Việc chi cho người hiến máu tình nguyện không lấy tiền được pháp luật quy định như thế nào?

* Bạn đọc Nguyễn Văn Bảy ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc chi cho người hiến máu tình nguyện không lấy tiền được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 15/2023/TT-BYT ngày 20-7-2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Cụ thể như sau:

Chi cho người hiến máu tình nguyện không lấy tiền:

a) Người hiến máu toàn phần tình nguyện có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu như sau:

- Một đơn vị máu thể tích 250ml: 100.000 đồng;

- Một đơn vị máu thể tích 350ml: 150.000 đồng;

- Một đơn vị máu thể tích 450ml: 180.000 đồng.

b) Người hiến tình nguyện gạn tách các thành phần máu có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu như sau:

- Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ 250 đến 400ml: 150.000 đồng;

- Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 400 đến 500ml: 200.000 đồng;

- Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 500 đến 650ml: 250.000 đồng.

c) Chi hỗ trợ chi phí đi lại đối với người hiến máu tình nguyện: Mức chi bình quân tối đa là 50.000 đồng/người/lần hiến máu.

d) Hướng dẫn chi quà tặng bằng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh:

Trường hợp chi quà tặng bằng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thủ trưởng đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm công khai danh mục các dịch vụ và mức giá của từng dịch vụ để người hiến máu lựa chọn bảo đảm nguyên tắc:

- Tổng mức giá của các dịch vụ phải tương đương với mức chi quà tặng quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 điều này;

- Trường hợp tổng mức giá của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn thấp hơn mức chi quà tặng tại điểm a và điểm b khoản 4 điều này thì đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm chi bổ sung quà tặng bằng hiện vật bảo đảm đủ mức chi quà tặng theo quy định;

- Trường hợp tổng mức giá của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn cao hơn mức chi quà tặng tại điểm a và điểm b khoản 4 điều này: Đơn vị tiếp nhận máu được thu thêm phần chênh lệch giữa tổng mức giá của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn với mức chi quà tặng được nhận, đồng thời có trách nhiệm giải thích công khai để người hiến máu hiểu và thực hiện. Trường hợp phần chi phí vượt của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn không quá 10% mức chi quà tặng được nhận thì thủ trưởng đơn vị tiếp nhận máu có thể quyết định sử dụng nguồn thu từ hoạt động cung cấp máu, chế phẩm máu để chi và quyết toán theo thẩm quyền.

- Mức giá của các dịch vụ trong gói quà tặng thực hiện theo quy định được cấp có thẩm quyền áp dụng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

* Bạn đọc Mai Văn Hoa ở xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, hỏi: Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 157 Bộ luật Dân sự hiện hành. Cụ thể như sau:

1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:

a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

b) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

c) Các bên đã tự hòa giải với nhau.

2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 điều này.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/viec-chi-cho-nguoi-hien-mau-tinh-nguyen-khong-lay-tien-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-742748