Vị tướng Việt khiến Tần Thủy Hoàng phải nể phục là ai?
Lý Ông Trọng nhân vật truyền thuyết ở Việt Nam, có tài năng võ nghệ hơn người được Tần Thủy Hoàng trọng dụng và làm quân Hung Nô khiếp sợ.
Lý Ông Trọng tên thật là Lý Thân, là một nhân vật sống vào cuối đời Hùng Duệ Vương, đầu thời An Dương Vương, gốc làng Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Vào thời Hùng Vương thứ 18, Ông Trọng giữ chức nha môn huyện ấp, đời sau truyền rằng ông cao hai trượng ba thước. Với bản tính cương trực, trung hậu, thương dân nên có lần thấy tên lính huyện ác ôn đánh đập dân phu dã man, ông đã nổi giận đánh chết tên lính đó và bị triều đình khép tội chết. Nhưng vua Hùng biết sự tình nên chỉ phạt đánh đòn chứ không tử hình.
Sau trận đòn, ông thấm thía phận tôi tới và nghĩ: “Người ta có chí tráng trên đời ở trên đời, hãy nên như chim loan, chim phượng bay chín tầng trời, bay xa ngàn vạn dặm, chứ không nên quanh quẩn mãi ở đây, để cho người ta hành hạ mãi”. Từ đó, ông bỏ việc nha môn mà đi phương xa tìm các thầy giỏi mà học.
Đến ngày ông ăn học thành tài, ông liền được tiến cử đến vua Tần Thủy Hoàng. Lúc bấy giờ, giặc Hung Nô đang hoành hành ở biên ải phía Bắc, thấy Ông Trọng là người có tài võ nghệ liền cử ông đến trấn giữ đất Lâm Thao (ngày nay thuộc tỉnh Cam Túc).
Ông Trọng không những bảo vệ biên ải toàn vẹn mà còn tổ chức những đợt phản công, khiến quân Hung Nô sợ hãi đến mức chỉ nhìn thấy vị tướng này thôi cũng đủ làm kinh hồn bạt vía.
Cả vùng biên ải bình yên khiến Tần Thủy Hoàng hết đỗi vui mừng, nhà vua liền sắc phong làm Tín Hầu và gả công chúa dù ông là người ngoại tộc.
Tuy chức cao vọng trọng ở Trung Quốc nhưng Ông Trọng vẫn có một nỗi nhớ quê hương, tự trách thời trẻ sao lại phẫn chí đi phương xa. Ông xin cáo lão hồi hương vì không còn đủ sức đảm việc quân.
Khi biết tin Ông Trọng về nước, quân Hung Nô lại kéo sang đánh Tần Vương. Vua Tần lại sai sứ sang Âu Lạc mời vị tướng này. Ông Trọng không muốn đi nên vua Thục nói rằng ông đã mất. Vua Tần bất đắc dĩ phải đúc một pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng (bên trong rỗng, chứa được mấy chục người, có máy giật để cử động chân tay như thật) đặt ở cửa Kim Mã, kinh thành Hàm Dương. Giặc Hung Nô ngỡ là ông lại sang Tần nên không dám xâm lược.