Bước ngoặt lịch sử của thương mại toàn cầu và sự hình thành của ba khối kinh tế lớn
Cuộc chiến thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng đang hướng thế giới vào kỷ nguyên phi toàn cầu hóa, nơi ba cực kinh tế lớn nổi lên, định hình lại chuỗi cung ứng, thương mại và quyền lực địa chính trị toàn cầu.

Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Thương mại toàn cầu đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Những chính sách thuế quan mới từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không chỉ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại mà còn đẩy nhanh xu hướng phi toàn cầu hóa, dẫn đến sự hình thành rõ rệt của ba khối kinh tế lớn. Theo nhận định của Jason Ma, Phó Tổng Biên tập Weekend Editor của Tạp chí Fortune (Mỹ) mới đây, thế giới đang chuyển mình từ một nền kinh tế toàn cầu hóa sang một thế giới ba cực với Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) là những đầu tàu.
Bối cảnh hình thành ba khối kinh tế
Kỷ nguyên của những rào cản thương mại thấp và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã dần suy yếu. Mặc dù xu hướng phi toàn cầu hóa đã manh nha trước khi Tổng thống Trump khởi xướng cuộc chiến thương, nhưng các chính sách thuế quan của ông đã thực sự thúc đẩy quá trình này, khiến nhiều đồng minh của Mỹ phải đặt câu hỏi về vai trò của Washington trên trường quốc tế. Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng tuyên bố vào tháng 4 năm nay rằng "phương Tây như chúng ta từng biết không còn tồn tại nữa".
Dù Tổng thống Trump có thể đã rút lại một số mức thuế cao nhất, nhưng thuế quan vẫn sẽ là một công cụ chính sách quan trọng. Ông từng tuyên bố Mỹ sẽ đơn phương áp dụng mức thuế lên tới 70% trong những ngày tới. Trong bối cảnh đó, các nhà kinh tế tại Wells Fargo, công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia, đã phác thảo một kịch bản giả định về một thế giới được chia thành ba khối thương mại: Khối Mỹ, Trung Quốc và EU.
Wells Fargo nhận định: "Phi toàn cầu hóa bắt nguồn từ sự cạnh tranh địa chính trị và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc". Các sự kiện gần đây cho thấy khả năng phân chia sâu sắc hơn trật tự kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, việc EU theo đuổi một hướng đi địa chính trị và kinh tế riêng không còn là điều khó hiểu.
Đặc điểm của ba khối kinh tế toàn cầu
Thứ nhất, khối Mỹ: Củng cố ảnh hưởng toàn cầu. Khối Mỹ được xây dựng dựa trên nền tảng liên minh truyền thống, chia sẻ các giá trị tự do thương mại định hướng Mỹ và cam kết kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc cũng như các nền kinh tế "phi thị trường". Với chính sách "Nước Mỹ trên hết", khối này tập hợp các quốc gia sẵn sàng duy trì thương mại cởi mở nhưng trong một hệ thống do Mỹ dẫn dắt. Các quốc gia tiêu biểu gồm: Mỹ, Canada, Argentina, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Israel, Australia, New Zealand...
Lý do tham gia: Các quốc gia này được hưởng lợi lớn từ thị trường Mỹ, phụ thuộc vào đầu tư, chuỗi cung ứng và an ninh khu vực do Mỹ bảo trợ. Nhiều quốc gia cũng có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Mỹ. Một số quốc gia lựa chọn khối Mỹ để đối trọng với ảnh hưởng kinh tế – chính trị từ Trung Quốc hoặc Nga.
Thứ hai, khối Trung Quốc: Mở rộng ảnh hưởng nhờ sáng kiến Vành đai và Con đường. Khối Trung Quốc là sự kết hợp giữa các quốc gia có liên hệ kinh tế – chiến lược với Bắc Kinh, được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư hạ tầng trong sáng kiến "Vành đai và Con đường". Việc Mỹ gia tăng thuế quan và hạn chế công nghệ đã buộc Trung Quốc phải tìm kiếm thị trường thay thế và củng cố các liên minh ngoài phương Tây. Các quốc gia tiêu biểu gồm: Trung Quốc, Nga, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Kazakhstan, Uzbekistan, Pakistan, Afghanistan, Iran, Algeria, Nigeria, Syria, Venezuela....
