Việc cấp điện có đảm bảo trong mùa nắng nóng năm nay?
Theo dự báo, nắng nóng năm nay đến sớm, gay gắt hơn, nhiều kỷ lục nhiệt độ có thể được thiết lập. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng điện trong 3 tháng đầu năm đã cao hơn rất nhiều so với dự báo năm 2024 của Bộ Công Thương và kế hoạch vận hành hệ thống điện. Chính vì vậy, việc cùng nhau chia sẻ để đảm bảo được việc cung ứng điện năm 2024 là việc rất quan trọng và cấp bách.
Nhu cầu sử dụng điện tăng cao
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, năm 2024 là năm phát triển mạnh mẽ nhu cầu sử dụng điện của toàn quốc gia, cũng như miền Bắc. Dự tính tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng nguồn điện toàn nền kinh tế trong năm 2024 lên đến 9,6%/năm, cao nhất kể từ năm 2018. Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm 2024, dù chưa đến những tháng nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện quốc gia và miền Bắc đã tăng trưởng khoảng 11%.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng sẽ đến sớm trong năm 2024. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc cung ứng điện cho hệ thống, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao so với kế hoạch.
Trong báo cáo mới nhất của A0, dự báo nhu cầu công suất điện tại miền Bắc trong cao điểm mùa khô (tháng 4-7) có thể đạt đến 27.481MW, tăng 17% so với kỷ lục vận hành cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện miền Bắc giai đoạn này chỉ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 52,3 tỷ kWh.
“Có thể hình dung, nhu cầu sử dụng điện khu vực miền Bắc bao gồm điện sinh hoạt và công nghiệp khoảng 25.000MW; nếu tăng trưởng 10%/năm thì sẽ cần thêm 2.500MW. Như vậy, mỗi năm chúng ta cần có thêm một nhà máy thủy điện Sơn La nữa đi vào vận hành mới có thể đáp ứng được tốc độ tăng trưởng, phụ tải nhu cầu sử dụng điện của khu vực phía Bắc. Đây thách thức không nhỏ đối với ngành Điện”, ông Nguyễn Quốc Trung nhấn mạnh.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh diễn biến thủy văn 3 tháng đầu năm không thuận lợi, để thực hiện mục tiêu tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, các nguồn nhiệt điện, nhất là nhiệt điện than, đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải; đồng thời tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc.
Bộ Công Thương khẳng định việc cung ứng điện cho năm 2024 về cơ bản sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên, với tỷ trọng nguồn thủy điện chiếm hơn 32%, cung cầu nội miền của khu vực miền Bắc nhiều thời điểm sẽ xuất hiện tình trạng mất cân đối trong trường hợp tình hình thủy văn bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự cố các tổ máy nhiệt điện than. Do đó, việc bổ sung sớm nguồn điện mới, đặc biệt là các nguồn điện chạy nền cho miền Bắc là hết sức cần thiết…
Hàng loạt giải pháp, chủ động ứng phó
Để chủ động đối phó với nguy cơ thiếu điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã có nhiều giải pháp. Cụ thể, đối với thủy điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã tiến hành tích nước trong các hồ, để dành nước trong các hồ thủy điện để sử dụng vào những lúc cần thiết, là lúc nắng nóng nhất, tháng 5, 6, 7.
Đến nay, việc trữ nước trong các hồ thủy điện được khoảng 11 tỷ kWh điện, cao hơn 4 tỷ kWh trong các hồ so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, Trung tâm cùng các địa phương, Bộ NN&PTNT sử dụng nước tối đa cho hạ du một cách hiệu quả, giúp tiết kiệm được khoảng 1 tỷ m3 nước so với dự kiến ban đầu. Đáng chú ý, Trung tâm cũng lên kịch bản phát nguồn điện đắt tiền nhất là nhà máy chạy dầu FO, DO. Năm nay, EVN chỉ đạo các đơn vị trong đó có Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đưa nguồn năng lượng mới vào vận hành đó là nguồn khí hóa lỏng LNG. Hiện EVN đang thương thảo và ký hợp đồng với bên cung cấp khí, để có khả năng chạy nguồn khí LNG ở nhà máy Đông Nam Bộ vào ngày 15/4.
Đối với nguồn nhiệt điện than, tua bin khí, EVN cùng các đơn vị ngoài ngành đã rà soát, chuẩn bị vật tư dự phòng làm sao tận dụng tối đa cả về nhiên liệu than lẫn nhiệm vụ khả dụng của các tổ máy. Hiện nguồn than chiếm 50% sản lượng, nếu có vấn đề gì cũng rất ảnh hưởng đến việc cấp điện.
