Vị trung úy 'gieo hạt hòa bình' ở Nam Sudan
Trung úy Sỹ Công thuộc lực lượng 'mũ nồi xanh' - đơn vị gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc - kể lại quãng thời gian gắn bó và vun đắp hòa bình ở quốc gia Đông Phi.
Trung úy Nguyễn Sỹ Công sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và công tác tại các cơ quan nhà nước. Anh kể rằng trong gia đình mình có người là liệt sĩ, có ông và bác là thương binh.
Lớn lên trong thời hòa bình của đất nước, giống thế hệ thanh niên Việt Nam ngày nay, trung úy Sỹ Công biết đến chiến tranh qua lời kể của ông bà, cha mẹ, qua những bài học lịch sử trên ghế nhà trường, qua sách báo, phim ảnh, viện bảo tàng. "Tôi dễ nhầm tưởng hòa bình là thứ sẵn có, không cần đấu tranh để đạt được", anh bộc bạch trong cuốn hồi ký Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình.
Nhìn chiến tranh để hiểu lịch sử, trân quý hòa bình
Hành trình đến với Nam Sudan và trực tiếp tham gia hỗ trợ kiến tạo hòa bình nơi mảnh đất này, đứng chân vào hàng ngũ "mũ nồi xanh", chàng bác sĩ quân y mới thấu hiểu những gì cha ông đã trải qua trong cuộc kháng chiến. Anh công tác tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại Nam Sudan từ tháng 4/2022 sau khi trải qua đợt tuyển chọn và huấn luyện sâu.
Tách ra từ quốc gia Sudan vào năm 2014, đến nay Nam Sudan vẫn là quốc gia trẻ nhất thế giới. Tình hình chiến sự tại đất nước này rất phức tạp: vừa có nội chiến giữa các phe phái trong nước, vừa có chiến tranh với những quốc gia láng giềng. Nam Sudan lại có khí hậu khắc nghiệt, thời tiết nắng nóng quanh năm, mà theo trung úy Nguyễn Sỹ Công nhớ được, trong thời gian anh công tác có lúc cao nhất lên đến 63,8 độ.
Vị bác sĩ quân y nhớ lại khoảng thời gian làm nhiệm vụ ở Sudan, khó khăn vô kể nhưng thuận lợi thì là sự hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà nước và cộng đồng quốc tế. Ở Nam Sudan chất lượng cuộc sống còn thấp, các nhu cầu đời sống bấp bênh. Trẻ em chưa đủ tuổi (thường ở độ tuổi trên 10 nhưng chưa tới 12) đã có thể bị buộc đi lính. Do đó nhiều em còn nhỏ tuổi nhưng ngoại hình cao lớn, thể chất tốt nhiều khi phải trốn tránh để không phải bị bắt đi quân dịch.
Vì cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, dịch vụ chăm sóc y tế chưa phát triển nên tình hình bệnh dịch, thiếu thuốc men là rất thường tình. Trẻ em, người già là những người yếu thế dễ chết vì bệnh tật.
Điều đặc biệt, công tác trong lực lượng mũ nồi xanh nghĩa là làm việc trong môi trường đa văn hóa, đa tôn giáo. Do đó để làm trọn nhiệm vụ đồng thời giữ được bản sắc dân tộc mình, mỗi người lính đều cần trang bị kiến thức sâu rộng về lịch sử-chính trị-văn hóa, đồng thời nuôi dưỡng một tâm hồn cởi mở, tôn trọng người khác, tôn trọng khác biệt song không hề hạ mình.
Ở Nam Sudan, trên 70% dân số không biết chữ và hệ thống giáo dục chưa hoàn bị, còn nhiều bất cập. Thầy cô giáo không có điều kiện kèm cặp sát sao, học sinh có thể đi học hoặc không. Trường học phân thành trường nam sinh và trường nữ sinh, độ tuổi nhập học không quy định chặt chẽ, nhiều trường hợp trẻ 12 tuổi mới nhập học chung với các bé 6, 7 tuổi.
Thực hiện nhiệm vụ ở nơi cách quê nhà hơn 8.000 km, những người lính không khỏi những lúc mong nhớ quê hương. Có người chỉ vì một tấm ảnh sum họp, một câu hỏi thăm của gia đình mà bật khóc, nhất là vào những dịp lễ, Tết.
Trung úy tâm sự mình là người giàu tình cảm và rất gắn bó với gia đình. Lựa chọn đến Nam Sudan là anh đã phải tập nói không với rất nhiều điều, không chỉ là những tiện nghi vật chất, mà cả những bữa cơm nhà, những ngày nghỉ quây quần bên người thân,... Ở đấy, "mì tôm là đặc sản" và chuyện ăn thực phẩm hết hạn không phải là hiếm hoi.
Những lúc ấy, anh lính trẻ phải tự động viên mình mạnh mẽ, xốc lại tinh thần bằng cách tranh thủ giao lưu với đồng đội, bạn bè và làm quen, vui chơi với các em nhỏ, người dân. Không chỉ dừng ở việc hoàn thành nhiệm vụ của một bác sĩ ở bệnh viện dã chiến là chăm sóc y tế cho lực lượng gìn giữ hòa bình và nhân viên Liên hợp quốc, từ việc quan sát cuộc sống của nhân dân Nam Sudan, trung úy Sỹ Công luôn cố gắng làm nhiều hơn nữa, tốt nhất trong khả năng cho phép.
