Video 10 triệu lượt xem: Có đủ tiền, lúc về già hối hận vì không sinh con
TRUNG QUỐC - Mắc bệnh ung thư ở tuổi 50, chuyên gia tài chính cảm thấy hối tiếc khi không sinh con mặc dù có tài chính vững chắc. Video phỏng vấn bà thu hút 10 triệu lượt xem.
Một nhà báo, nhà bình luận tài chính nổi tiếng ở Trung Quốc bị ung thư vú giai đoạn cuối đã khuyên những người trẻ chưa có kế hoạch sinh con nên chuẩn bị tâm lý và tài chính đề phòng bệnh tật lúc về già.
Cách đây 1 năm, sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, nhà báo Ye Tan, 50 tuổi đã không còn xuất hiện trước công chúng. Sau một thời gian điều trị bệnh, các bác sĩ cho biết các tế bào ung thư không còn được phát hiện trong cơ thể bà nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang tin tức ifeng.com, bà Ye đã chia sẻ những suy nghĩ về quyết định không sinh con của mình.
Bà kể, năm ngoái khi bị bệnh nặng, bà hối hận vì đã không sinh con khi còn trẻ.
“Tôi tự hỏi liệu mình có quyết định sai lầm hay không. Tôi đã làm việc rất chăm chỉ nhưng dường như cuộc sống của tôi không tốt bằng những người có con khác”, bà Ye nói.
“Tôi thực sự nghi ngờ bản thân mình. Vào thời điểm đó, tôi quá yếu đuối và đầu óc không minh mẫn”.
Cùng lúc ấy, bà chứng kiến những bệnh nhân khác, và cả những bảo mẫu mà bà thuê để chăm sóc cho mình đều có con và đứa con trở thành “trụ cột tinh thần” của họ.
“Khi họ nói về con cái - những câu như 'con trai tôi đã giúp tôi đặt lịch hẹn với bệnh viện' hay 'con tôi bảo tôi đừng lo lắng về viện phí, chúng sẽ trả', mắt họ sáng lên và cười nói rất hạnh phúc”.
Cuối cùng, Ye cho biết bà đã tìm ra cách để xoa dịu những cảm xúc mâu thuẫn bên trong mình.
“Tôi tìm đến sự hỗ trợ tinh thần khác như Phật giáo. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng cuộc sống không có con không hẳn là tồi tệ. Tất cả hạnh phúc của tôi đến từ công việc. Nếu bạn bắt tôi phải có trách nhiệm với một đứa trẻ trong một thời gian dài và giải quyết những vấn đề của chúng hàng ngày, tôi sẽ không thể chấp nhận được. Vì vậy, nếu tôi là một người mẹ, tôi sẽ không phải là một người mẹ có trách nhiệm trong mắt người khác” - tờ SCMP đưa tin.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc ngày càng giảm trong thập kỷ qua khi thế hệ trẻ không mặn mà với việc sinh con và kết hôn. Bà Ye cho rằng, người ta rất dễ để đưa ra quyết định này khi còn trẻ, nhưng mọi người nên ghi nhớ hậu quả sự lựa chọn của mình trong tương lai.
“Khi già yếu bệnh tật, không ai chăm sóc bạn bên giường bệnh. Hơn nữa, nếu không có nhiều tiền, bạn có thể làm gì? Nhiều người sẽ hối tiếc vì không có con”.
“Vì vậy, với những người chọn không sinh con, tôi khuyên bạn nên chuẩn bị tâm lý cho những áp lực trong tương lai từ những người xung quanh và từ chính bạn. Một sự chuẩn bị khác bạn nên làm là tích lũy đủ tiền tiết kiệm trong ngân hàng”.
Trước khi mắc ung thư vú, bà Ye cho biết bà là một người nghiện công việc - thường làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày và ngủ rất ít.
“Tôi đã không chú ý đến sức khỏe của mình”. Đồng thời, bà cho biết thêm rằng bà phải chịu áp lực khi điều hành công ty.
Video phỏng vấn bà Ye thu hút 10 triệu lượt xem chỉ tính riêng trên mạng xã hội Douyin, từ đó “châm ngòi” cho một cuộc tranh luận sôi nổi về việc có nên sinh con hay không.
“Có con là sự tiếp nối cuộc sống. Đó là tài sản thừa kế và là trách nhiệm xã hội” - một người nói.
Một người khác bình luận: “Tôi quen 2 gia đình theo lối sống DINK (thu nhập gấp đôi, không con cái). Bây giờ họ vô cùng hối hận”.
“Có con không chỉ là sự đề phòng cho cuộc sống của bạn khi về già, mà còn là một quá trình tận hưởng tình yêu.
Bạn yêu con bạn và con bạn cũng yêu bạn. Một người không có con làm sao hiểu được nỗi vất vả và quan trọng hơn là niềm hạnh phúc khi được nuôi con”, một người khác bình luận.
Tuy nhiên, một số người có góc nhìn khác. “Tôi năm nay 60 tuổi. Vợ tôi và tôi sống chung không con cái được 33 năm. Chúng tôi chưa bao giờ hối hận và vẫn cảm thấy hạnh phúc” - một người đàn ông chia sẻ.
“Tôi làm việc tại khoa ung bướu của một bệnh viện. Tôi thấy nhiều bệnh nhân lớn tuổi đến khám chữa bệnh một mình hoặc có bạn đời đi cùng. Rất ít con cái thường xuyên về thăm cha mẹ. Bọn trẻ không có nhiều thời gian. Vì vậy, thứ quan trọng nhất là tiền”, một người khác khẳng định.