Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", Trần Nguyên Hãn là khai quốc công thần của nhà Hậu Lê. Khi nước nhà độc lập, ông về quê, cho dựng phủ lớn, đóng thuyền to, nuôi nhiều quân lính. Những kẻ ghen ghét đã buông lời xúi giục nhà vua. Ông bị quy kết lộng hành và có âm mưu phản nghịch. Lê Lợi ra lệnh cho 42 lực sĩ xá nhân đến bắt ông về triều xét hỏi. Trên đường bị giải về kinh, Trần Nguyên Hãn bị chết đuối.
Theo sách "Lam Sơn thực lục", ông từng theo Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ đầu, lập được nhiều chiến công lớn. Tháng 3/1428, Trần Nguyên Hãn được phong là Tả tướng quốc.
Trong 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn lập nhiều chiến công lớn như giải phóng Tân Bình - Thuận Hóa (vùng đất từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế ngày nay), bao vây thành Đông Quan, hạ thành Xương Giang vào năm 1427.
Trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang tháng 9/1427, khi biết Liễu Thăng sắp mang viện binh qua, Trần Nguyên Hãn cùng Lê Sát mai phục ở ải Chi Lăng, góp công lớn vào việc chém Liễu Thăng ở núi Mã Yên. Sau đó, ông lại được Lê Lợi sai đi chặn đường tiếp tế lương thực cho đoàn quân của Liễu Thăng. Chiến công này của ông góp công lớn giúp quân Lam Sơn đánh bại đội quân cứu viện nhà Minh.
Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", sau khi ông chết, Lê Lợi cho bắt vợ con ông về kinh quản thúc, gia sản của Trần Nguyên Hãn bị tịch thu. Đến năm 1455, nhận thấy ông bị oan trái, vua Lê Nhân Tông mới ra lệnh phục chức cho Trần Nguyên Hãn, truy phong là "Phúc thần".
Trần Nguyên Hãn (1390-1429) sống ở trang Sơn Đông, nay thuộc thôn Đa Cai, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là dòng dõi của Trần Quang Khải và tư đồ Trần Nguyên Đán. Nhờ tài chỉ huy chiến trận xuất sắc, ông luôn nhận được sự tin tưởng lớn của Bình Định Vương Lê Lợi.
Theo các tư liệu lịch sử, Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi đều là cháu của quan tư đồ Trần Nguyên Đán.
Tên của ông được đặt cho nhiều đường phố tại các thành phố. Các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang… đều có đường mang tên ông.
Theo Hà Sơn/ Zing