Vị Xuyên những ngày tháng 7
PTĐT - Như một lời hẹn ước, tháng 7 hàng năm Hà Giang lại chộn rộn bước chân của các CCB tìm về. Người còn sống thắp hương cho người đã mất, hương khói, nước mắt và nụ cười là những hình ảnh dễ gặp trên đất Hà Giang mà cụ thể là 'chảo lửa' Vị Xuyên - một trong những vùng chiến sự đẫm máu trong giai đoạn chiến tranh biên giới 1979 - 1989…
Tháng 7 năm nay, khi những người con đất Việt đang hướng trọn lòng tri ân thành kính tới kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tôi may mắn được cùng những người lính Sư đoàn 356 tỉnh Phú Thọ đã từng tham gia cuộc chiến Vị Xuyên năm xưa trở lại Hà Giang, tri ân các thương binh, liệt sĩ và dự các hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày Bộ tư lệnh mặt trận Vị Xuyên mở chiến dịch mang mật danh “MB84” (ngày 12/7/1984) nhằm thu hồi một số vị trí đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ ở khu vực hai bên bờ Tây và Đông sông Lô cận kề cửa khẩu Thanh Thủy, Vị Xuyên.
“Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”, câu hát ngân lên dọc quốc lộ 2 đưa tôi lên miền cực Bắc - miền chiến trận một thời có tên gọi Thanh Thủy - Vị Xuyên. 5 năm súng đạn, 6 tháng cao điểm, lính từ các nơi hội tụ, tiêu biểu là các sư đoàn 313, 314, 327, 356... Trao cho tôi cuốn “Sư đoàn 356 và ký ức Vị Xuyên”, ông Trương Thành Doanh-Trưởng ban liên lạc CCB mặt trận Vị Xuyên thành phố Việt Trì hồi tưởng: Tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979, ban đầu Sư đoàn 356 đóng tại huyện Bảo Thắng thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai). Đến năm 1984, khi chiến tranh đột ngột rộ lên ở Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang), Sư đoàn 356 là sư đoàn chủ lực cơ động của Quân khu 2 được điều động tham gia chiến đấu phòng ngự tại Vị Xuyên. 3h00 ngày 12/7/1984, chiến dịch MB84 chính thức mở màn. Trong trận tấn công này, lực lượng của ta phải đối mặt với dàn hỏa lực cực mạnh của đối phương trên núi cao, còn ta ở thế bị động, tấn công từ dưới lên. Hạn chế này đã khiến các mũi tấn công của ta trong trận này đều không thành công, con số thương vong khá lớn. Trong đó, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 bị tổn thất nặng nề nhất với gần 600 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh. Chính vì vậy, ngày 12 tháng 7 hàng năm được các CCB Sư đoàn 356 gọi là ngày “Giỗ trận”.Sau trận đánh, Việt Nam không lấy lại được các cao điểm đã mất, nhưng chặn được Trung Quốc thực hiện mưu đồ vượt qua ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang. Từ tháng 7/1984 trở đi, mặt trận Vị Xuyên không lúc nào ngơi tiếng súng, hai bên giành giật nhau từng vị trí trên các cao điểm. Đỉnh điểm đầu năm 1985, có ngày quân Trung Quốc bắn 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên ở chiều rộng 5km, chiều sâu 3km, biến cao điểm 685 thành “lò vôi thế kỷ”, có điểm bị bạt 3m. Bộ đội Việt Nam 7 lần thay phiên chiến đấu cấp trung đoàn, sư đoàn để giữ chốt, tổ chức bao vây, đánh lấn dũi để giành và giữ các vị trí cao điểm. Bình quân mỗi đợt đóng quân của các đơn vị kéo dài 6-9 tháng… Sau chiến tranh, Sư đoàn 356 giải thể, nhưng những CCB Sư đoàn 356 vẫn quen hẹn nhau: Dù đi đâu, làm gì thì ngày “Giỗ trận” 12 tháng 7 cũng phải gác lại, thực hiện hành trình trở về “quê hương thứ hai - Vị Xuyên” thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người đồng đội năm xưa và nhớ về một thời tuổi trẻ kiên cường giữ nước.Dịp “12 tháng 7” năm nay là kỷ niệm 35 năm ngày diễn ra trận đánh mở màn Chiến dịch MB84 nên các CCB Vị Xuyên từ khắp các nơi như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội... về thăm chiến trường xưa rất đông. Nhiều người dẫn theo vợ hoặc con, cháu. Các anh vào thăm hang Dơi - nơi tập kết thi hài các liệt sĩ khi xưa; thăm hang Làng Lò, nơi đóng quân của ban chỉ huy và cũng là hậu cứ của trung đoàn phụ trách chốt giữ phòng thủ khu vực Bắc suối Thanh Thủy nằm trong lòng một quả núi, có thể chứa được hàng ngàn quân; lính trung đoàn 856 giai đoạn 1984-1985 và lính trung đoàn 153 thời kỳ 1987 hầu như ai cũng đã từng tới đây để tắm giặt, nghỉ ngơi trước hoặc sau khi vào trận; thăm làng Pinh, một bản nhỏ nằm kề một dãy núi cao ở phía dưới cửa khẩu Thanh Thủy- nơi bố trí nhiều bộ phận công tác phục vụ cho chiến dịch như: Sở Chỉ huy, kho hậu cần, trạm phẫu, điểm dừng chân của quân ra, quân vào; thăm đỉnh Cóc Nghè-điểm giao của năm con đường tiếp vận của bộ đội ta, cũng là “Cửa tử”, vì là khu vực nguy hiểm nhất do pháo địch thường xuyên bắn chặn. Bộ đội ta từ hậu phương vào chiến hào phía trước hoặc từ phía trước đi ra hậu cứ, chủ yếu đều phải qua ngã 5 Cóc Nghè... Giới thiệu cho chúng tôi những địa danh đã từng được gọi là “lò vôi thế kỷ”, “thung lũng gọi hồn, đồi thịt băm”, “cối xay thịt”... CCB Nguyễn Đăng Hùng hiện ở phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, người từng chốt trên điểm cao 650 gần 9 tháng kể, cho đến tận bây giờ, ông không thể quên trận chiến ác liệt ngày 12/7/1984 và những ngày giữ chốt thực hiện chiến dịch “vây lấn” sau đó. Tuy nhiên, điều trăn trở, day dứt nhất của ông cùng những người đồng đội là còn rất nhiều đồng đội vẫn phải nằm lại ở giữa rừng núi, dưới những khe sâu chưa tìm được...
