Việc buôn bán thịt chó, mèo không đại diện cho người Việt Nam

Phó chủ tịch UBND TP Hội An cho biết địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân hình thành thói quen không ăn thịt chó, mèo.

Theo ghi nhận của Zing, nhiều quán thịt chó tại TP Hội An (Quảng Nam) vẫn mở cửa, tuy nhiên lượng khách rất ít.

Ông Nguyễn Văn Thành (50 tuổi, chủ quán thịt chó ở phường Cẩm Châu), cho biết mỗi ngày quán bán được 2 đến 3 con chó. Thông tin dừng kinh doanh thịt chó ông được biết qua mạng xã hội, chưa có thông tin chính thức từ chính quyền địa phương.

"Quán tôi bán hơn 10 năm nay, có giấy phép kinh doanh hợp pháp và thịt chó được tôi nhập từ Đà Nẵng về để buôn bán chứ không có giết mổ tại quán".

Ông cho biết sẽ chấp hành nếu địa phương có chủ trương cấm hoặc dừng tiêu thụ thịt chó, mèo.

"Chủ trương chung thì tôi chấp hành, nhưng thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho những hộ kinh doanh thịt chó có thể chuyển đổi nghề", ông Thành nói.

Ông Hồ Phước Thiện phản đối việc buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Đức.

Ông Hồ Phước Thiện phản đối việc buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Đức.

Trong khi đó, là một người nuôi thú cưng, ông Hồ Phước Thiện (ở phường Minh An, TP Hội An) lên tiếng phản đối việc buôn bán thịt chó, mèo.

"Nhà tôi nuôi cả chó và mèo được hơn 10 năm nay, chúng như những người bạn rất thân thiết. Việc địa phương cam kết dừng kinh doanh thịt chó, mèo tôi nghĩ là việc nhân văn ý nghĩa, đáng để nhân rộng. Tôi cũng đồng tình việc cấm buôn bán thịt chó, mèo", ông Thiện nói.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết địa phương có ít hộ kinh doanh thịt chó, không có hộ kinh doanh thịt mèo.

Dự án TP Hội An ký kết với FOUR PAWS vào tháng 12/2021 là biên bản ghi nhớ để xin chủ trương UBND tỉnh Quảng Nam. Khi UBND tỉnh Quảng Nam thông qua mới thống nhất, lên kế hoạch để triển khai trong 2 năm 2022, 2023.

"Địa phương tập trung tuyên truyền vận động người dân hình thành thói quen không ăn thịt chó, mèo", ông Hùng nói.

 Chiến dịch "Đây không phải Việt Nam" thể hiện sự phản đối việc buôn bán chó, mèo để lấy thịt một cách tàn nhẫn.

Chiến dịch "Đây không phải Việt Nam" thể hiện sự phản đối việc buôn bán chó, mèo để lấy thịt một cách tàn nhẫn.

Theo tổ chức FOUR PAWS (tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu), mỗi năm tại Việt Nam có hơn 6 triệu cá thể chó và mèo bị giết thịt.

Điều này khiến nạn buôn bán chó, mèo trở thành một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất về quyền lợi động vật hiện nay. Chó và mèo bị bắt trộm từ chủ của chúng và bị bắt cóc từ cộng đồng rồi vận chuyển bán buôn, giết thịt.

Nạn buôn bán cũng gây ra mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đáng chú ý nhất là bệnh dại, và đồng thời tạo ra môi trường lý tưởng cho sự xuất hiện của các bệnh khác.

Theo khảo sát của tổ chức này năm 2021 có 91% người dân Việt Nam phản đối việc buôn bán thịt chó và mèo, 88% người dân ủng hộ lệnh cấm buôn bán thịt chó và mèo và 95% người dân cho rằng ăn thịt chó, mèo không phải là văn hóa của Việt Nam.

Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu đã phát động chiến dịch "Đây không phải Việt Nam" thể hiện sự phản đối với việc buôn bán chó, mèo để lấy thịt một cách tàn nhẫn. Mỗi người dân sẽ gửi một thông điệp ngắn bày tỏ thái độ mong muốn chấm dứt ngay tình trạng buôn bán thịt chó, mèo đang diễn ra tràn lan, thông qua website thisisnotvietnam.org.

FOUR PAWS cho biết sẽ quyết tâm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó và mèo ở Đông Nam Á thông qua sự hợp tác của Chính phủ, hỗ trợ các chương trình chăm sóc động vật hoang dã tại địa phương, tiến hành cứu hộ và đóng cửa lò mổ, đồng thời nâng cao nhận thức về rủi ro của nạn buôn bán này.

Thanh Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viec-buon-ban-thit-cho-meo-khong-dai-dien-cho-nguoi-viet-nam-post1295401.html