Video xấu, độc trên Youtube: Từ sự tò mò đến những cái chết đau lòng
Trước video 'xin vía' búp bê kumanthong để học giỏi của Thơ Nguyễn, hàng loạt video với nội dung nhảm nhí, độc hại từng xuất hiện YouTube khiến phụ huynh phải giật mình.
Thơ Nguyễn và video xin “vía” búp bê ma để học giỏi
Một làn sóng giận dữ đã nổi lên với YouTuber Thơ Nguyễn sau khi người này đăng tải một clip 60s trên kênh TikTok hơn 900 nghìn lượt theo dõi, về việc xin 'vía' học giỏi cho các em học sinh từ búp bê ma (búp bê "bùa ngải" kumanthong ở Thái Lan).
Trong đoạn clip này, Thơ Nguyễn ôm 1 con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng "mẹ" và gọi búp bê là "con", dỗ dành búp bê để xin “vía” học giỏi cho các em học sinh.
YouTuber này cầm một sợi dây chuyền đung đưa trước mặt búp bê và nói: "Mập ơi, bây giờ con nghe lời mẹ này, mai các anh chị đi học rồi, giờ con cầu cho các anh chị học giỏi nha. Nếu mà con cầu được thì con lắc ngang, không cầu được lắc dọc, nói chung là cứ lắc tứ tung đi. Lắc đi, lắc cái đầu là mẹ cho ăn đòn tét mông ngay…”.
Trước làn sóng giận dữ từ các phụ huynh, Thơ Nguyễn phải đăng bài giải thích rằng đó chỉ là sự hiểu nhầm. Tuy nhiên lời giải thích này không xoa dịu được cơn giận từ các phụ huynh.
Trước đó, Thơ Nguyễn cũng từng bị phản đối vì clip hướng dẫn trẻ thực hành những trò phản giáo dục. Đó là clip: "Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ" với những tiếng kêu rên phản cảm; clip bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung; đun bia, nước ngọt trên bếp…
Video dạy trẻ “Ăn bột giặt, uống sữa tắm”
Tháng 1/2020, nhiều bậc phụ huynh cũng tỏ ra bức xúc với một kênh YouTube chuyên đăng tải các video có tiêu đề dễ gây hiểu lầm cho trẻ nhỏ như: Ăn bột giặt, ăn xương rồng, uống sữa tắm hay nước rửa bát…
Tại kênh YouTube có tên “Toy Planet”, 2 YouTuber có biệt danh là “anh tóc xanh” và “anh bốn mắt” thường hóa thân thành nhân vật trong các tình huống mà thường ngày trẻ gặp phải khi đi học hay ở nhà.
Loạt clip kênh này đăng tải có nhiều video chứa nhan đề khiến trẻ hiểu lầm như: “Ăn xương rồng trừng trị sao đỏ Xanh lanh chanh“, “Ăn Ipad trong lớp troll Xanh lanh chanh xấu tính tráo quả”, “Làm giả bột giặt từ sữa bột”, "Uống nước rửa bát”, “Ăn xà bông, uống sữa tắm”…
Đặc biệt, trong đoạn video có tên “Làm giả xà bông từ socola troll Xanh lanh chanh hay ghen tị”, hai YouTuber của kênh đã hướng dẫn làm giả xà bông và sữa tắm bằng sữa và chocolate trắng. Sau đó, nhân vật này đã ăn xà bông và sữa tắm (được làm từ sữa và chocolate) trước mặt bạn mình, trong khi nhân vật còn lại ăn xà bông và sữa tắm thật.
Nhiều người xem giận dữ chỉ trích kênh này vì họ cho rằng những video trên rất dễ khiến trẻ nhỏ học và làm theo, gây nguy hiểm. Trước những ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng, hai nhân vật chính của kênh đã đăng tải một clip trần tình, xin lỗi.
“Các video đều hướng đến các bạn nhỏ trên 13 tuổi, tức là khoảng lớp 7 trở lên. Do đó tôi nghĩ lứa tuổi này sẽ có đủ nhận thức để hiểu được nội dung để không bắt chước theo những tiêu đề hay hình ảnh trong video”.
Tuy nhiên, lời giải thích này của 2 YouTuber không thuyết phục được dư luận bởi họ cho rằng đây chỉ là lời biện hộ vì trước đó kênh này không hề giới hạn độ tuổi xem clip.
Video thả hàng trăm cái dao từ trên cao xuống
Tương tự, tháng 11/2019, kênh YouTube NTN Vlogs của YouTuber Nguyễn Thành Nam cũng đăng tải clip có tiêu đề “Thả 100 cái dao trên cao xuống” khiến người xem rùng mình.
Theo đó, NTN đã mua 87 con dao nhỏ bó lại với nhau và đưa cho một thanh niên khác lên sân thượng, thả xuống đất. Mục tiêu của 87 con dao trên là miếng thịt lợn nằm trên miếng xốp mỏng. Tiếp sau đó là thử thách thả bó dao trên rơi trúng quả dưa hấu và chai nước ngọt.
Ngay khi đăng tải, clip này đã nhận sự phản đối gay gắt từ cộng đồng mạng vì nội dung nguy hiểm, có thể thôi thúc trí tò mò của trẻ nhỏ, khiến chúng làm theo.
Dù clip sau đó đã được gắn nhãn giới hạn độ tuổi nhưng một số người vẫn lo sợ các bé chưa thành niên sẽ coi được vì khai gian tuổi trên YouTube.
Hậu quả đau lòng
Tò mò, nhiều bạn nhỏ đã làm theo những hướng dẫn nhảm nhí, nguy hại trên các video của YouTube và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tháng 1/2020, bệnh nhân N.H.Đ.D (15 tuổi, ở Hải Dương) đã phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ làm pháo. N.H.Đ.D được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng rất nặng, với đa chấn thương: dập nát cẳng bàn tay phải, vết thương cẳng tay trái, đứt gân duỗi cổ tay quay và đa vết thương phần mềm cẳng chân hai bên.
Người nhà của bệnh nhân D. cho hay, em đã xem cách chế thuốc nổ trên YouTube sau đó lên mạng tìm mua thuốc nổ, lưu huỳnh về làm theo. Quá trình nghiền thuốc bị phát nổ bất ngờ, D. bị chấn thương nghiêm trọng.
Tháng 10/2020, bé gái tên là V.T.D (5 tuổi) bị tử vong cũng khiến dư luận bàng hoàng. Vào thời điểm xảy ra sự việc, D vừa xem xong một video hướng dẫn trò thắt cổ trên mạng. Tò mò, D đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà làm theo. Khi được người nhà phát hiện, bé D đã ở trong tình trạng mặt mũi tím tái, không còn hơi thở và không qua khỏi.
Trước đó, vào tháng 11/2019, bé trai Đ.T.K (7 tuổi, ở TP.HCM) cũng làm theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube. Gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ, người tím ngắt, ngất lịm. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên K đã may mắn giữ được tính mạng.
Khi được hỏi lý do, bé K cho biết, em đã nhiều lần xem trò chơi “chết đi sống lại” trên YouTube. Trong video đó, nhân vật hướng dẫn cách thắt cổ nhưng vẫn thở được mà không chết nên bé đã làm theo.