Vi Thị Hằng: Biểu tượng của ý chí Việt Nam
Cho dù không thể giành Cúp Chiến thắng 2023, nhưng Vi Thị Hằng vẫn được người hâm mộ xem là biểu tượng của ý chí Việt Nam. Cô gái khuyết tật nhỏ nhắn này đã trải qua một năm đáng nhớ khi phá 4 kỷ lục ở ASEAN Para Games 12 và giành 1 HCB, 1 HCĐ Asian Para Games 4.
Vượt lên số phận
Vi Thị Hằng sinh năm 1990 ở Đắk Nông nhưng có quê gốc tại Thanh Hóa. Tai họa ập xuống khi cô mới 3 tháng tuổi. Ở thời điểm đó, gia đình Vi Thị Hằng nghèo khó đủ đường và cũng cách xa các trung tâm y tế. Cô không được tiêm vắc xin và bị sốt bại liệt, khiến đôi chân teo đi và không thể phát triển như người bình thường.
Lớn lên trong cảnh thiếu thốn, bản thân lại khuyết tật, Vi Thị Hằng trầm hơn bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, càng lớn, cô càng trưởng thành hơn và dần dần tìm được lẽ sống riêng của đời mình. Nhờ thế, Vi Thị Hằng thoát khỏi mặc cảm của bản thân và vươn lên. Câu nói đùa Vi Thị Hằng hay nhắc đến nhất là: “Dù trời có sập thì cũng không sao cả” phản ánh rõ nét tinh thần lạc quan của cô.
Giữ được tinh thần đúng đắn, Vi Thị Hằng theo đuổi việc học nghiêm túc. Cô cố gắng hoàn thành và tốt nghiệp cấp 3, qua đó hướng đến việc học đại học. Tuy nhiên, biến cố một lần nữa ập xuống gia đình nhỏ của Vi Thị Hằng khiến cô bỏ dở giấc mơ này để đi làm công nhân kiếm kế sinh nhai.
Sau khi cuộc sống ổn định trở lại, Vi Thị Hằng xuống TPvHồ Chí Minh học Trung cấp Công nghệ Thông tin. Sau 2 năm, cô lấy bằng và đi làm. Dù vậy, cô tiếp tục gặp khó khăn trong việc tìm công việc tốt. Chỉ được tuyển làm bàn giấy với mức lương 4 triệu đồng/1 tháng, Vi Thị Hằng chật vật bám trụ lại TP Hồ Chí Minh.
Trời không phụ lòng người. Ở lại TP.Hồ Chí Minh bươn trải giúp Vi Thị Hằng gặp những mối lương duyên, có những cơ hội mới. Một trong số đó giúp cô thay đổi hoàn toàn cuộc đời. Đó là ngôi nhà chung mang tên “Gia đình Mùa Xuân” dành riêng cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Tại đây, Vi Thị Hằng được gặp bác Trần Hoàng Minh, người hướng dẫn các bạn khuyết tật tham gia môn thể thao phù hợp với thể trạng vốn có.
Ban đầu, Vi Thị Hằng đến với bơi lội chỉ mong cải thiện sức khỏe. “Vì chân yếu nên đi bơi cho khỏe chứ không nghĩ trở thành VĐV”. Thực tế, cô cũng bắt đầu tập bơi đều đặn khi không còn quá trẻ. Đó là năm 2012, khi Vi Thị Hằng đã 22 tuổi. Không ai ngờ đó là khởi đầu cho một kình ngư cự phách của Para Games Việt Nam.
Chỉ sau 3 tháng tập bơi bài bản, Vi Thị Hằng đã có dịp tranh tài ở giải khuyết tật vô địch quốc gia. Cô khiến tất cả phải choáng váng khi ẵm 5 HCV (3 cá nhân, 2 tiếp sức). Ở dưới nước, Vi Thị Hằng như được sống với đúng ước mơ, hoài bão của mình. Cô cũng không ngại những lời nói gây tổn thương, bởi vì nước có thể che giấu… nước mắt.
