Victor Vũ mất nửa năm lùng sục bối cảnh cho 'Thám Tử Kiên: Kỳ án không đầu'

Để mang đến bầu không khí cổ trang – kỳ bí cho bộ phim 'Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu', đạo diễn Victor Vũ và ê-kíp đã dành tới 6 tháng chỉ để tìm kiếm bối cảnh phù hợp.

Từ Tây Bắc đến Đông Bắc, hàng chục điểm đến đã được khảo sát, lựa chọn kỹ càng để tạo nên không gian điện ảnh mang màu sắc vừa ma mị vừa chân thực.

Theo chia sẻ trong tập hậu trường mới công bố, diễn viên – nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp gọi đây là “hành trình xa nhất” mà ê-kíp từng thực hiện. Từ Hồ Bản Cài (Tuyên Quang), thác Cò Là, đồi cỏ Vinh Quý (Cao Bằng)… đến những địa điểm hẻo lánh, hiểm trở, cả đoàn đã không quản ngại khó khăn để đưa được máy móc, thiết bị vào phục vụ việc quay phim.

Đạo diễn Victor Vũ

Đạo diễn Victor Vũ

Đặc biệt, khu đồi hoa xuất hiện trong phim được trồng thật, không có can thiệp kỹ xảo. Đinh Ngọc Diệp chia sẻ: “Núi, sông, hồ, thác ở Việt Nam quá đẹp. Không có gì phải bàn cãi. Nhưng để có một chiếc thác vừa phù hợp với kịch bản: không quá vĩ đại, đủ sự kín đáo cộng với sự thuận lợi để đưa máy móc vào thì thật sự là một bài toán khó. Đoàn đã phải đi 4 lần, tổng cộng là 20 thác khác nhau và cuối cùng tìm được một chiếc thác hợp lý”.

Không chỉ chọn cảnh ngoài tự nhiên, đạo diễn Victor Vũ cũng tìm được một thị trấn có kiến trúc độc đáo: nhà quan ở trung tâm, phía trước là chợ, hai bên là cầu và nhà dân rải rác. “Làm phim ở một ngôi làng 200 - 300 năm tuổi mang lại nguồn cảm hứng cho tôi. Không chỉ người xem, cả diễn viên cũng sẽ có thêm cảm xúc khi sống ở nơi có không khí như vậy. Kinh dị với tôi là đánh vào nỗi sợ cơ bản nhất của con người. Ở phim lần này, đó là không khí ma mị, chết chóc của một ngôi làng”, anh nói.

Từ Tây Bắc đến Đông Bắc, hàng chục điểm đến đã được khảo sát, lựa chọn kỹ càng để tạo nên không gian điện ảnh mang màu sắc vừa ma mị vừa chân thực.

Từ Tây Bắc đến Đông Bắc, hàng chục điểm đến đã được khảo sát, lựa chọn kỹ càng để tạo nên không gian điện ảnh mang màu sắc vừa ma mị vừa chân thực.

Khó khăn của đoàn không chỉ đến từ việc chọn cảnh mà còn ở quá trình vận hành. Đinh Ngọc Diệp kể: “Có ngày đoàn phải dậy từ 3h sáng, đi bộ, ngồi xe, vượt đường rừng để đến địa điểm quay. Có nơi không có điện, phải dùng đèn pin sạc, câu đường điện nổi trên mặt sông. Cảnh trong hang, rừng, thác nước – tất cả đều là thật, không phải dựng”.

Cảnh quay thác ma da – một trong những điểm nhấn của phim – thậm chí phải di chuyển bằng 4 phương tiện: xe buýt, thuyền, đi bộ, rồi mới tới nơi. “Chỗ không có cầu thì mình làm cầu, đường quá xấu thì phải cào đất. Có lần ngủ trong rừng, đoàn phải mắc võng la liệt. Tôi 40 năm chưa từng chịu lạnh đến thế”, Đinh Ngọc Diệp nhớ lại.

Điều đặc biệt là chỉ với một căn nhà, ê-kíp đã tạo ra được 12 – 15 bối cảnh bên trong. Từ sự sáng tạo đó, Victor Vũ khẳng định anh muốn mang đến một “bữa tiệc giải trí có chiều sâu” cho khán giả – một trải nghiệm điện ảnh đầy cảm xúc, chạm tới phần sâu nhất trong tâm lý người xem.

“Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” được đầu tư chỉn chu về mặt hình ảnh. Phim được quay tại Tuyên Quang và Cao Bằng, mang đến những khung hình đậm chất nghệ thuật, kết hợp với màu sắc cổ trang bí ẩn. Với sự chỉ đạo của Victor Vũ, người vốn có thế mạnh về dựng phim và xây dựng không khí ma mị, bộ phim hứa hẹn sẽ mang đến một trải nghiệm mới lạ, khác biệt so với những tác phẩm thông thường của điện ảnh Việt.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/victor-vu-mat-nua-nam-lung-suc-boi-canh-cho-tham-tu-kien-ky-an-khong-dau-post1193175.vov