Vỉa hè Hà Nội lại bị 'cày xới' ồ ạt cuối năm
Cứ cuối năm là đào xới, lát lại vỉa hè - đó là câu chuyện diễn ra ở Thủ đô Hà Nội nhiều năm qua và những ngày cuối năm năm nay cũng không ngoại lệ. Tại một số tuyến phố, tình trạng vỉa hè bị xới tung lát lại đá kéo theo bụi mù mịt, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân đang diễn ra.
Phố Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng sáng 6/1, vỉa hè bị đào xới nham nhở để ốp lại. Vật liệu xây dựng nào cát, xi măng, đá…, tập kết ngổn ngang gây cản trở việc đi lại, sinh hoạt của người dân dọc tuyến phố. Vỉa hè cũ được bóc sạch đi để lát lớp đá màu xanh. Do thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp khiến cho không khí xung quanh lúc nào cũng trong tình trạng bụi bặm.
Chị Nguyễn Thanh Xuân, chủ một quầy photo trên phố Trần Đại Nghĩa than thở: “Tôi không hiểu sao vỉa hè cũ vẫn đang tốt mà tự nhiên lại lật tung lên để lát lại. Bụi bặm, đinh tai nhức óc như công trình xây dựng”. Do vỉa hè phải thi công lại nên các phương tiện của nhiều hộ dân dọc tuyến phố Trần Đại Nghĩa phải để cả xuống lòng đường, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, trong những ngày cuối năm, vào giờ cao điểm, lượng phương tiện lưu thông cao rất dễ gây ùn tắc.
Tại khu D, tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, vỉa hè cũng được lật lên để lát đá và bó vỉa lại. Chị Cao Thúy, trú tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc thắc mắc: “Cuối năm, nhu cầu đi lại, giao dịch nhiều mà vỉa hè lại bị đào bới như thế này rất bất tiện, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tại sao cả năm không triển khai mà cứ đến dịp cuối năm mới lại làm”.
Khi lớp gạch cũ được lật lên chưa ốp lớp gạch mới, để tránh bụi bặm, người dân nơi đây thường xuyên phải dùng nước tưới lên nền cát. Không khí Hà Nội đang ô nhiễm nặng cộng với đại công trường trên vỉa hè khiến ai đi qua đây cũng phải lắc đầu ngán ngẩm.
“Tôi có cháu nhỏ mà mấy hôm nay chỉ dám cho chơi trên nhà vì xuống đường là bụi bặm không chịu được”, bác Nguyễn Thị Vĩnh, trú tại tập thể Thanh Xuân Bắc chia sẻ.
Cách đây chừng nửa tháng, nhiều tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng cũng trong tình trạng bụi bặm như “công trường” vì lát lại vỉa hè. Phố Thi Sách đã được bóc lớp gạch cũ để thay bằng lớp đá xanh, một sản phẩm được quảng cáo có độ bền đến 70 năm. Tuy nhiên, nhiều người dân trên phố Thi Sách vẫn còn nhớ, cũng đúng dịp cuối năm 2019, vỉa hè tuyến phố này cũng đã từng bị đào xới lên để lát lại nay lại tiếp tục đào xới cũng đúng vào dịp cuối năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Vỉa hè tuyến phố Hòa Mã và phố Huế, quận Hai Bà Trưng đều được “lột” lên để lát lớp nền mới.
Cải tạo vỉa hè là chủ trương của UBND TP Hà Nội được triển khai từ cuối năm 2016, mục đích là thay thế gạch lát vỉa hè bằng đá tự nhiên với tuổi thọ 50-70 năm. Tuyến phố đầu tiên là Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), rồi tới Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Giải Phóng... Song mặt đá lát chỉ sau vài tháng đã bong tróc, gãy nát. Sau khi dư luận và các phương tiện truyền thông lên tiếng, lãnh đạo TP đã chỉ đạo dừng các dự án chuẩn bị đầu tư, cải tạo vỉa hè để rà soát; giao cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.
Tháng 2/2018, Thanh tra TP Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra nêu một số bất cập trong thiết kế mẫu, loại đá dùng trong bê tông lót nền hè không thống nhất dẫn đến các dự án sử dụng kích thước đá khác nhau, ảnh hưởng chất lượng; thiếu hướng dẫn chung về quy trình thi công; một số mẫu đá lát hè không đảm bảo theo thiết kế…
Tiếp đó, đầu năm 2019, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định "thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn". Sau đó, 15 quận, huyện, thị xã đề xuất lát đá vỉa hè gần 300 tuyến đường. Nhưng cũng như đợt trước, một số tuyến phố sau khi đưa vào sử dụng có hiện tượng đá hư hại như Khuất Duy Tiến, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Văn Bô...
Việc thực hiện lát đá vỉa hè ồ ạt trên nhiều tuyến phố vào những ngày giáp Tết Nguyên đán thực sự gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân và giao thông. Hơn nữa, ngay chính Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc lát lại đá vỉa hè còn nhiều tồn tại.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, vì sao cũng cùng làm đúng quy trình, thiết kế mẫu của Sở Xây dựng Hà Nội, nhưng có quận làm tốt, có quận chưa. Ví dụ dự án lát đá chỉnh trang Hồ Gươm, các dự án tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình làm rất tốt. Bí thư Hà Nội yêu cầu cẩn trọng từ khâu chọn đá, thi công đồng bộ, không làm manh mún. Đặc biệt, đồng chí Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội tăng cường hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ, quy trình lát đá hè.
Đến cuối năm 2020, Sở Xây dựng đã kiểm tra 12 dự án lát đá vỉa hè tại 4 quận trên, bao gồm: Kiểm tra việc thực hiện áp dụng theo thiết kế mẫu hè, kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và hạ ngầm đồng bộ các tuyến hè đã và đang thi công. Sở Xây dựng cũng lấy mẫu xác suất tại các vị trí ngẫu nhiên trên các tuyến hè để kiểm tra chất lượng và chiều dày lớp kết cấu theo thiết kế được duyệt.
Theo đơn vị này, trong quá trình kiểm tra, cơ bản các nhà thầu đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên cũng có một số tuyến công tác giám sát của chủ đầu tư chưa thường xuyên, liên tục (do thi công chủ yếu ban đêm).