VICEM với 'nỗi lo' đất vàng dù kinh doanh lãi 'khủng'

Trước đây, khi vừa 'chân ướt chân ráo' bước vào đầu tư các lĩnh vực khác, ngoài sản xuất xi măng, lãnh đạo Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) nhận thấy, việc đầu tư ngoài ngành gặp khó khăn. 'Tỉnh ngộ' sớm nên giai đoạn 2014 - 2015, VICEM đã tính trì hoãn hoặc giãn các dự án đầu tư. Đa phần các dự án mới chỉ ở giai đoạn thiết kế trên giấy hoặc xin chủ trương, thủ tục đầu tư, nên số tiền Tổng Công ty bỏ ra đối với các dự án này không nhiều.

VICEM khát vọng phát minh công nghệ xi măng mới.

VICEM khát vọng phát minh công nghệ xi măng mới.

Trước năm 2010, khi mà phong trào đa dạng hóa đầu tư “rộ lên”, VICEM cũng tham gia đầu tư ngoài ngành như bất động sản, gạch không nung Đông Hồi, cao su… Đối với lô đất tại khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội) có diện tích 8.476m2. Đây là lô đất được UBND Thành phố Hà Nội giao cho Tổng Công ty (Quyết định 5386/QĐ-UBND ngày 1/11/2010) để thực hiện dự án đầu tư Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM với thời hạn 50 năm kể từ ngày 1/11/2010.

Theo các phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất đã được Bộ Xây dựng phê duyệt từ năm 2015, cho phép Tổng Công ty được giữ lại đất để tiếp tục sử dụng xây dựng dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM.

Lô đất 52.083m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) gồm 4 khu được VICEM quản lý sử dụng từ năm 1959 (Trong đó khu 1 với diện tích 15.091m2 là phần kho tàng, bến bãi; khu 2 diện tích 17.381m2 đã được UBND Thành phố Hà Nội cho Tổng Công ty và các đơn vị trực thuộc thuê; khu 3 có diện tích 5.893m2 làm trụ sở và nhà để xe; khu 4 với diện tích 10.982m2 đã được UBND Thành phố Hà Nội cho Tổng Công ty và các đơn vị trực thuộc thuê).

Ngày 4/7/2012, VICEM có Quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy với mục tiêu đầu tư khu nghiên cứu và phát triển, khu tổng hợp bao gồm văn phòng làm việc tư vấn, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, thí nghiệm và thực nghiệm kết hợp với việc kinh doanh cho thuê văn phòng, thương mại và khu lưu trú.

Còn lô đất 166.527m2 tại khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) được giao cho VICEM để xây dựng nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi với thời hạn thuê đến ngày 22/7/2060. Như vậy, cả 3 dự án trên đều được đầu tư hoặc phê duyệt trước năm 2017.

Chia sẻ về việc xử lý các tồn tại khi đầu tư các dự án bất động sản - đầu tư ngoài ngành từ trước năm 2017, Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM đánh giá: VICEM sẽ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, cũng như Quyết định 868/QĐ-BXD ngày 22/10/2019 phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Xi măng Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025. VICEM sẽ không tham gia đầu tư ngoài ngành, điều chỉnh lại các dự án cho phù hợp với định hướng phát triển, tập trung chính vào trung tâm giá trị là các nhà máy xi măng.

Đối với dự án tại lô đất 10E6 khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội), VICEM đề xuất thay đổi từ “tiếp tục xây dựng dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án” theo Nghị định 91 của Chính phủ. Đề xuất này đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương, nhưng Tổng Công ty đang hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM, dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu là 2.700 tỷ đồng. Đến năm 2015, VICEM nhận thấy đầu tư kinh doanh bất động sản không thuộc ngành nghề của mình. Lúc lập dự án thị trường là 40 USD/m2. Nhưng hiện tại chỉ còn hơn khoảng hơn 20 USD. Năm 2016, chúng tôi đã đề nghị chuyển nhượng theo đúng trình tự của pháp luật.

