Vị trạng nguyên nào nổi tiếng với bài toán cân voi của sứ thần Trung Quốc?

Ông cũng là tác giả bộ sách chuyên về toán học lớn nhất của nước ta thời phong kiến, được giảng dạy trong các nhà trường suốt 4 thế kỷ (từ thế kỷ 15 đến 19).

1. Ai là tác giả bộ sách chuyên về toán học lớn nhất của nước ta thời phong kiến, được giảng dạy trong các nhà trường suốt 4 thế kỷ (từ thế kỷ 15 đến 19)?

icon

Mạc Đĩnh Chi

icon

Lương Thế Vinh

icon

Phùng Khắc Khoan

Câu trả lời đúng là đáp án B: Lương Thế Vinh (1441-1496) là một trong những vị trạng nguyên xuất sắc nhất trong lịch sử khoa bảng nước ta. Ông quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định ngày nay. Sinh thời, còn được biết đến với biệt danh Trạng Lường bởi biệt tài về toán học. Lương Thế Vinh cũng được xem là vị trạng nguyên giỏi toán nhất sử Việt, tác giả của Đại Thành toán pháp – bộ sách viết chuyên về toán học đầu tiên lớn nhất trong lịch sử nước ta, được đưa vào chương trình giáo dục và khoa cử suốt hơn 400 năm.

2. Ông cũng là vị trạng nguyên nổi tiếng với bài toán cân voi của sứ thần Trung Quốc?

icon

Đúng

icon

Sai

Câu trả lời đúng là đáp án A: Một lần, đoàn sứ bộ nhà Minh sang nước ta. Vua Lê Thánh Tông cử trạng nguyên Lương Thế Vinh đón tiếp. Trưởng đoàn sứ Minh vốn nghe tiếng trạng nguyên Việt chẳng những nổi tiếng văn chương, mà còn có trí thức uyên bác về khoa học, bèn hỏi: - Có phải ông là người làm sách “Đại thành toán pháp”? Lương Thế Vinh tỏ vẻ khiêm tốn, đáp: – Vâng, đúng vậy! Nhân lúc đó có con voi đang kéo gỗ dưới sông lên, sứ Tàu bèn thách: – Vậy quan trạng có thể cân xem con voi kia nặng bao nhiêu được không? – Được ạ! Dứt lời, Lương Thế Vinh lấy chiếc cân, xăm xăm đi ra phía sông để cân voi. Sứ Tàu phì cười, nói: – Xem chiếc cân quan trạng chỉ đủ cân được cái đuôi voi thôi!” – Thì chia nhỏ voi ra nhiều phần để cân. Lương Thế Vinh trả lời, tỉnh khô. Vị chánh sứ Tàu lại châm chọc: – Ông định mổ thịt voi chắc? Nhớ phần tôi miếng gan nhé! Lương Thế Vinh không trả lời. Ông sai lính dắt voi xuống chiếc thuyền bỏ không buộc lên bờ. Voi nặng, thuyền đắm sâu xuống nước. Ông lại sai đánh dấu mép nước bên mạn thuyền, rồi dắt voi lên. Đoạn ông ra lệnh cho quân lính khuân đá bỏ vào thuyền, cho đến khi thuyền đắm ngang mực nước đã đánh dấu thì thôi. Thế rồi trạng cho bắc cân cân hết số đá trong thuyền và bảo với sứ Minh: – Đây, con voi ông chỉ, nặng chừng này cân!

3. Triều đại phong kiến nào lần đầu tiên đưa toán học vào nội dung khoa cử?

icon

Trần

icon

Hồ

icon

Hậu Lê

Câu trả lời đúng là đáp án B: Nhà Hồ chính là triều đại phong kiến đầu tiên có công đưa toán học vào nội dung khoa cử ở nước ta. Năm 1396, vua Hồ Quý Ly cho sửa lại chế độ thi cử đặt kỳ thi hương ở địa phương và thi hội ở kinh thành. Những người đã thi hội thì phải làm thêm một bài văn do vua đề ra để định vị thứ bậc, bỏ trường thi ám tả cổ văn thay bằng thi kinh nghĩa trong 4 trường thi, đặt thêm trường thứ năm thi viết chữ và Toán. Đây được xem là một đóng góp quan trọng, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của Hồ Quý Ly.

