng về lâu dài, quyền lực trên trường quốc tế của họ sẽ còn yếu đi thêm. Mà chưa cần nói đến ngoại giao, nội tình Saudi Arabia khi đấy cũng khó mà đoán định được. Saudi Arabia không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự chuyển hướng nền kinh tế để tồn tại. Đây chính là động cơ thúc đẩy thái tử Bin Salman đưa ra kế hoạch “Tầm nhìn 2030”.
Nhưng đến đây Saudi Arabia lại gặp một chướng ngại mới. Nhà báo Mỹ Jeffrey St. Clair viết: “Saudi Arabia ngoài dầu mỏ còn có trữ lượng vàng, đồng và phosphat đáng kể, nhưng tầm nhìn của Mohammed bin Salman còn lớn hơn thế. Ông ta mong muốn biến Saudi Arabia thành một trung tâm tài chính – công nghệ mới của thế giới. Vấn đề là bản thân Saudi Arabia không có mấy lợi thế so với những điểm đến khác. Riyadh có thể dùng tiền để “mua” lấy lợi thế, nhưng điều này là chưa đủ. Họ còn cần cả quyền lực mềm nữa”.
Bước đầu tiên mà Saudi Arabia chọn để xây dựng quyền lực mềm là tăng cường tầm ảnh hưởng của mình đối với nội tình các nước khác. Nếu chỉ nói riêng tại Mỹ, thái tử Bin Salman đặc phái Ali Shihabi, một người thân cận của mình đứng đầu Quỹ Saudi Arabia. Tổ chức này là cây “cầu nối” giữa giới cầm quyền Washington D.C và Riyadh. Một số không nhỏ các thành viên trong chính phủ và quốc hội Mỹ đã quen với việc tiếp xúc gần gũi với nhiều quan chức cấp cao của Saudi Arabia trong những sự kiện do Quỹ Saudi Arabia tổ chức.
Một câu chuyện tương tự đang xảy ra tại Anh. Đại sứ hiện nay của Saudi Arabia tại Anh là hoàng tử Khalid bin Bandar Al Saud, cháu họ của thái tử Bin Salman và con trai của cựu đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ Bandar bin Sultan Al Saud. Ngay từ thời trẻ Khalid đã có quan hệ gần gũi với gia đình Bush (thông qua cha mình vốn là bạn thân của Tổng thống G.W. Bush), và gia đình Trump (thông qua Vanessa Trump, con dâu của Tổng thống Donald Trump).
Sau khi đến Anh, Khalid đã khéo léo biến mình thành một phần của giới cầm quyền ở London. Đấy là những biện pháp ngoại giao truyền thống. Saudi Arabia cũng đang nhắm đến những đối tượng phi chính trị ở nước ngoài. Đơn cử như việc một trong những đối tượng được Saudi Arabia khuyến khích chuyển đến sống và làm việc tại Neom là các hãng thu âm, hãng phim, người sản xuất nội dung trên YouTube, v.v… Chính quyền sẵn sàng chu cấp cho họ, miễn là họ đưa những hình ảnh tích cực về Saudi Arabia vào sản phẩm của mình. Mặt trái của việc này là Saudi Arabia đang “nuôi” một đội quân các phóng viên, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội để “nói tốt” cho họ.
Nhà phân tích Trita Parsi của viện nghiên cứu chiến lược Quincy (Mỹ) cho biết: “Giới ngoại giao của Saudi Arabia hiểu rất rõ việc có được một hình ảnh quốc tế “sạch sẽ” quan trọng chừng nào. Ý kiến dư luận tích cực rất có thể là thứ duy nhất ngăn chặn việc họ lại bị áp đặt một lệnh trừng phạt mới vì Yemen. Tôi sẽ không nhắc đến tên ai, nhưng chắc chắn ở Mỹ có những người được Riyadh trả lương chỉ để giữ gìn hình ảnh của họ”.
Saudi Arabia đang đứng trước những chuyển biến mang tầm vĩ mô. Sự lựa chọn duy nhất của họ là tự thay đổi mình trước khi lịch sử bước sang trang mới. Nhưng những hành động mà Saudi Arabia đã làm có đem lại kết quả họ mong muốn không thì còn cần chờ thời gian.