Hiện, Trung tâm cùng Tổng Công ty Điện lực miền Bắc rà soát các thủy điện nhỏ. “Đối với tháng 5, 6, 7 chúng ta có thêm nhu cầu khách hàng nhìn thấy rõ luôn là từ 21h-23h, rất cao trong ngày. Chúng tôi sẽ điều chỉnh gần 300 nhà máy thủy điện nhỏ phát đúng vào thời điểm đó”, ông Nguyễn Quốc Trung cho biết.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm chia sẻ, nhằm chuẩn bị kế hoạch bảo đảm điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024, EVN đã có các chỉ đạo rất cụ thể tới tất cả các đơn vị trực thuộc, tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật và vận hành hệ thống điện, bao gồm cả nhà máy điện, đường dây truyền tải phân phối điện.
Cùng với đó, tập trung đảm bảo tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, đặc biệt các hệ thống lưới điện để giải tỏa công suất, tăng cường khả năng đấu nối các khu vực; các trung tâm năng lượng, cũng như tăng cường nhập khẩu các nước xung quanh. Đặc biệt, chú trọng triển khai các chương trình quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện.
Về phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc cân đối cung ứng điện ở các tháng cao điểm mùa khô năm nay dự báo sẽ gặp nhiều thách thức do nhu cầu tăng cao, lưu lượng nước có dấu hiệu thấp hơn trung bình nhiều năm.
Do đó, ngay từ cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện.
Đánh giá về sự chuẩn bị của EVN, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực nhận định, EVN và các đơn vị điện lực thành viên đã tích cực chủ động triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô và cho cả năm 2024 theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Các đơn vị phát điện truyền tải, phân phối điện cũng đã tích cực rà soát các thiết bị máy móc, chủ động khắc phục các khiếm khuyết,… để hạn chế thấp nhất các sự cố.
Đặc biệt, các Tổng công ty, công ty điện lực đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, triển khai các chương trình tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025.
“Qua kiểm tra thấy rằng các cơ quan đơn vị điện lực đã chủ động trong việc triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô và cho cả năm 2024. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, chúng tôi đánh giá việc cung cấp điện cho sinh hoạt cho khách hàng trong mùa khô năm 2024 được đảm bảo. Tuy nhiên, đảm bảo này dựa trên kịch bản mọi thứ đều diễn ra bình thường, không có gì đột biến. Nhưng do phụ tải tăng cao, lưu lượng nước về các tháng cao điểm mùa khô có dấu hiệu thấp hơn trung bình nhiều năm. Thế nên, việc cân đối cung ứng điện ở các tháng cao điểm mùa khô năm nay dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là khi xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài liên tục và sự cố nhiều nhà máy nhiệt điện cùng một lúc”, ông Nguyễn Thế Hữu cho hay.
Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, để chủ động đối phó với những nguy cơ đó, ngoài nỗ lực của ngành điện thì cũng cần sự chung tay của quý khách hàng sử dụng điện trong việc tham gia các chương trình tiết kiệm điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện, chủ động chuyển nhu cầu sử dụng điện chưa cấp thiết ra khỏi khung giờ cao điểm để giảm áp lực cung ứng điện trong giờ cao điểm đó.
Sẽ không lặp lại tình trạng thiếu điện?
Tại họp báo thường kỳ quý I/2024 do Bộ Công Thương tổ chức gần đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, tình trạng thiếu điện trong năm 2023 là "sự cố đáng tiếc". Do đó, Chính phủ và Thủ tướng đã rất quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp để triển khai, khắc phục tình trạng này.
Ui
Cụ thể, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương trực tiếp giám sát, tham gia điều hành cung ứng điện. Đồng thời việc điều hành cung ứng điện cũng có sự đổi mới trong lập kế hoạch, điều hành và điều độ hệ thống điện.
Thực tế, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, từ đầu năm Bộ Công Thương đã chủ động ban hành kế hoạch về cung ứng điện, cung cấp nhiên liệu khí, than cho cung ứng điện. Điểm mới là bộ cũng ban hành kế hoạch riêng về cung ứng điện cho các tháng mùa khô, từ đó rà soát liên tục, hàng tháng.
"Ngay trong quý I này đã có kế hoạch cụ thể, nên chúng tôi thấy rằng việc cung ứng điện dù có tăng là trên 11%, nhưng bộ đã phối hợp các bên liên quan tích cực triển khai các giải pháp. Chúng tôi tin tưởng và có đủ cơ sở để tin tưởng là năm 2024 không lặp tình trạng thiếu điện và không chỉ năm 2024 mà cả những năm tiếp theo", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.