4. Vì sao Lương Thế Vinh được gọi là Trạng Lường?

icon

Ông giỏi đo lường, tính toán

icon

Ông giỏi đoán lường trước mọi việc

Câu trả lời đúng là đáp án A: Lương Thế Vinh được gọi là Trạng Lường bởi rất giỏi đo lường, tính toán. Tương truyền, thuở nhỏ có một lần ông cùng chúng bạn ngồi chơi dưới gốc cây cổ thụ, cả nhóm thách đố nhau làm thế nào để biết chiều cao của cây. Một số cho rằng chỉ có cách trèo lên ngọn cây rồi dùng dây thòng xuống đất mà đo. Riêng Lương Thế Vinh nói không cần trèo, đứng dưới đất đo bóng cây cũng tính ra. "Cậu lấy chiếc gậy cầm ở tay đo xem dài ngắn bao nhiêu rồi dựng gậy lên mặt đất và đo chiều dài bóng gậy. Tiếp đoạn, cậu đo bóng cây và sau một lát nhẩm tính đã tìm được chiều cao của cây này. Bọn trẻ không tin bèn dùng thừng nối lại, buộc hòn đá phía dưới, rồi trèo tít lên ngọn cây dong thừng xuống đất để đo. Kết quả đúng như Vinh đã tính", sách Những Trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam viết. Cách tính chiều cao này của Lương Thế Vinh ở thế kỷ 15 chính là phép đồng dạng tam giác được áp dụng ngày nay. Vị quan nước Đại Việt Lương Thế Vinh cũng từng làm sứ nhà Thanh là Chu Hy phải thán phục về tài năng tính toán. Hy yêu cầu quan Trạng cân trọng lượng của một con voi rất to. Lương Thế Vinh đưa voi lên một chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước bên thuyền, sau đó dắt voi lên. Tiếp theo, ông ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả. Chu Hy thán phục nhưng tiếp tục đố Lương Thế Vinh đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ một quyển sách. Vị quan nhà Lê đã trả lời rằng chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra kết quả. Sứ nhà Thanh khi đó đã phải thốt lên: "Nước Nam quả có lắm người tài".

5. Sinh thời, Trạng Lường đã có công sáng chế ra công cụ nào sau đây cho người Việt?

icon

Bàn tính

icon

La bàn

icon

Nam châm

Câu trả lời đúng là đáp án A: Ngoài việc viết ra bộ sách Đại thành toán pháp, Lương Thế Vinh Ông cũng được xem là người chế ra bàn tính gẩy đầu tiên cho người Việt, lúc đầu làm bằng đất rồi bằng trúc, bằng gỗ, sơn màu khác nhau, đẹp và dễ tính, dễ nhớ.

6. Ngoài Lương Thế Vinh, danh nhân nào cũng là nhân tài toán học của nước ta thời Hậu Lê?

icon

Thư

icon

Vũ Thự

icon

Vũ Hữu

Câu trả lời đúng là đáp án C: Sống cùng thời với Lương Thế Vinh, Vũ Hữu (1437-1530) quê ở Hải Dương ngày nay cũng là nhân tài toán học của nước ta thời Hậu Lê. Vốn thông minh, học giỏi từ nhỏ, ông thi đỗ Hoàng giáp vào năm 1463 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Sau khi đỗ đạt, ông làm quan thăng dần đến chức Thượng thư bộ lễ. Công trình toán học có giá trị ông để lại cho hậu thế là Lập thành toán pháp gồm cách đo ruộng, tính diện tích ruộng, hình vẽ các thửa ruộng có hình phức tạp, cách tính diện tích ruộng theo đơn vị sào, mẫu, thước…

