Vì trật tự, an toàn giao thông

Khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, tình hình giao thông, đặc biệt là ở đô thị, đột biến trở nên trật tự.

Tại ngã tư Văn Miếu - Tôn Đức Thắng, thay vì những hình ảnh phương tiện tham gia giao thông dừng lộn xộn, vượt đèn đỏ như thường lệ, thì nay người dân đã có ý thức dừng ngay ngắn sau vạch. (Ảnh: Thành Long)

Tại ngã tư Văn Miếu - Tôn Đức Thắng, thay vì những hình ảnh phương tiện tham gia giao thông dừng lộn xộn, vượt đèn đỏ như thường lệ, thì nay người dân đã có ý thức dừng ngay ngắn sau vạch. (Ảnh: Thành Long)

Trước đó một ngày... chúng ta đã quen với sự lộn xộn khi phải đi ra đường, Các hành vi coi thường, bất tuân, thậm chí cố tình vi phạm Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ gây nguy hiểm cho người khác có thể gặp mọi lúc, mọi nơi, với các hình thức khác nhau.

Chỉ một ngày sau... khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Nghị định 168) có hiệu lực, tình hình giao thông, đặc biệt là ở đô thị, đột biến trở nên trật tự. Những hình ảnh được chia sẻ rộng rãi nhất là người tham gia giao thông tuân thủ các chỉ dẫn của vạch chỉ đường khi dừng đèn đỏ.

Nguyên nhân mấu chốt của chuyển biến đột ngột theo hướng tích cực có lẽ là do mức phạt với các hành vi vi phạm được nâng lên rất cao (từ 3 đến 30 lần mức cũ), không bỏ lọt các hành vi trước đây “tưởng” là không vi phạm: lỗi đè vạch khi dừng đèn đỏ, đeo tai nghe khi đi xe máy...

Các hình thức phát hiện, xử lý vi phạm đa dạng hơn: tăng cường phạt “nguội” qua camera giám sát giao thông, qua tiếp nhận thông tin của người dân tố giác các vi phạm... Sự kiên quyết, nghiêm minh trong xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông ngay từ ngày đầu Nghị định 168 đi vào cuộc sống đã bước đầu chữa được “bệnh nhờn luật”.

Dù trên “cõi” mạng lập tức có những lời “ca thán” về mức phạt mới được áp dụng ở Việt Nam quá cao so với các nước Đông Nam Á khác, thậm chí so với cả các nước châu Âu... Nhưng hình như các “anh hùng bàn phím” chưa thử tính xem ý thức công dân ở những nước đó cao hơn hay thấp hơn ở Việt Nam bao nhiêu lần?

Khi con số thu ngân sách từ việc phạt được công bố tăng vọt trong những ngày đầu áp dụng Nghị định 168 cũng xuất hiện những bình phẩm tiêu cực... Các “anh hùng” đó chưa tư duy được rằng: Các con số đó là hệ quả tất yếu, sinh ra sau và sẽ giảm dần khi tần suất phạt giảm bớt do số người vi phạm sẽ ít đi.

Ý thức quyết định hành vi - đó là một “định lý” đã được chứng minh. Với pháp luật về giao thông, chế tài có ý nghĩa răn đe và sẽ tác động đến ý thức của chủ thể tham gia giao thông. Việc tăng cường kiểm tra, phát hiện và tăng mức phạt với các hành vi vi phạm trước hết nhằm mục đích nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Các chế tài có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, để tự nhận thức mà “làm đầy” ý thức.

Hiệu lực, hiệu quả của “đòn bẩy” kinh tế cũng đã hiện rõ khi tác động trực tiếp đến ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông. Chỉ riêng mức phạt tiền (thậm chí) bằng một phần lớn tháng lương sẽ khiến người tham gia giao thông cẩn trọng hơn với hành vi của mình.

Hiệu ứng tích cực đã thấy rõ.

Các mặt trái khi thực hiện Nghị định 168 cũng đã được đề cập và nêu yêu cầu cảnh giác, đề phòng.

Công việc của chúng ta là tuân thủ và thực hiện nghiêm minh!

Và người dân có thể hy vọng về một Tết Ất Tỵ bắt đầu một mùa Xuân đất nước vươn mình mạnh mẽ đang đến cận kề trong an toàn, trật tự - là tiền đề để mang sự vui tươi, hạnh phúc và thành công tới cho mỗi người, cho mỗi nhà và cả xã hội.

Thiên Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-trat-tu-an-toan-giao-thong-300219.html