Vì Ukraine, Mỹ đang 'cháy hàng' tên lửa Patriot?
Kho dự trữ tên lửa phòng không Patriot của Mỹ chỉ còn khoảng 25% so với mức tối thiểu mà Lầu Năm Góc cho là cần thiết, để đảm bảo năng lực phòng thủ quốc gia.
Theo các nguồn tin phương Tây, đây chính là lý do chính khiến Mỹ gần đây quyết định tạm dừng chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine.

Phóng tên lửa đất đối không từ hệ thống Patriot. (Nguồn: MW)
Hệ thống Patriot là một trong những vũ khí phòng không tầm xa hiện đại nhất của Mỹ, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay.
Tuy nhiên, từ năm 2022, khi chính quyền cựu Tổng thống Biden tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, số lượng tên lửa Patriot được chuyển đi đã khiến kho dự trữ trong nước bị suy giảm nghiêm trọng. Công cụ theo dõi đạn dược của Lầu Năm Góc đã nhiều lần cảnh báo kho đạn của một số loại vũ khí chủ chốt, trong đó có Patriot, đã ở dưới mức an toàn suốt nhiều năm qua.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng sau vụ Iran phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo tấn công căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ tại Qatar hôm 23/6. Các hệ thống Patriot đã phải khai hỏa hàng chục tên lửa đánh chặn để bảo vệ căn cứ, tiếp tục làm tiêu hao kho vũ khí vốn đã cạn kiệt.
Trong bối cảnh đó, Lục quân Mỹ đang đẩy mạnh kế hoạch mua sắm tên lửa mới. Theo một bản ghi nhớ gần đây, số lượng tên lửa đánh chặn PAC-3 MSE đặt mua đã tăng từ 3.376 lên 13.773 quả, gấp hơn 4 lần. Tuy nhiên, chi phí khổng lồ đi kèm lên tới 40,2 tỷ USD, với giá trung bình 3,87 triệu USD mỗi tên lửa, cũng đặt ra gánh nặng tài chính lớn.
Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng thiếu hụt vẫn là việc Mỹ liên tục viện trợ hệ thống Patriot cho Ukraine, nơi chúng bị tiêu hao nhanh chóng do phải đối phó với các cuộc tấn công dồn dập bằng tên lửa đạn đạo từ Nga.