Trong hành trình lên Vị Xuyên đúng vào dịp tri ân liệt sĩ, tôi còn gặp những người vợ, người mẹ của những người lính đến từ Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam... Họ trầm lặng bước đi giữa hàng bia mộ, với những giọt nước mắt âm thầm, những bước chân cố gượng nhẹ, để khỏi làm đau người đang nằm sâu dưới đất. Giữa khói hương trầm mặc, các cựu chiến binh cất lên lời hát nghẹn ngào: “Về đây đồng đội ơi... Hà Giang đã ngưng chiến trận. Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào, được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình. Quân dân nồng ấm nghĩa tình... Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi. Về đây điếu thuốc lào, ấm trà chốt hồn nhiên nụ cười. Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa...”. Tác giả của ca khúc là nhạc sĩ Trương Quý Hải - cựu chiến binh Sư đoàn 356. Giống như nhiều đồng đội khác, dù phải nhọc nhằn bươn chải mưu sinh, nhạc sĩ Trương Quý Hải vẫn đau đáu nỗi niềm nhớ về những người đồng đội cũ. Đến nay anh có gần 10 ca khúc viết cho đồng đội mình, đã được tập hợp trong CD “Hát cho người còn sống” và anh được anh em trìu mến đặt cho cái tên “nhạc sĩ của sư đoàn”.Chiều 11 tháng 7, mọi người cùng nhau thắp hương trên Đài hương tưởng nhớ các liệt sỹ Sư đoàn 356 và Đền thờ các anh hùng liệt sỹ Mặt trận Vị Xuyên trên cao điểm 468. Các đài hương hiện nay chính là nơi những trận đánh xảy ra ác liệt và nhiều quân dân ta ngã xuống, máu thấm đất biên cương, là điểm ghi dấu tinh thần vệ quốc bất khuất của người Việt Nam. Năm 2016, Đài hương trên điểm cao 468 xây dựng từ công sức và tiền bạc của CCB và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356, đồng đội và thân nhân liệt sĩ làm nơi tưởng nhớ và gặp gỡ sau chiến trận. Từ đài hương trên điểm cao 468 nhìn sang bên kia cao điểm 685 có vách đá bị sạt hơn 3m, lẫn trong đó bao xương thịt những con dân Việt giữ đất biên cương. Xa nữa dãy điểm cao 1050 sừng sững miền biên Bắc; xương cốt các chiến sĩ giữ biên cương Tổ quốc năm 1984-1989 còn rải khắp những triền núi ấy.Các hoạt động chính của chuyến đi diễn ra tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên - nơi yên nghỉ của 1.797 anh hùng liệt sĩ, trong đó gần 300 ngôi mộ “chưa biết tên” và một ngôi mộ tập thể của các chiến sĩ hy sinh tại hang Sập, bình độ 400, xã Thanh Thủy. Suốt từ chiều đến đêm 11, các CCB từ khắp mọi miền đất nước về đây dự lễ thắp nến tri ân, dâng hương và Đại lễ cầu siêu do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội PGVN tỉnh Hà Giang, Giáo hội PGVN thành phố Hồ Chí Minh, gia đình nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tập đoàn các doanh nghiệp tổ chức... 40 năm đã qua đi kể từ ngày xảy ra chiến tranh biên giới 1979, 35 năm kể từ ngày mở màn chiến dịch MB84, mảnh đất Vị Xuyên đã thay da đổi thịt, “lò vôi thế kỷ” đã trở nên xanh tươi, Thanh Thủy, Thanh Hương, Thanh Đức rộn tiếng cười... Trong hành trình trở về, trong tôi mãi ngân vang giai điệu ca khúc “Hãy về đây đồng đội ơi” của Nhạc sĩ Trương Quý Hải. Những sự hy sinh anh dũng ấy sẽ mãi không bao giờ bị lãng quên!
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201907/vi-xuyen-nhung-ngay-thang-7-165889