Lý do tham gia: Các nước này nhận được hỗ trợ tài chính và hạ tầng từ Trung Quốc, hoặc bị hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ – EU (như Iran, Syria, Venezuela). Nhiều quốc gia có liên minh chính trị hoặc quan hệ đối tác chiến lược với Bắc Kinh và/hoặc Moskva, hoặc đang tìm kiếm mô hình phát triển thay thế phương Tây.
Thứ ba, khối châu Âu (EU): Tái khẳng định độc lập địa chính trị. EU đang chuyển mình từ vai trò "cầu nối" sang một cực độc lập, đặc biệt sau khi Mỹ tăng thuế đối với cả hàng hóa EU. Chính sách đơn phương của Tổng thống Trump đã khiến EU nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải độc lập về chiến lược kinh tế và công nghệ. Các nước trong khối này hướng tới xây dựng một khối ổn định, dựa trên các quy chuẩn khắt khe về môi trường, công bằng xã hội và công nghệ bền vững.
Các quốc gia tiêu biểu: 27 nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine. Lý do tham gia: Các quốc gia này chia sẻ lợi ích chung về chính sách môi trường và kiểm soát công nghệ số. Họ muốn tránh bị kẹt giữa cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung và có năng lực định hình luật lệ kinh tế toàn cầu thông qua các chuẩn mực xuất khẩu (carbon, quyền riêng tư, AI).

Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Tác động kinh tế
Sự hình thành ba khối kinh tế này sẽ có những tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu. Wells Fargo dự báo rằng những thách thức pháp lý đối với thuế quan của Tổng thống Trump cuối cùng sẽ thất bại, và mức thuế suất thực tế sẽ được ấn định khoảng 14%. Mặc dù thấp hơn nhiều so với mức 70% mà ông Trump đề xuất, con số này vẫn là một sự gia tăng đáng kể so với mức thuế suất thực tế 2,3% vào cuối năm 2024.
Để phân tích sâu hơn, Wells Fargo đã xem xét 100 quốc gia chiếm 97% GDP toàn cầu và 93% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, sau đó phân chia họ thành ba khối. Theo số liệu năm 2023, khối Mỹ chiếm khoảng một nửa GDP toàn cầu, trong khi khối EU và khối Trung Quốc mỗi khối chiếm khoảng một phần tư.
Trong kịch bản thế giới ba cực, nơi mỗi khối áp dụng mức thuế quan 15% trên toàn khối đối với các khối khác, Wells Fargo đã sử dụng Mô hình kinh tế toàn cầu Oxford để ước tính GDP thực tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 9,1% từ năm 2025 đến năm 2029, thay vì mức 11% theo kịch bản cơ sở khi thương mại về cơ bản là tự do. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới sẽ mất khoảng 3,8 nghìn tỷ USD GDP trong giai đoạn đó. Wells Fargo nhấn mạnh: "Những tác động làm giảm tăng trưởng của các loại thuế sẽ được cảm nhận trong hai năm đầu sau khi áp dụng, nhưng mức GDP toàn cầu sẽ không bao giờ trở lại mức cơ bản, ít nhất là trong giai đoạn dự báo mà chúng tôi xem xét".
Ông Jason Ma nhận định rằng ba khối kinh tế này được hình thành dưới áp lực thương mại và cạnh tranh địa chính trị mới, mỗi khối phản ánh một mô hình phát triển, hệ giá trị và liên minh chiến lược khác nhau. Trong bối cảnh phi toàn cầu hóa, sự phân chia này sẽ tái định hình chuỗi cung ứng, đầu tư và chính sách công nghệ toàn cầu – không chỉ dựa trên lợi ích thị trường đơn thuần, mà còn dựa trên liên minh và sức mạnh địa chính trị. Mỹ đại diện cho sức mạnh thương mại kết hợp quân sự, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng bằng tài chính và đầu tư hạ tầng, còn EU đặt cược vào quy chuẩn đạo đức và phát triển bền vững. Thế giới đang chứng kiến một cuộc chuyển mình sâu sắc, nơi địa chính trị ngày càng đóng vai trò then chốt trong định hình kinh tế.