VIỆC CẦN QUYẾT LIỆT VÌ SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN
Các cơ quan chức năng vừa phát hiện và bắt giữ hàng chục tấn thịt gia cầm đông lạnh bốc mùi hôi thối chuẩn bị được tung ra thị trường.
Theo các nghiên cứu khoa học, thực phẩm đông lạnh khi đã ôi, thiu, thối sản sinh ra rất nhiều chất gây hại cho người nếu ăn phải, trong đó có những chất gây ung thư hoặc nhiều bệnh nguy hiểm khác sau một thời gian tích tụ. Thực tế, để chế biến những thực phẩm đã ôi, thiu, thối, những nhà sản xuất, kinh doanh thiếu lương lâm còn phải trộn hóa chất độc hại, dẫn tới mức độ nguy hại cho người sử dụng tăng lên nhiều lần.
Theo quy định hiện hành, người buôn bán thực phẩm bẩn ngoài việc bị xử phạt hành chính lên tới hàng trăm triệu đồng còn có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, vì thu lợi lớn nên các đối tượng vẫn bất chấp, sẵn sàng buôn bán hàng thực phẩm không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Do vậy, để triệt phá tận gốc, ngoài việc phát hiện, bắt giữ và xử lý, rất cần lần theo đường dây để truy ra đích đến cuối cùng của thực phẩm bẩn, bóc gỡ triệt để các chân rết của những đường dây này. Những nơi nhạy cảm như các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đóng hộp, đóng gói; các nhà hàng, quán ăn; các bếp ăn tập thể dành cho công nhân, sinh viên, học sinh... cần được thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đột xuất nhưng thường xuyên hơn bởi lực lượng liên ngành.
Thực tế, toàn bộ số thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm khi bị phát hiện, bắt giữ đều được đưa đi tiêu hủy. Việc tiêu hủy số thực phẩm này không chỉ làm phát sinh chi phí, mà còn gây tổn hại cho môi trường. Vì thế, bên cạnh việc xử lý hành chính, xử lý hình sự, rất cần có chế tài bổ sung buộc các đối tượng phải chi trả toàn bộ chi phí tiêu hủy và đóng phí bảo vệ môi trường.
Lâu nay, chúng ta vẫn nhắc đến việc cần truy cứu trách nhiệm với các cá nhân, cơ quan hữu quan để xảy ra tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Nay cũng cần nhấn mạnh tới chế độ khen thưởng kịp thời cho những cá nhân, cơ quan có thành tích cao trong công tác phòng, chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh. Việc phát hiện hàng chục tấn thịt gia cầm bốc mùi hôi thối trước khi được tuồn ra thị trường là thành tích rất đáng được khen thưởng, động viên kịp thời. Bởi, đó là hành động ngăn chặn rất kịp thời để bảo vệ sức khỏe người dân.
Để làm được những việc như trên có thể sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhiều quy định có liên quan. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả cao hơn, vì sự an toàn về sức khỏe cho toàn dân.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/viec-can-quyet-liet-vi-suc-khoe-nguoi-dan-649088