Việc cưới, bao giờ lại được như xưa

Xưa, ở thành thị thường tổ chức cưới vào mùa Thu và mùa Xuân vì thời tiết mát mẻ, chủ và khách tha hồ 'đóng bộ' trưng diện, hôn trường và phòng hoa đều dễ chịu. Ở nông thôn thì thường cưới vào cuối Thu, đầu Đông vì gặt hái đã xong, thóc gạo đã sẵn để lo nấu cỗ. Nay thì Xuân, Hạ, Thu, Đông đều là mùa cưới, bất kể thành thị hay nông thôn.

Cưới là một công việc hệ trọng của đời người. Xưa, nhà nào đẻ con trai, từ sớm đã phải manh nha lo hai việc: Lo đất làm nhà và lo cưới vợ cho con. Không hiếm gia đình lo xong đám cưới cho con là lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí khánh kiệt bởi phải lo trả nợ miệng và những lệ thách cưới nặng nề. Nhiều đám phải hủy vì nhà trai không đáp ứng được lễ lạt thách cưới của nhà gái. Cho nên mỗi lần đi đánh tiếng với họ nhà gái, người ta thường chọn người hoạt ngôn để nâng lên đặt xuống, trần tình mọi nhẽ, lựa lời ăn nói… sao cho cả đôi bên đều hài lòng với các khoản sính lễ, gọi nôm là “đồ thách cưới”…

 Nhiều đám cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm, văn minh. Ảnh minh họa.

Nhiều đám cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm, văn minh. Ảnh minh họa.

Rồi nữa, cưới thì phải biện cỗ mời họ hàng, bạn bè, làng nước… Với nhiều gia đình, cỗ cưới thực sự là gánh nặng vì tục lệ ăn uống linh đình, mâm cao cỗ đầy theo kiểu “lệ làng” là phải có thế.

Thời kỳ bao cấp khó khăn, hàng hóa khan hiếm, tất tật thứ gì cũng phải theo tem phiếu tiêu chuẩn. Ai cưới vợ, cưới chồng có xác nhận của địa phương thì ông thương nghiệp linh động giải quyết thêm cho ít bánh kẹo, chè xanh, thuốc lá… Cùng thời ấy, Nhà nước phát động phong trào cưới theo “nếp sống văn hóa mới” nên đám cưới chỉ còn mang tính thủ tục.

Các cặp uyên ương chỉ cần đăng ký kết hôn. Họ nhà trai chỉ cần mang đến nhà gái mấy quả cau, cơi trầu, vài bao thuốc lá Tam Đảo hoặc Trường Sơn, thêm mấy gói chè mạn. Còn họ hàng, bạn bè, làng xóm đến dự đám cưới chỉ uống nước chè và nhấm nháp vài thứ quà quê. Quà mừng cưới thường là những vật dụng thiết thực như xoong nồi, chậu thau, ấm chén…

Những đám cưới đơn giản mà rất tiết kiệm thời ấy đã cho ra rất nhiều sản phẩm mà giờ đây nhiều người đã trở thành những nhà khoa học khả kính, những nhà quản trị tài ba, những vị tướng lẫy lừng, những nhà văn hóa nổi tiếng của đất nước… Một điều đặc biệt nữa là chủ nhân của những đám cưới “nếp sống văn hóa mới” ngày ấy thường gắn bó với nhau trọn đời, rất hiếm trường hợp ly hôn, mỗi người mỗi ngả…

Đến thời kinh tế thị trường, đám cưới cũng như nhiều giá trị văn hóa truyền thống dần bị biến dạng. Đám cưới, ngoài việc tác thành cho đôi lứa còn là sự phô trương tiền bạc, độ giàu sang, thói kệch cỡm và cả sự "trục lợi"...

Cỗ cưới thì ê hề, đủ loại sơn hào hải vị, không cần biết thực khách có tiêu hóa hết hay không. Cùng đó là bao chuyện bi-hài: Có đám người ta biến tiệc cưới thành buổi tuyên truyền chính trị của các báo cáo viên trong vai trò “thay mặt” gia đình hay cơ quan, đơn vị, đoàn thể… phát biểu ý kiến. Lại có đám cưới thành buổi liên hoan văn nghệ bất đắc dĩ với những bài hát chẳng ăn nhập gì với hôn lễ: Sao em nỡ vội lấy chồng; Yêu nhau ném đá vỡ đầu nhau ra…

Nhạc đám cưới thì đinh tai nhức óc như tra tấn người dự và những ngôn từ tục tĩu khiến người nghe phải đỏ mặt. Lại có những vị khách là bợm nhậu, cứ như thể chưa được uống rượu bao giờ, cầm chai rượu lê la chúc tụng hết bàn này đến bàn khác.

