Vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang đầu tiên
Lực lượng BĐBP có truyền thống hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng BĐBP đã được các địa phương đặt tên đường, tên trường. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những tập thể, cá nhân có được niềm vinh dự đó.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Trọng Tuệ, sinh năm 1917, tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Ông là lớp cán bộ cách mạng trưởng thành trong cuộc vận động thành lập Đảng và cao trào cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc và được Bác Hồ trực tiếp giáo dục, rèn luyện.
Đầu năm 1958, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an và ông được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ soạn thảo Đề án “Thành lập lực lượng Công an Biên phòng và nội địa” và ông đã trở thành Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là BĐBP.
Trong câu chuyện hàng ngày, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ vẫn thường nói với chúng tôi – Vạn sự khởi đầu nan. Những ngày đầu thành lập lực lượng CANDVT khó muôn bề, vừa củng cố xây dựng đồn, trạm Biên phòng, vừa tiễu phỉ, đánh gián điệp, biệt kích trên biên giới. Ở biên giới Việt – Trung, bọn đặc vụ, bọn phản cách mạng cấu kết với bọn phản động trong tầng lớp trên, bọn phỉ cũ ở miền núi “xưng vua” nổi phỉ, gây bạo loạn, phá hoại công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc. Chúng đã gây ra bạo loạn ở Hồ Thầu, Giao San (Lai Châu), A Lung, A Mú Sung (Lào Cai), Thanh Y (Hải Ninh), Đồng Văn (Hà Giang)..., gây ra nhiều thiệt hại về người và của, làm cho quần chúng hoang mang, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở vùng biên giới.
Còn ở biên giới Việt – Lào, đế quốc Mỹ thực hiện kiểu “chiến tranh đặc biệt” bằng cách tăng cường chi viện vũ khí, tiền bạc cho bọn phản động phái hữu chống lại cuộc chiến tranh yêu nước của nhân dân Lào. Chúng lợi dụng địa bàn Lào để tung gián điệp, biệt kích và bọn phản động Thái Mèo lưu vong vào các tỉnh biên giới miền Bắc để gây phỉ, gây bạo loạn phá hoại nước ta. Được Mỹ hỗ trợ vũ khí, tiền bạc, bọn phái hữu tăng cường hoạt động vũ trang dọc biên giới, đóng thêm từ 51 lên đến 61 đồn. Đáng chú ý, có một tiểu đoàn gồm 10 đại đội lính Thái lưu vong của Đèo Văn Long và Lò Khăn Thi chỉ huy hoạt động dọc theo biên giới Việt – Lào.
Ở giới tuyến quân sự tạm thời, Mỹ - ngụy tăng cường quân số trên đường số 9 và các đội gián điệp, biệt kích ở vùng núi, khu phi quân sự phía Nam, huấn luyện người nhái, hải phỉ ở Cửa Việt thường xuyên tung ra bờ Bắc hoạt động. Ở bờ biển, Mỹ - Diệm dùng tàu chiến ngoài khơi hoặc dùng thuyền bí mật tung gián điệp, biệt kích vào các vùng ven biển miền Bắc. Ngoài ra, địch còn liều lĩnh dùng bọn hải thuyền, biệt kích người nhái đột nhập bất ngờ, đánh phá các mục tiêu kinh tế, chính trị quan trọng, các đồn Biên phòng, đài quan sát ở khu vực cửa biển.
Ở nội địa miền Bắc sau ngày giải phóng, bọn gián điệp Pháp, Mỹ và các thế lực phản động khác đã cài cắm cơ sở lại tiếp tục lén lút hoạt động móc nối với bọn phản động đế quốc bên ngoài chống phá chế độ ta trước mắt và lâu dài. Miền Bắc thời kỳ này vẫn còn 181.821 ngụy quân, 67.834 ngụy quyền, trên 3 vạn gián điệp, chỉ điểm, phản động, cùng hàng ngàn tên phản động lợi dụng đạo Thiên chúa và dân tộc ở miền núi chống phá cách mạng. Trong khi đó, lực lượng CANDVT vừa triển khai, ngành Công an mới chuyển sang được 1.200 người, quân đội chuyển qua 12.682 người, chỉ đạt 70% quân số, vì vậy, phải dàn mỏng quân ra trên các đồn biên giới và các mục tiêu nội địa. Ngay lập tức, Tướng Phan Trọng Tuệ chỉ đạo tuyển 5.000 thanh niên trẻ, khỏe, có lý lịch trong sạch vào làm nghĩa vụ trong lực lượng CANDVT; đồng thời, tập huấn nghiệp vụ cho 135 cán bộ sơ cấp tăng cường về các đồn, trạm Biên phòng Việt – Trung, Việt – Lào và giới tuyến quân sự tạm thời. Để có cán bộ phục vụ lâu dài trong CANDVT, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã chỉ đạo cơ quan cán bộ rà soát lại số cán bộ có trình độ văn hóa cao gửi đi đào tạo tại các trường Công an nhân dân, QĐND và 15 trường đại học bên ngoài.
Thiếu tướng Huỳnh Thủ, người gắn bó với Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ nhiều năm ở Quân khu 9 trong những ngày đánh Pháp và cũng là người cộng sự với ông thực hiện Đề án xây dựng lực lượng Công an bảo vệ Biên phòng và Nội địa đã nhiều lần tâm sự: Những ngày đầu xây dựng lực lượng CANDVT thật gian khó. Ở đâu có phỉ là ở đó có mặt Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy, hết tiễu phỉ ở Đồng Văn, Hoàng Su Phì (Hà Giang) lại sang Pha Long (Lào Cai).
Đầu năm 1961, đang chỉ đạo đánh vụ án gián điệp biệt kích Phạm Chuyên (mật danh ARES) xâm nhập bằng đường biển đầu tiên thì Thiếu tướng Tuệ nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều ông sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải. Hôm chia tay với cán bộ, chiến sĩ CANDVT đi nhận nhiệm vụ mới, ông đã nhắc lại lời dặn của Bác Hồ trong những lần được gặp Bác. Bác dặn: Công tác chống gián điệp biệt kích phải do cấp ủy thống nhất lãnh đạo nhằm huy động và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quần chúng với các ngành, nhất là lực lượng Công an, Quân đội và dân quân, du kích; với phương châm đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, trong đó, lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu.
Nghe theo lời Bác dặn, lực lượng CANDVT phối hợp với các lực lượng trong ngành, cùng với toàn dân đã đánh bại cuộc chiến tranh gián điệp biệt kích của Mỹ - ngụy, bảo vệ miền Bắc XHCN, cổ vũ, chi viện cho miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà.
Gần 3 năm (1959 – 1961) làm Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng CANDVT, nay là BĐBP, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã để lại trong lòng các thế hệ người lính quân hàm xanh tình cảm mến phục, trân trọng về chân dung một vị tướng dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu; thông minh, nhạy bén, khôn khéo trong xử lý các tình huống xảy ra ở biên giới, giới tuyến; chặt chẽ, lịch lãm trong đối ngoại Biên phòng. Không những thế, ông còn là một vị tướng gần dân, thương lính.