VICEM: 'Nỗi lòng' cổ phần hóa gắn tái cấu trúc DN

Là đơn vị nòng cốt của ngành Xi măng Việt Nam, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành Xi măng, Đảng và Chính phủ giao Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) thực hiện cổ phần hóa giai đoạn đến năm 2020 và VICEM đang trong tiến trình này. Được Chính phủ giao Tổng công ty giữ 51% vốn Nhà nước.

Các nhà máy nỗ lực tái cấu trúc toàn diện.

Các nhà máy nỗ lực tái cấu trúc toàn diện.

Nỗ lực tái cấu trúc

Theo Chủ tịch HĐTV VICEM Bùi Hồng Minh, trong thực hiện cổ phần hóa, thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa XII về tái cấu trúc DNNN, VICEM đã tái cấu trúc toàn diện gắn với cổ phần hóa DN.

VICEM giữ ngành chính là sản xuất và kinh doanh xi măng; không tham gia vào các ngành khác. Triển khai mô hình công ty mẹ đầu tư vốn (Tổng công ty VICEM), không trực tiếp kinh doanh, công ty con là đơn vị sản xuất, quy mô 5 - 7 triệu tấn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. VICEM thoái vốn và cấu trúc lại các DN không tạo ra giá trị gia tăng, sẽ thoái vốn khỏi và bán các công ty thuộc lĩnh vực vận tải và thương mại theo quy định của pháp luật.

Viết tiếp khúc ca “giải quyết” khó khăn cho các đơn vị nhập “họ” VICEM

Không chỉ là DN lớn dẫn dắt và bình ổn thị trường xi măng Việt Nam, cung cấp xi măng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước, góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội mà VICEM còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng là viết tiếp khúc ca “giải quyết” khó khăn cho các đơn vị xi măng khác làm ăn thua lỗ, để họ được nhập về VICEM, hưởng sự hỗ trợ toàn diện thoát khỏi bài toán thua lỗ kéo dài. Hiện VICEM còn 4 đơn vị lỗ lũy kế là VICEM Hải Phòng, VICEM Tam Điệp, VICEM Hạ Long và VICEM Sông Thao.

Trong 4 đơn vị đó, VICEM Hải Phòng là đơn vị của VICEM, có lịch sử hình thành và phát triển đến nay 121 năm; 3 DN còn lại là Tam Điệp, Hạ Long, Sông Thao đều là các DN làm ăn thua lỗ ở địa phương hoặc các DN khác chuyển về VICEM trong tình trạng nợ nần chống chất và làm ăn bết bát.

Ông Bùi Bùi Hồng Minh - Chủ tịch HĐTV VICEM ngậm ngùi: VICEM Hải Phòng có lịch sử 120 năm, là nhà máy xi măng đầu tiên của Việt Nam được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Nhưng qua quá trình hoạt động, nhà máy đã xuống cấp, thiết bị cũ, lạc hậu, sản lượng 400 ngàn tấn, CBCNV lên đến 4 nghìn người. Hoàn thành sứ mệnh lịch sử phục vụ xây dựng đất nước gần 100 năm tuổi, VICEM Hải Phòng buộc phải di chuyển nhà máy khỏi nội đô TP Hải Phòng tới khu Tràng Kênh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Quá trình di chuyển nhà máy với bao gian nan, vất vả, phải đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ và sắp xếp lại nguồn nhân lực. Nhưng bằng sự quyết tâm vượt khó, sự đoàn kết đồng lòng của tập thể lãnh đạo, CBCNV nhà máy, VICEM Hải Phòng đã chuyển đổi thành công tới vị trí mới, ổn định sản xuất và phát triển. Trong quá trình chuyển đổi, vốn không nhiều nên từ đó đến nay chi phí cố định lớn, phải vay bảo lãnh. 2 - 3 năm nữa VICEM Hải Phòng trả xong nợ, sẽ là đơn vị mạnh của VICEM.

Trước đây, Xi măng Tam Điệp là nhà máy do Ninh Bình đầu tư với tổng vốn đầu tư 3 nghìn tỷ đồng nhưng Ninh Bình chỉ có 30 tỷ đối ứng, còn lại 2.970 tỷ là đi vay. Số vay quá lớn. Trong bối cảnh đất nước cần xi măng để xây dựng hạ tầng, nguồn cung xi măng trong nước thiếu, nên Nhà máy Xi măng Tam Điệp được bảo lãnh vay và xây dựng với số vốn chủ sở hữu vô cùng ít ỏi. Với một DN xi măng mới, không có thương hiệu cộng vay nợ lớn, công suất nhà máy trung bình, nằm trong vùng tiêu thụ khó khăn nên từ khi vận hành Xi măng Tam Điệp luôn trong tình trạng lỗ. Khi về với VICEM, VICEM đã tái cấu trúc lại Xi măng Tam Điệp, kể từ năm 2017 - 2018 đến nay, VICEM Tam Điệp đã có lãi nhưng chưa lớn. Trong quá trình về với VICEM, Tổng công ty đã cùng VICEM Tam Điệp cố gắng trả nợ, đã trả được nợ gần 3 nghìn tỷ đồng trong gần 20 năm qua.

