Vị vua duy nhất tử trận trong sử Việt là ai?

Đây là vị vua của triều đại nhà Trần, có lòng dũng cảm nhưng vì nóng vội đánh bại kẻ địch nên bại trận.

Ông chính là Trần Duệ Tông (1336-1377), tên thật là Trần Kính, là con thứ 11 của vua Trần Minh Tông.

Lên ngôi năm 37 tuổi, dù chỉ ở ngôi 4 năm nhưng thời gian trị vì ông để lại nhiều ấn tượng về tài năng, sự liêm khiết. Duệ Tông còn là vị vua hiếm có của nhà Trần với lòng quả cảm, ý thức tự lập tự cường, coi trọng thuần phong, chấn hưng Đại Việt.

Sau khi lên ngôi vua, Trần Duệ Tông chủ trương chọn người tài phục vụ quốc gia, không đề cao yếu tố tôn thất. Để đối phó với sự quấy rối từ quốc gia lân bang, quân đội dưới thời vua Trần Duệ Tông được tổ chức chặt chẽ.

Đặc biệt, ý thức dân tộc ở thời kỳ này rất được chú trọng. Vua hạ lệnh cho quân dân không được mặc áo kiểu người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm - Lào.

Trên cương vị đứng đầu dân tộc, vua Trần Duệ Tông luôn chứng tỏ mình là người cá tính và đầy quyết đoán. Trớ trêu thay, chính điều này đem lại cho ông kết cục bi thảm.

Trần Duệ Tông là vị vua duy nhất tử trận trong sử Việt. (Ảnh minh họa)

Trần Duệ Tông là vị vua duy nhất tử trận trong sử Việt. (Ảnh minh họa)

Năm 1376, chúa Chiêm là Chế Bồng Nga mang quân xâm lấn, đánh vào vùng Hóa Châu (Nghệ An). Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đi đánh, Chế Bồng Nga sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội. Nhận vàng, Đỗ Tử Bình liền giấu vua Trần mà lấy làm của riêng, lại còn bịa đặt tâu vua rằng Chế Bồng Nga vô lễ, cần phải đem quân đi hỏi tội. Duệ Tông tưởng thật, tức giận quyết định trực tiếp cầm quân đi trừng phạt.

Sau khi đánh dẹp nhiều đồn lũy của đối phương, đầu năm 1377 quân Trần vây thành Đồ Bàn - kinh đô vua Chiêm. Thấy khó chống, quân Chiêm bèn lập mưu cho người trá hàng nói Chế Bồng Nga đã bỏ trốn và chấp nhận mất thành.

Vua Duệ Tông trúng kế, ra lệnh tiến quân vào thành. Khi quân Đại Việt đến chân thành thì quân Chiêm từ 4 phía đổ ra đánh. Đại quân của vua Duệ Tông vỡ trận, bản thân vua bị giết chết khi chiến đấu trong tuyệt vọng.

Về trận đánh ở thành Đồ Bàn, Đại Việt sử kí toàn thư ghi: “Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 23, đại quân tiến đến cửa Thị Nại của Chiêm Thành, sau lên đến Thạch Kiều, đóng lại ở động Ỷ Mang. Chế Bồng Nga cho dựng trại phía ngoài thành Đồ Bàn, sai viên quan nhỏ là Mục Bà Ma đến trá hàng, nói dối là Bồng Nga đã chạy trốn, nay thành trống không. Vậy nên tiến quân gấp, chớ bỏ lỡ cơ may.

Ngày 24, vua mặc áo đen, cưỡi ngựa đen pha sắc trắng, sai Ngự Câu Vương Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kíp truyền lệnh tiến quân. Đại tướng Đỗ Lễ thấy vậy can rằng: Nó hàng là bởi trước muốn bảo toàn đất nước. Quan quân đi vào sâu để đánh phá thành là việc bất đắc dĩ, vậy xin hãy sai một biện sĩ mang thư đến hỏi tội, cốt xem hư thực ra sao, ấy cũng như kế của Hàn Tín phá nước Yên thuở xưa, không phải khó nhọc mà vẫn thành công vậy. Cổ nhân nói lòng giặc khó lường, thần xin bệ hạ hãy xét kĩ lại.

Vua nói: Ta mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi để vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu, thế là cơ trời giúp ta đó. Huống chi, nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ kháng cự. Cổ nhân nói, dùng binh cốt ở thần tốc, nay nếu dừng lại không tiến, thì đúng là trời cho mà không lấy, giặc lập cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà.

Nói rồi lấy áo đàn bà cho Lễ mặc. Quân lính bèn nối gót nhau mà đi như xâu cá, cánh trước cánh sau cách biệt, giặc thừa cơ xông ra đánh chặn. Giờ Tị quan quân tan vỡ. Vua bị hãm trong trận mà chết, bọn Đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết cả".

Cái chết giữa thành Đồ Bàn khiến vua Trần Duệ Tông trở thành vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam bị giết chết trên chiến trường, được xem là mất mát to lớn cho nước Đại Việt và nhà Trần lúc bấy giờ.

Kim Nhã

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-vua-duy-nhat-tu-tran-trong-su-viet-la-ai-ar892161.html