Sỹ Công tâm niệm rằng một ngôn ngữ chung chính là cầu nối con người đến gần và thông hiểu nhau hơn. Bản thân anh trước khi lên đường làm nhiệm vụ đã trải qua một năm huấn luyện toàn diện, bao gồm việc trau dồi vốn tiếng Anh. Đến Nam Sudan, đến lượt anh dạy các em nhỏ nơi đây tiếng Anh và đôi khi cả tiếng Việt. Vị bác sĩ quân y luôn tận dụng cơ hội trò chuyện, tìm tòi để hiểu hơn văn hóa, tâm hồn của người dân Nam Sudan.
Tranh thủ lần nghỉ phép về nước, trung úy quyên gom đồ dùng, quần áo cũ, giặt giũ sạch sẽ để mang sang làm quà. Chính nhờ tấm lòng thương yêu ấy mà khi anh hoàn thành nhiệm kỳ lên đường về nước, nhiều em nhỏ nói bằng giọng tiếng Việt còn ngọng nghịu "Tạm biệt anh Công!", "Hẹn gặp lại anh Công!"... để chào người anh, người lính đã gắn bó với quê hương của các em 15 tháng.
"Hòa bình là điều mà con người ai cũng muốn, và hòa bình có thể đến với nhân loại thông qua trẻ nhỏ", quả đúng như lời nhà giáo dục người Maria Montessori được trích trong Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình.
Ước mong hòa bình cho Nam Sudan
Được ví như "Quang Linh Vlog thứ hai", trung úy chia sẻ rằng anh rất bất ngờ vì khi xây dựng kênh TikTok đã được cộng đồng lan tỏa và tích cực ủng hộ. Thời điểm anh lập kênh, TikTok đã rất phổ biến song vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Trung úy không có ekip đồng hành như nhiều người sáng tạo nội dung hiện nay, mà chỉ "tự biên tự diễn", hay chính xác hơn thì cũng không có gì phải diễn, chỉ "có gì quay nấy" với sự trợ giúp của một đồng đội cùng đơn vị.
Song khác biệt ở chỗ, Quang Linh là một người đến Angola để kinh doanh, sản xuất còn Sỹ Công là chiến sĩ lực lượng mũ nồi xanh của Liên hợp quốc đến Nam Sudan làm nhiệm vụ. Bối cảnh kinh tế - chính trị ở hai quốc gia cũng khác nhau: một đất nước hòa bình, thuộc vào diện phát triển, giàu có của châu Phi, một đất nước còn khó khăn trăm bề vì nội chiến, chiến tranh, kinh tế lạc hậu.
Trong cuốn hồi ký, hai tác giả đã trích lời nhà viết tiểu luận người Mỹ Ralph Waldo Emerson: "Hòa bình không thể đạt được qua bạo lực, nó chỉ có thể đạt được qua sự thông hiểu". Chia sẻ với Tri Thức - Znews, vị trung úy nhận định rằng ngày nay công nghệ phát triển, mạng xã hội phổ cập đã đưa người dân mọi quốc gia trên thế giới đến gần nhau hơn. Các nền tảng này đóng vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc giao lưu văn hóa mà cả trong việc phổ biến thông tin, trở thành nguồn tài liệu, tư liệu quý báu.
Nhiệm kỳ tại Nam Sudan đã xây đắp trong tim người lính Việt Nam tình yêu đặc biệt dành cho đất nước Phi châu này và con người nơi đây. Bản thân là một người trẻ, anh cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm sống nhờ qua những lần phải đưa ra quyết định, đương đầu với thách thức. Trung úy thấy mình điềm đạm và trưởng thành hơn nhờ môi trường quốc tế, áp lực cao. Trở về, anh trăn trở vì nhiều hoài bão chưa thành hiện thực.
Tuy được cộng đồng quốc tế hỗ trợ, song trung úy Sỹ Công nhận định hiện bàn đến việc "phát triển Nam Sudan" vẫn còn là một ước mơ rất xa. Bởi lẽ muốn phát triển thì trước nhất phải có hòa bình. Lập được hòa bình thì mới có thể tổ chức giáo dục, sản xuất, trồng trọt, người dân mới yên tâm kiến tạo và xây dựng đời sống.
Được phân công, trong năm nay bác sĩ sẽ trở lại Nam Sudan, có thể ở một vị trí khác, song vẫn là người lính đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, mong muốn "sống hết mình, cống hiến cho Tổ quốc để thanh xuân có ý nghĩa". Lần trở lại này, trong 50 kg hành lý được mang theo, Sỹ Công lại vun vén để có thể mang theo những món quà đậm hồn Việt Nam cho các em nhỏ nước bạn, lại trăn trở về việc canh tác, sản xuất... ở môi trường đặc biệt của quốc gia Đông Phi non trẻ.
Trả lời Tri Thức - Znews, nhà báo Nam Kha, người chấp bút cho hồi ký Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình, kỳ vọng sẽ tiếp tục được cùng chàng lính trẻ mang đến những câu chuyện "người thật việc thật" cho bạn đọc nước nhà hiểu hơn về lực lượng mũ nồi xanh và công tác gìn giữ hòa bình.
Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-trung-uy-gieo-hat-hoa-binh-o-nam-sudan-post1479816.html