Vi Văn Khu làm giàu dưới tán rừng

BHG - Thấy được lợi thế của địa phương và tiếc những diện tích đất rừng bị bỏ hoang, anh Vi Văn Khu, thôn Bản Lầu, xã Kim Linh, huyện Vị Xuyên đã mạnh dạn đề nghị với xã xin thuê hơn 10 ha đất để khai phá và trồng cây keo. Qua đó, sau 6 năm trồng, toàn bộ diện tích cây keo của gia đình đã chuẩn bị cho thu hoạch và có nhiều thương lái tới trả giá, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho gia đình.

Anh Vi Văn Khu chăm sóc đàn dê.

Anh Vi Văn Khu chăm sóc đàn dê.

Hồi tưởng lại những ngày đầu trồng keo, anh Khu chia sẻ: “Khi được xã chấp thuận cho thuê diện tích rừng để phát triển kinh tế, cùng với việc hạch toán chi phí giá tiền cây giống thì để hoàn thành trồng hơn 10 ha rừng keo cần rất nhiều khâu. Xác định đây là diện tích đất bỏ hoang lâu ngày, việc khai phá và cải tạo thực sự là những công việc khổng lồ. Để giải quyết bài toán này, bên cạnh việc vận động nguồn lực từ gia đình, mình đã thuê thêm 2 nhân công để cùng trồng và cải tạo diện tích đất đã thuê. Khi đó, mình chủ yếu tập trung trồng cây keo, cùng với những kinh nghiệm tích lũy được thì những khó khăn và thành quả mang lại đến thời điểm hiện giờ quả thật ngoài sức mong đợi…”.

Diện tích đất rừng gia đình anh Khu thuê cách nhà ở khoảng 3 km, để tận dụng diện tích đất và giải quyết việc nhàn rỗi mỗi khi lên thăm. Anh đã quyết định chăn nuôi dưới những tán rừng đã trồng. Giữa hơn 10 ha rừng keo bạt ngàn, anh chọn địa điểm có địa hình thoải, có ánh nắng và khoảng cách gần đường nhất tiến hành đặt nán và làm chuồng trại chăn nuôi dê. Anh Khu cho biết: “Việc chăn nuôi dưới tán rừng rất hiệu quả, vừa xa khu vực đông dân cư tránh được các bệnh lây nhiễm đồng thời có nguồn thức ăn sẵn có tại rừng… qua những phân tích đó, mình và vợ quyết định nuôi dê và gà thả đồi. Để thuận lợi và cho kết quả cao nhất, sau khi cây trồng được 3 năm mình tiến hành đưa toàn bộ vật nuôi lên rừng để chăn nuôi. Theo đó, hiện nay trong chuồng mình luôn duy trì nuôi 60 con dê và hơn 200 con gà thả đồi, theo hình thức nuôi gối vừa bán vừa phát triển nên thường xuyên có sản phẩm cung cấp ra thị trường…”.

Vườn Mận bắt đầu ra trái của gia đình anh Vi Văn Khu.

Vườn Mận bắt đầu ra trái của gia đình anh Vi Văn Khu.

Đánh giá về cách làm và hướng đi trong phát triển kinh tế của gia đình anh Vi Văn Khu, đồng chí Triệu Văn Nhu, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Linh cho biết: “Với những đề nghị và cách trình bày về hướng đi trong phát triển kinh tế của gia đình anh Khu, xã đã đồng ý cho anh thuê đất. Sau hơn 6 năm đi vào sử dụng, hiện diện tích đất rừng nhà anh thuê đã và đang dần phát huy được lợi thế, những cánh rừng keo của gia đình đã chuẩn bị cho thu hoạch, đặc biệt anh đã biết tận dụng việc phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, điều này vừa giúp sử dụng tối đa diện tích đất mà lại cho khoản thu nhập thường xuyên… Đặc biệt, hiện nay toàn tỉnh đang đẩy mạnh việc triển khai Chương trình cải tạo vườn tạp, thì cách làm của anh Khu là tấm gương tiêu biểu giúp xã dễ dàng tuyên truyền và nhân rộng”.

Anh Khu không chỉ được biết đến là người tiên phong trong việc trồng rừng mà còn là một hộ kinh doanh khá của địa phương. Bên cạnh tận dụng diện tích rừng, anh còn sử dụng hiệu quả diện tích đất vườn xung quanh nhà; với hơn 4 ha đất, anh đã cải tạo trồng cây ăn quả với các loại cây chính như: Mận, cam, bưởi… mỗi loại hơn 200 gốc, hiện cây mận và cam đã cho thu hoạch, mỗi vụ cũng giúp gia đình anh thu về hơn 30 triệu đồng, cùng với đó là chăn nuôi thêm cá và lợn.

Tiên phong đi đầu, kiên trì và chịu khó đã giúp gia đình anh Vi Văn Khu tìm ra được hướng đi thoát nghèo và dần vươn lên thành hộ khá, giầu. Với những kinh nghiệm và lợi thế sẵn có, hiện anh đang đăng ký với xã trong việc xây dựng và phát triển kinh tế theo các tiêu chí của Chương trình cải tạo vườn tạp nhằm xây dựng và nâng cấp diện tích vườn cũng như khuôn viên của gia đình.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202105/vi-van-khu-lam-giau-duoi-tan-rung-775457/