“Dù bơi dưới trời nắng không có mái che, da đen nhưng mọi chuyện đều ổn vì khi ở dưới nước, chúng tôi là người khuyết tật thích làm gì cũng được, rất tự tin. Chạy, nhảy, nín thở, bơi, thậm chí khi bị căng thẳng mà la, khóc dưới nước cũng không ai biết. Chúng tôi thoải mái”, Vi Thị Hằng tâm sự.
Đi tìm niềm vui
“Chân tôi cũng bị nhẹ hơn các bạn khác nên cảm giác không ảnh hưởng nhiều về cuộc sống. Tôi sống khá tích cực, không quan tâm bị khuyết tật hay khuyết tật thì gặp khó khăn này kia. Tôi chỉ quan tâm đến việc học hỏi, cố gắng vươn lên. Tôi không tập trung nhiều vào dạng khuyết tật mà chỉ tập trung vào chất lượng cuộc sống”, Vi Thị Hằng chia sẻ.
Bơi lội nhanh chóng trở thành đam mê, là nguồn sống mới của Vi Thị Hằng. Bể bơi là nơi cô có thể thả lỏng mình nhất, cũng là nơi cô có thể thỏa thích vùng vẫy mà quên đi đôi chân không lành lặn. Thành công tại giải vô địch quốc gia giúp Vi Thị Hằng được lên tuyển. Năm 2013, cô lần đầu tham dự ASEAN Para Games và giành cú đúp HCB.
Tuổi 23 thường là quá muộn để trở thành một vận động viên đỉnh cao, nhưng với Vi Thị Hằng thì khác. Thể thao cho người khuyết tật bao dung hơn, mở rộng hơn và trao cơ hội cho tất cả những ai dám bắt đầu.
Dù vậy, không phải lúc nào Vi Thị Hằng cũng có thể đốt cháy giai đoạn. Cho dù thống trị “đường đua xanh” ở trong nước, nhưng kình ngư này phải đợi đến kỳ ASEAN Para Games thứ 3 - vào năm 2017 để giành được HCV đầu tiên. Đó là chiến thắng ở nội dung bơi 100m tự do nữ hạng thương tật S7 tại Malaysia. Sau 2 kỳ đại hội liên tiếp chỉ biết về nhì và ba, Vi Thị Hằng đã có màn trình diễn xuất sắc, bỏ xa các đối thủ để giành HCV sau 1 phút 23,99 giây - một kỷ lục mới của đại hội.
Ở thời điểm đó, kỷ lục của Vi Thị Hằng khiến bản thân cô cũng phải bất ngờ. “Tôi không nghĩ mình có thể bơi nhanh như vậy. Trước đó, kỷ lục cá nhân của tôi cũng vào khoảng 1 phút 26 giây”, kình ngư đến từ Đắk Nông nhớ lại.
Bơi lội trở thành sự nghiệp mới của Vi Thị Hằng, nhưng không thể giúp cô ổn định cuộc sống lâu dài. Sau cùng, cô quyết định vừa tập bơi, vừa đi làm xen kẽ. “Tôi gác chuyện đi làm lại nhưng đi bơi lại không có tiền vì địa phương không có chu cấp. Chỉ khi nào đi dự giải, có huy chương thì mới lấy tiền đó trang trải cuộc sống. Tôi quyết định bơi một buổi và đi làm một buổi”, Vi Thị Hằng trải lòng.
Biểu tượng của ý chí Việt Nam
Ông trời không lấy của ai tất cả. Vi Thị Hằng “mất” đôi chân vì sốt bại liệt, nhưng bù lại đôi tay vừa khỏe vừa khéo. Cô không những bơi nhanh mà còn rất khéo tay. Công việc bình thường không cho phép cô chủ động thời gian theo đuổi thể thao. Vì vậy, cô thêu tranh chữ thập để kiếm thêm thu nhập.
