Vì tương lai của trẻ khuyết tật
ĐBP - Dù mới chính thức hoạt động hơn 1 năm, song Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh đã trở thành ngôi trường tin cậy để các bậc phụ huynh gửi gắm con em mình. Với chức năng phát hiện sớm để tư vấn, lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; thực hiện biện pháp can thiệp sớm người khuyết tật; tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục hướng nghiệp; hỗ trợ người khuyết tật tại gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng, Trung tâm đã hỗ trợ nhiều gia đình có con em bị khuyết tật vơi bớt khó khăn, giúp các em tiến bộ, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng...
Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh hướng dẫn học sinh khuyết tật học tập những kiến thức cơ bản.
Ðến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, dưới sự hướng dẫn của Giám đốc Trung tâm, chúng tôi ghé thăm các lớp học dành cho trẻ khuyết tật. Ngay sau khi bước chân vào lớp, một cậu bé đã lao đến ôm và ghì chặt lấy tôi, chưa hết ngỡ ngàng bởi cái ôm đó thì tôi lại chứng kiến những hành vi mà tôi chưa bao giờ gặp ở các môi trường giáo dục khác. Với sự can thiệp, nhắc nhở của giáo viên, các em học sinh đã dần ổn định. Quả thực, khi đến đây và chứng kiến những cảnh tượng ấy, tôi càng cảm thông và chia sẻ với nỗi vất vả của các bậc phụ huynh và các thầy, cô giáo ở Trung tâm.
Cô Mai Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh chia sẻ: “Hiện nay Trung tâm có 50 học sinh đang theo học ở độ tuổi từ 3 - 15, với các dạng khuyết tật chủ yếu là tự kỷ, tăng động, chậm phát triển trí tuệ. Trung tâm biên chế thành 5 lớp thực hiện giảng dạy theo các chương trình: Can thiệp sớm, giáo dục tiền học đường, giáo dục kỹ năng và can thiệp cá nhân cho trẻ. Ðiều quan trọng nhất để giúp các em khắc phục những khiếm khuyết của bản thân, nhanh chóng tiến bộ những mặt còn hạn chế thì giáo viên phải thật sự hiểu trẻ; đặc biệt hiểu rõ những khó khăn, hạn chế của từng học sinh, từ đó tận tâm, kiên trì và có phương pháp giáo dục phù hợp mới có thể giúp trẻ tiến bộ từng ngày.
Qua những gì đã chứng kiến, chúng tôi càng thấu hiểu, dạy trẻ bình thường vất vả một thì dạy trẻ khuyết tật vất vả gấp nhiều lần. Thế nhưng với sự cố gắng, tận tụy của các giáo viên ở Trung tâm, nhiều em đã tiến bộ trông thấy. Một số em trước kia còn rụt rè, sợ hãi và không nhận biết được sự vật, đến nay đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp, thể hiện tình cảm; quen bạn, quen thầy và đều thích đến lớp. Nhiều em đã tiến bộ, thuộc mặt chữ, biết viết, biết phân biệt màu sắc và vẽ theo mẫu, có các kỹ năng sống...
Các bậc phụ huynh giờ đây đã phần nào được động viên, an ủi vì hàng ngày được đưa đón các con đến trường. Nhận thấy các con tiến bộ, những người cha người mẹ đã có thể nở nụ cười dõi theo con. Bà Nguyễn Hồng Thành, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) chia sẻ: Sinh ra cháu không được may mắn như con nhà người ta, tôi luôn cảm thấy thương con và đau lòng. Ban đầu đưa cháu đến trường học, chúng tôi cũng từng ngần ngại và lo lắng. Tuy nhiên, với mong muốn con được tiến bộ cùng với sự động viên, khích lệ của thầy, cô giáo, gia đình cũng yên tâm gửi gắm cháu cho nhà trường dạy dỗ. Ðược thầy, cô giáo quan tâm, kiên trì chăm sóc, giáo dục bằng cả tình yêu thương chân thành, sau vài tháng, cháu đã có nhiều tiến bộ và hào hứng đến trường học. Nhìn con tiến bộ từng ngày chúng tôi mừng lắm!
Hiện nay học sinh khuyết tật cũng được theo học các cấp học ở một số trường trên địa bàn tỉnh. Ðến Trường THCS Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) vào một ngày đầu tuần, không khí học tập tại các lớp diễn ra nghiêm túc, tích cực. Ðiều đặc biệt là ngôi trường này có gần 10 học sinh khuyết tật theo học, chủ yếu là các em bị thiểu năng trí tuệ. Sinh ra đã phải mang trong mình nhiều thiệt thòi và bất hạnh, vì thế khi được đến trường, có bạn bè, thầy cô đã trở thành niềm hạnh phúc với các em.
Cô giáo Cao Thị Ðại, Hiệu trưởng Trường THCS Him Lam cho biết: Dạy trẻ khuyết tật là một việc làm không hề đơn giản. Các thầy, cô phải kiên trì, tận tụy hướng dẫn cho các em không may mắc các chứng chậm hiểu biết sau những giờ lên lớp. Cùng với phương pháp giáo dục, việc nắm bắt tâm lý, chăm sóc các em gặp không ít khó khăn, nhưng các giáo viên đều nguyện đem hết sức mình giúp đỡ các em tiến bộ. Về phía nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để các em được tiếp cận kiến thức. Hàng năm, trường đều quan tâm trao học bổng, miễn các khoản đóng góp đối với các học sinh khuyết tật; đồng thời quan tâm, giúp các em có kỹ năng sống, tự tin vào bản thân, vượt qua mặc cảm và những rào cản của xã hội.
Trẻ khuyết tật theo học tại các trường đều được thụ hưởng chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật. Ngoài được miễn, giảm học phí, trẻ khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục còn được hưởng học bổng và hỗ trợ kinh phí mua đồ dùng học tập...
Mặc dù trong cuộc sống, trẻ khuyết tật còn gặp không ít khó khăn, song với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành; đặc biệt là ngành Giáo dục và Ðào tạo, việc đến trường đi học của các em khuyết tật không còn quá xa xôi.