“Từ lúc chủ trương cho chuyển nhượng đến nay đã 4 năm vẫn còn vướng thủ tục, vẫn chưa xong. Lúc đầu, chúng tôi tính để lại để sử dụng và đầu tư, nhưng sau khi xem xét hiệu quả kinh tế, xem xét lại ngành nghề thì thấy, nếu cứ để thì việc kinh doanh bất động sản này sẽ không hiệu quả và cũng “không quen" nên tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển nhượng dự án”, Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM nhấn mạnh.

Được biết, khu đất ở Đông Hồi, trước đây VICEM định đầu tư gạch không nung. Nhưng đến năm 2014, khi thị trường đi xuống và tiêu thụ gạch nông nung gặp khó nên VICEM quyết định không đầu tư nữa. Doanh nghiệp xin nhận chuyển nhượng khu đất này chính là VICEM Hoàng Mai. Tuy nhiên, hiện vẫn còn đang hoàn thiện trình tự thủ tục pháp luật.

Tương tự với khu đất 122 Vĩnh Tuy (Hà Nội), theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Bùi Hồng Minh, cách đây 10 năm, Tổng Công ty định xây dựng trung tâm thực nghiệm, nhưng đến bây giờ xem lại tổng mức đầu tư dự kiến quá lớn. “Mong muốn VICEM có trung tâm thực nghiệm như châu Âu là rất khó”, ông Minh nhấn mạnh.

VICEM không kinh doanh ngoài ngành.

VICEM không kinh doanh ngoài ngành.

Theo ông Bùi Hồng Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM, từ năm 2018, thực hiện đề án, phương án tái cơ cấu Tổng Công ty gắn với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, trong đó xác định vấn đề tái cấu trúc là cốt lõi để Tổng Công ty phát triển. Đây chính là giai đoạn VICEM được “cởi trói” về cơ chế, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ để vươn lên trở thành doanh nghiệp có khả năng cạnh trạnh quốc tế và khu vực.

Với định hướng VICEM là doanh nghiệp Nhà nước - Công ty mẹ, có vai trò “đầu tàu”, “trụ cột” dẫn dắt ngành Xi măng Việt Nam phát triển theo định hướng của Nhà nước, hoạt động với chức năng chính là đầu tư tài chính, nắm giữ cổ phần chi phối tại các đơn vị thành viên; góp vốn tại các công ty xi măng liên doanh, liên kết nhằm tối đa hóa lợi nhuận, việc tập trung lĩnh vực chính là sản xuất xi măng, kiên quyết không đầu tư ngoài ngành là chuẩn xác.

“Nếu đánh giá không hiệu quả vẫn làm thì là có “tội”. Thị trường liên tục thay đổi, chúng tôi muốn chuyển nhượng để thu hồi tài sản Nhà nước. Chắc chắn bảo toàn vốn, không bảo toàn thì không dám bán. Vấn đề này phải điều chỉnh để thu hồi vốn cho Nhà nước theo trình tự pháp luật, không thể nóng vội được”, ông Bùi Hồng Minh nhấn mạnh.

Tập thể cán bộ, lãnh đạo, công nhân viên toàn VICEM đang nỗ lực “căng mình” tái cấu trúc gắn với cổ phần hóa để đảm bảo đúng lộ trình, đúng pháp luật. Sản xuất kinh doanh của VICEM những năm qua đạt hiệu quả cao, các đơn vị thành viên đều có lãi. Năm 2019, VICEM lãi khủng nhất với 3.200 tỷ đồng, doanh thu 37.000 tỷ đồng. Năm 2020, VICEM khát vọng hợp tác với FLSmidth nghiên cứu thành công công nghệ xi măng không phát thải - tuần hoàn tự nhiên, trở thành doanh nghiệp xanh, bền vững, tiết kiệm tối đa tài nguyên, ít ảnh hưởng tối đa đến môi trường và mang lại lợi ích cho xã hội.

Vũ Huyền

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vicem-voi-noi-lo-dat-vang-du-kinh-doanh-lai-khung-283304.html