7. Có phải trạng nguyên Lương Thế Vinh nổi tiếng từng đề xuất cách xử lý chuyện “không chồng mà chửa”?

icon

Đúng

icon

Sai

Câu trả lời đúng là đáp án A: Ngoài tài năng hơn người, sinh thời, trạng nguyên Lương Thế Vinh gắn liền với việc đề xuất lên vua Lê Thánh Tông chuyện xử lý vụ án “không chồng mà chửa”. Theo sách Hồng Đức thiện chí thư, nhà nọ có một cô gái thích một anh học trò nghèo nhưng không được đáp lại tình cảm, cô này đã tư thông với một người hàng xóm để có thai, sau lại nói với bố mẹ là thai của anh học trò nghèo. Khi bố mẹ cô gái phát đơn kiện, quan cấp không biết xử lý ra sao, vì anh học trò thì nằng nặc từ chối, còn cô gái một mực khẳng định mình có thai với anh học trò. Chuyện đến triều đình, Lương Thế Vinh đã đề xuất ra cách xử án. Theo đó ông bắt cả người hàng xóm bị nghi ngờ và anh học trò nghèo phải thề độc mình không phải là chủ nhân của cái thai trong bụng cô gái, cuối cùng chỉ mỗi anh học trò nghèo dám thề, gã hàng xóm phải thừa nhận. Từ câu chuyện này, vua Lê Thánh Tông đã cho ban hành bộ luật quy định chi tiết việc xử lý tội ngoại tình thời Hậu Lê.

8. Trạng Lường còn được coi là người đặt nền móng cho loại hình đặc sắc nào sau đây?

icon

Múa rối nước

icon

Tuồng

icon

Cải lương

Câu trả lời đúng là đáp án A: Là một người rất giỏi Nho học, sách nào cũng đọc, hiểu biết rộng, có tài năng trong lĩnh vực toán học, tôn giáo, âm nhạc…, Lương Thế Vinh chính là người soạn cuốn Đại thành toán pháp nổi tiếng, chế tạo ra bàn tính gẩy, là tác giả của Thích giáo khoa Phật kinh thập giới nói về 10 điều răn dạy của Đức Phật cùng cuốn Thiền môn giáo khoa. Ông còn tham gia soạn lễ nhạc triều đình, sáng tác âm nhạc, soạn cuốn Hý phường phả lục nói về nghệ thuật chèo như các khoán ước của phường chèo, kịch bản và diễn xuất, cách đánh trống chèo, phương pháp múa hát và đặc biệt nhất Lương Thế Vinh được coi là người đặt nền móng cho loại hình đặc sắc: múa rối nước. Không chỉ giỏi thơ văn, tính toán, Lương Thế Vinh còn thích đến với những phường hát chèo, hỏi han về tích hát, về đàn sáo, và rất am hiểu lĩnh vực nghệ thuật này. Một lần vua cho vời phường chèo đến hát mừng xuân, Lương Thế Vinh cũng vui vẻ ngồi kéo nhị và tham gia một vai diễn. Loại hình nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống có sức cuốn hút rất lớn với ông, tương truyền từ khi còn nhỏ, Lương Thế Vinh đã thích ngồi nghe cha mình thổi sáo, kéo nhị và xin được học bằng được. Với những buổi biểu diễn chèo, quanh vùng mỗi khi có tiếng trống chèo nổi lên là y như rằng Lương Thế Vinh có mặt, xem một cách say mê, thích thú và cũng từ những buổi xem chèo, mối tình đầu đã nảy nở trong trái tim con người mang trong mình chất lãng tử, mê ca hát và cuộc sống phóng khoáng, vui vẻ nơi thôn dã.

Kết quả

Bạn hãy chăm chỉ hơn nhé!

điểm

Đỗ Hợp (t/h)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-trang-nguyen-nao-noi-tieng-voi-bai-toan-can-voi-cua-su-than-trung-quoc-post1343200.tpo