Khi có một khoản vốn kha khá từ tiền hưởng và việc làm thêm, Vi Thị Hằng theo học một khóa ra rập, may mẫu. Hằng nhận hàng từ các shop, lấy những mẫu áo được khách hàng đưa để cắt may theo sản phẩm yêu cầu. Làm đẹp và được lòng khách, hàng cứ về. Lúc này, Vi Thị Hằng dần quá tải và bắt đầu nghĩ đến việc mở rộng mô hình kinh doanh. Cô cũng tự nghĩ tại sao lại không giúp những người kém may mắn như mình có thêm công việc phù hợp để kiếm tiền.
Lúc đầu, Vi Thị Hằng còn ái ngại, sợ thất bại. Thế nhưng cô nhận được sự cổ vũ của bạn bè. Những người khuyết tật tìm đến Vi Thị Hằng cũng chú tâm học nghề và chuyên cần, giúp cô trở thành “cô chủ nhỏ” lúc nào không hay. Niềm vui trong cuộc sống tưởng như đầy bất hạnh của Vi Thị Hằng đã đến như thế.
Năm 2023 đánh dấu các vòng chung kết thể thao lớn đầu tiên mà Vi Thị Hằng tham gia khi đã ngoài 30 tuổi - một cột mốc mà không ít vận động viên đỉnh cao e sợ. Tuy nhiên, Vi Thị Hằng vẫn duy trì tinh thần lạc quan và phong độ vốn có, thậm chí xuất sắc hơn.
Tại ASEAN Para Games 12, Vi Thị Hằng khiến tất cả phải ngả mũ thán phục khi phá liền 4 kỷ lục để giành 4 HCV. Chưa dừng lại ở đó, cô tiếp tục giành thêm 1 HCB, 1 HCĐ Asian Para Games 4.
Trên hết, ý chí của Vi Thị Hằng không chỉ dừng lại ở việc thi đua giành thành tích cao. Ý chí của cô còn nằm ở chỗ luôn luôn hướng đến tương lai tốt đẹp nhất, làm sao để sống có ích cho xã hội và không cần dựa dẫm vào ai. Nhờ ý thức đó, cô gái nhỏ bé đến từ Đắk Nông không ngừng tiến lên trong cả cuộc sống và thể thao.
Hướng đến tương lai
Vi Thị Hằng hiểu rõ cô không thể theo đuổi sự nghiệp thể thao mãi mãi. Sẽ đến lúc cô phải dừng lại và ổn định cuộc sống như người bình thường. Trải qua những gian truân của cuộc đời, Hằng đúc kết: “Trong cuộc sống, khi gặp khó khăn, bi quan chỉ len lỏi trong thời gian ngắn. Phải tìm giải pháp khắc phục”.
“Tôi luôn tìm cách vượt qua sự tự ti. Bản thân bị khuyết tật, đi lại khó khăn, chiều cao thấp quá, không xinh đẹp thì tôi tập trung cố gắng học hỏi, cách đối nhân xử thế với mọi người, biết trước biết sau, cập nhật thông tin về xã hội, marketing,... để vừa không bị tụt hậu, vừa có thêm thu nhập ngoài bơi.
Tôi đọc sách, trau dồi kiến thức, tìm hiểu trên mạng cập nhật thông tin để phát triển công việc, vừa tìm hiểu kỹ thuật bơi phù hợp với dạng khuyết tật, tìm hiểu các mảng kiến thức trau dồi công việc làm thêm, giúp tự tin và không bị mặc cảm khuyết tật. Tôi biết vận động viên như chúng tôi chỉ có một thời gian, không kéo dài mãi được. Nhưng khi kết thúc chuyên nghiệp, bước ra đời tôi vẫn có nghề nghiệp ổn định”.
Khi gặp khó khăn, Hằng luôn tìm giải pháp chứ không nản chí và sống với phương châm:
“Không biết ngày mai sẽ ra sao nhưng dù ra sao thì cũng không sao. Lạc quan, rồi mọi chuyện sẽ ổn”.