Đã có nhiều vụ án mạng xảy ra trong đám cưới mà thủ phạm chính là... rượu. Lại có không ít trường hợp đi dự đám cưới về say rượu còn cầm lái ô tô, xe máy, gây nên tai nạn thương tâm. Còn nữa, nhiều đám cưới vô tình bị biến thành những cuộc gặp gỡ của đồng nghiệp, đồng môn, đồng ngũ… Mấy bà nghiện chứng “xeo-phì, chếch-in”, đeo kính râm to tổ bố quay mông vào quan khách chụp lấy chụp để…

Điều “tế nhị” nhất nhưng cũng phiền toái nhất là cái thùng hình trái tim đựng phong bì đặt chình ình trước cửa vào hôn trường. Nếu là đám cưới con nhà cán bộ có chức vụ hoặc những người có ảnh hưởng xã hội thì việc được mời dự cưới là một “đặc ân” nên phong bì phải liệu sao cho xứng (!). Hoặc đó cũng là một dịp để nhiều người thể hiện lòng yêu quý “sếp”, nhất là những người sắp được “vào quy hoạch” hoặc sắp được đề bạt.

Tốn kém bao nhiêu cũng phải có cái phong bì thật dày để “mừng cho các cháu”. Ấy chỉ là những đám cưới đặc biệt, còn bình thường thì đó là “bữa cơm giá cao” mà mỗi khi nhận được thiệp mời là đại đa số cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động thuộc các thành phần đều phải… méo mặt. Lương tháng bình quân chỉ dăm bảy triệu mà đủ thứ việc phải chi. Học hành cơm áo của cả một gia đình trông cả vào đấy.

Một tháng chỉ vài cái thiệp mời như thế là “bội chi ngân sách”. Lại phải mấy tháng sau ăn dè hà tiện mới bù vào được. Có những cụ hưu trí phải kiếm cớ trái gió trở trời, đau lưng nhức đầu… để thoái thác không đến dự mà chỉ gửi quà mừng. Đây là cách giải tối ưu cho bài toán lương hưu, vì gửi quà mừng là tiết kiệm được một khoản đáng kể so với đi ăn cỗ cưới (!).

Vấn nạn cỗ cưới đang lúc cao trào thì dịch Covid-19 xảy ra. Tập trung đông người ăn uống là tự sát! Quy định phòng chống dịch nghiêm hơn quân lệnh. Hơn hai năm, dịch covid-19 đã “giúp” bao người giảm bớt gánh nặng đi dự cỗ cưới. Các cặp uyên ương cùng phụ huynh đều nghiêm chỉnh chấp hành. Những đám cưới đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm, văn minh… thời “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” ngỡ như đã hồi sinh.

Bao nhiêu người thở phào nhẹ nhõm. Bao nhiêu người những tưởng nhân đà này tệ nạn cỗ cưới sẽ được cả xã hội bài trừ… Nào ngờ hết dịch, tệ nạn cỗ cưới lại hồi sinh và “như chưa hề có cuộc chia ly”. Hoành tráng nhất vẫn là những người có “vai vế”. Và đó đây lại kêu gọi, lại nhắc nhở, lại viện dẫn những quy định của cấp này, cấp nọ… như đã từng “đánh trống bỏ dùi”.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới chưa đầy đủ, khiến việc thực hiện còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, có biểu hiện làm chiếu lệ cho qua chuyện. Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở một số nơi chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong hướng dẫn, quản lý, tổ chức việc cưới… Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, kể cả một số cán bộ có chức vụ còn thiếu gương mẫu trong thực hiện việc cưới, việc tang…

Mới đây, Bộ Nội vụ công bố dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ để lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Dự thảo được xây dựng gồm 5 chương, 25 Điều. Trong đó có phần quy định: Cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương trong sinh hoạt, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; xây dựng lối sống lành mạnh, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc, không có hành vi bạo lực gia đình. Không tổ chức tiệc cưới, ăn hỏi, đám ma, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các công việc khác xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi.

Thiết nghĩ, để thực hiện nghiêm các quy định nêu trên, cần chú trọng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để kịp thời chấn chỉnh và xử lý những hành vi sai phạm. Thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi có cán bộ, đảng viên thuộc quyền vi phạm quy định liên quan tới việc cưới.

Khi đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy vai trò đi đầu, gương mẫu thì việc tổ chức cưới theo nếp sống mới sẽ có được kết quả bền vững. Và, điều cốt yếu nhất là có một chế tài đủ mạnh trên cơ sở một bộ quy tắc sát với thực tiễn; đồng thời đưa vào tiêu chuẩn đánh giá cán bộ hàng năm. Với người dân, vấn đề đặt ra là tăng cường các giải pháp vận động tuyên truyền tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Làm được như thế thì đám cưới một ngày nào đó sẽ trở về đúng bản chất tốt đẹp vốn có của nó.

Nhà thơ Mai Nam Thắng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/doi-song/416827/viec-cuoi-bao-gio-lai-duoc-nhu-xua.html