Vị Xuyên trao 'chìa khóa' cho lao động nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Vị Xuyên đang triển khai đồng bộ, hiệu quả dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, trao cho lao động nghèo kiến thức, kỹ năng, cơ hội việc làm, giúp họ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Xác định tư vấn, giới thiệu việc làm là hoạt động quan trọng giúp người lao động (NLĐ) tiếp cận chính sách, thông tin và thị trường một cách kịp thời, từ đó tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp. UBND huyện Vị Xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên chợ giao dịch, giới thiệu việc làm lưu động tại các cụm xã, thị trấn thu hút hơn 1.100 NLĐ tham gia. Với nhu cầu tuyển dụng 10.000 vị trí việc làm ở các ngành, nghề như: Công nhân cao su, dệt sợi, may mặc, điện tử, khai thác than, khoáng sản và 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh, học nghề và nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài thông qua đi thực tập sinh và xuất khẩu lao động, có gần 200 NLĐ đăng ký đi làm việc ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động và học nghề. Chị Nguyễn Thị Nhinh, thị trấn Việt Lâm chia sẻ: “Sau khi được nghe đại diện các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm, tôi đã lựa chọn được ngành nghề phù hợp với trình độ, năng lực của bản thân và đăng ký đi làm, hy vọng công việc mới với mức thu nhập ổn định sẽ giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”.
Anh Hà Đức Mạnh, đại diện Công ty CPTM và hợp tác nhân lực TQC Quốc tế chia sẻ: “Công ty tư vấn và tuyển dụng NLĐ đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước với mức lương cơ bản từ 8 - 12 triệu đồng/tháng và xuất khẩu lao động sang các nước Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời hướng dẫn cách thức tìm hiểu, tra cứu thông tin việc làm, giải đáp thắc mắc về chính sách, chế độ cho NLĐ. Việc tổ chức các phiên chợ việc làm tại các cụm xã có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với địa bàn miền núi, giao thông khó khăn, giúp NLĐ nghèo dễ dàng tiếp cận được cơ hội việc làm tốt để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo”.
Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gồm 2 tiểu dự án là phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và hỗ trợ việc làm bền vững; trong đó tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn được giao kinh phí thực hiện đến năm 2024 là 3.467 triệu đồng. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp mở 29 lớp đào tạo nghề cho gần 1.000 học viên là NLĐ thuộc hộ nghèo, cận nghèo; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80%. Các lớp dạy nghề gồm: Trồng dưa hấu, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, trâu, bò, trồng và khai thác rừng trồng, sửa chữa máy nông nghiệp. Đối với tiểu dự án hỗ trợ việc làm bền vững, tổng kinh phí được giao thực hiện đến năm 2024 là 2.959 triệu đồng. Huyện Vị Xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về NLĐ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho NLĐ; cấp phát 80.000 phiếu thu thập thông tin NLĐ và 45.000 phiếu điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của NLĐ. Tổ chức Hội chợ giới thiệu việc làm năm 2024 với sự tham gia của 24 đơn vị, công ty tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh thu hút hơn 2.000 lượt người tham gia; tuyên truyền, tư vấn lao động, giới thiệu việc làm và định hướng cho NLĐ đi làm ở Trung Quốc theo Thỏa thuận giữa huyện Vị Xuyên và huyện Malypho, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tại 5 xã biên giới; tổ chức 5 phiên chợ giao dịch việc làm tại cụm xã.
Theo đánh giá của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 9, toàn huyện giải quyết việc làm mới cho 3.365 lao động, đạt 159% kế hoạch tỉnh giao; trong đó giải quyết việc làm tại địa phương 1.551 lao động; lao động đi làm việc ở nước ngoài và ngoài tỉnh là 1.814 người. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề đã góp phần quan trọng giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng, tay nghề để có việc làm, tự tạo việc làm, sinh kế ổn định. Đây là yếu tố quan trọng, “chìa khóa” để giảm nghèo bền vững.