“Đến năm 2021, VICEM Tam Điệp sẽ trả hết nợ. Một bước đi táo bạo trong đề án tái cấu trúc mà VICEM đang thực hiện hiệu quả đó là sát nhập thương hiệu, đưa VICEM Tam Điệp sát nhập với thương hiệu VICEM Bỉm Sơn. Chắc chắn 2 năm nữa, VICEM Tam Điệp sẽ mạnh mẽ trở lại”, Chủ tịch HĐTV VICEM nhấn mạnh.

Trước khi về với “họ” VICEM, Nhà máy Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế rất lớn, làm ăn bết bát, bên bờ vực phá sản. Trong bối cảnh khó khăn ấy, một lần nữa VICEM lại giang tay ra cứu Xi măng Hạ Long khỏi rơi xuống vực. Sát nhập về VICEM, Ban lãnh đạo VICEM chỉ đạo quyết liệt, sát sao, đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện, đã trả nợ cho Bộ Tài chính 1.500 tỷ đồng. Trước khi về VICEM, nhà máy luôn lỗ mỗi năm trên 250 tỷ. Nay về với VICEM, từ năm 2019 đã có lãi.

VICEM Sông Thao trước khi về với VICEM cũng nỗ nặng, năm lỗ lớn nhất lên đến 99 tỷ đồng. Đến năm 2019, VICEM Sông Thao đã có lãi 30 tỷ.

Vì sao VICEM lại nhận các DN thua lỗ về để chia sẻ khó khăn? Theo Chủ tịch HĐTV VICEM, người VICEM vốn quen làm xi măng, khi nhận các nhà máy trên về thì được sản lượng tăng, góp phần đưa VICEM trở thành DN xi măng có sản lượng lớn nhất Đông Nam Á; đồng thời được tăng thương hiệu và thị trường. Với 35% thị phần, VICEM trở thành DN hàng đầu, có nhiệm vụ bình ổn thị trường và dẫn dắt ngành Xi măng Việt Nam.

Đẩy mạnh chương trình đổi mới sáng tạo

Trong bối cảnh 5 tháng đầu năm 2020, sản xuất kinh doanh của Ngành gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thời tiết diễn biến bất thường, Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV, Ban Tổng giám đốc nhận định chỉ có phát huy các chương trình đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh mới giúp VICEM vượt lên khó khăn.

VICEM đã ký hợp tác “Tuyên bố Hà Nội” với FLSmidth (Đan Mạch) đưa thông điệp hai bên sẽ phối hợp phát kiến, phát minh công nghệ sản xuất xi măng thế hệ mới với chủ đề “Không phát thải - tuần hoàn tự nhiên”. Hiện hai bên đang tích cực hợp tác triển khai mạnh mẽ.

Các chương trình đổi mới sáng tạo được VICEM và các đơn vị thành viên tích cực triển khai từ sản xuất clinker low carbon đến tận dụng bùn thải, xỉ nhôm, tro xỉ, rác thải công nghiệp làm nguyên nhiên liệu thay thế trong quá trình sản xuất clinker. Chương trình đốt rác thải làm nhiên liệu thay thế than đạt kết quả tích cực trong tháng 5/2020 như VICEM Bút Sơn thay thế 9,98% so với tổng nhiệt tiêu hao của dây chuyền 1 và 12,81% so với tổng nhiệt tiêu hao ở dây chuyền 2. VICEM Hoàng Thạch thay thế 2,97% so với tổng nhiệt tiêu hao; cao nhất là Bình Phước của VICEM Hà Tiên 1 với mức thay thế lên đến 20,57% so với tổng nhiệt tiêu hao.

VICEM tiếp tục tái cấu trúc DN, quy mô đủ lớn, giảm chi phí cố định, tăng hiệu quả các nhà máy xi măng. Từng bước số hóa các nhà máy xi măng, số hóa đến cả khâu tiêu thụ, kiểm soát đường đi của vận tải như uber. Nhờ tái cấu trúc mà sản xuất tối ưu hóa tăng lên trên 10% công suất. Nói cách khác không bỏ tiền đầu tư thêm mà tiết kiệm được 2 triệu USD, tạo thêm được 2 triệu tấn clinker nhờ tối ưu hóa trong sản xuất một số DN của VICEM có tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu vượt khối liên doanh. Xi măng VICEM cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu xi măng liên doanh.

Dẫu con đường lịch sử đã đi qua nhiều thăng trầm nhưng cũng đầy thành tích kỳ vĩ, ghi dấu sự nỗ lực của tập thể VICEM cố gắng không ngừng thực hiện lời Bác “Hãy sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc”. Các cán bộ công nhân toàn VICEM vẫn đang nỗ lực đêm ngày đưa VICEM phát triển, giữ vững vai trò đầu tầu trong ngành Xi măng Việt Nam.

Vũ Huyền

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vicem-noi-long-co-phan-hoa-gan-tai-cau-truc-dn-282221.html